Chính sách “Nước Mỹ là trên hết” sẽ được duy trì
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 đã làm thay đổi căn bản cách các nhà chiến lược chính sách kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Á, phải suy nghĩ về vai trò của Hoa Kỳ trong chế độ thương mại toàn cầu. Họ phải làm quen với ý tưởng rằng trật tự kinh tế khu vực mới sẽ phải được xây dựng trên giả định rằng Hoa Kỳ sẽ không phải là đối tác trong chủ nghĩa khu vực hoặc sẽ không hào hứng với sự lãnh đạo về thương mại và quản trị kinh tế toàn cầu, ít nhất là trong vài nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo.
Mặc dù Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và đảng Dân chủ bác bỏ những chính sách thái quá trong chủ nghĩa trọng thương của Donald Trump, bao gồm tuyên bố sẽ đánh thuế từ 10 - 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, trong đó áp đặt mức thuế tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng đảng Dân chủ cũng hứa sẽ đánh thuế theo từng đợt đối với Trung Quốc.
Bà Harris và đảng của bà có thể không quá cực đoan trong các chính sách quay lưng với các nguyên tắc cơ bản của kinh tế như những người Cộng hòa. Nhưng với sự tập trung vào “ngoại giao kinh tế của tầng lớp trung lưu”, họ ngầm thừa nhận lập luận cho rằng: sự trượt dốc của nước Mỹ vào chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ không làm suy yếu sức mạnh kinh tế và quyền lực chính trị của nước này.
Kể từ khi ra đời dưới thời của ông Donald Trump, chính sách bảo hộ thương mại “Nước Mỹ là trên hết” đã giành được vị thế chiến lược trong suốt 8 năm qua, thúc đẩy sự đồng thuận lưỡng đảng của Hoa Kỳ.
Đó là lý do mà ngay cả khi tiếp quản Nhà Trắng từ người tiền nhiệm Donald Trump, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn không hủy bỏ những biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc cũng như không thay đổi chính sách quay lưng đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Không có lý do gì để mong đợi sự đồng thuận này sẽ chấm dứt trong thời gian sắp tới, ngay cả khi ứng cử viên Cộng hòa không trở lại Nhà Trắng. Trong trường hợp bà Harris trở thành Tổng thống, bà sẽ bận rộn với những vấn đề nội bộ ngay từ những ngày đầu tiên. Bà sẽ phải đối mặt với một cử tri đoàn phân cực, một Tòa án Tối cao chia rẽ và có thể là một Quốc hội ngoan cố do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Trong khi đó, chiến dịch tái tranh cử của bà cũng như việc giành lại sự kiểm soát của đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử giữa kỳ ở Quốc hội sẽ phụ thuộc vào việc củng cố sự ủng hộ ở các tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi quá trình phi công nghiệp hóa cũng như bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh các chính sách bảo hộ thương mại hiện tại được các nhà lãnh đạo coi như là một phần của nguyên nhân khiến Mỹ đạt được mục tiêu về bảo đảm việc làm, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ, thì một chính quyền Dân chủ chắc chắn sẽ không có lý do gì để trao cho Cộng hòa cơ hội cáo buộc họ bán rẻ lợi ích của Hoa Kỳ khi dỡ bỏ các rào cản thương mại và đầu tư, bất kể chúng được đàm phán thông qua các thỏa thuận song phương có lợi hay thông qua các thỏa thuận đa phương.
3 nguyên tắc chỉ đạo trong kinh tế đối ngoại khu vực
Xu hướng này trong chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với các nền kinh tế Đông Á và các nhà hoạch định chính sách kinh tế khu vực sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn nào? Các nhà phân tích cho rằng, dù ai lên nắm quyền, có 3 nguyên tắc cơ bản định hình mọi phản ứng của các nước châu Á, đặc biệt là Đông Á đối với thực tế này tại Mỹ.
Đầu tiên là nguyên tắc đoàn kết, đặc biệt là nếu ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Các nhà hoạch định chính sách phải đặc biệt cảnh giác để không bị cuốn theo cách tiếp cận thực dụng của ông Trump trong quan hệ đối ngoại, gật đầu với các thỏa thuận mang lại một chút lợi ích về chính trị và an ninh nhưng có thể có hại đối với các đối tác khu vực khác. Điều này đặc biệt cần lưu ý đối với các quốc gia có mối quan hệ an ninh chặt chẽ với Hoa Kỳ, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Họ cần lưu tâm đến lợi ích của các nước đối tác Đông Nam Á để tránh bất kỳ thỏa thuận nào phá vỡ sự đoàn kết ở khu vực, hoặc đưa đến nguy cơ sụp đổ hoàn toàn về lòng tin và hợp tác, gây tổn hại đến sự ổn định của khu vực.
Thứ hai, sự cởi mở là nguyên tắc chỉ đạo. Chủ nghĩa khu vực cởi mở có nghĩa là cần duy trì các khuôn khổ để thúc đẩy sự tham gia đa phương, bao gồm cả Trung Quốc và hy vọng là cả Hoa Kỳ tại một thời điểm nào đó.
Cuối cùng, sự chủ động là điều kiện tiên quyết. Điều này có nghĩa là các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần thúc đẩy ngoại giao chủ động để bảo vệ khuôn khổ cốt lõi của WTO, bao gồm cả việc củng cố Cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời nhiều bên (MPIA). MPIA chính thức có hiệu lực vào tháng 5.2020 sau khi Cơ quan phúc thẩm của WTO không thể hoạt động từ tháng 12.2019 do thiếu thành viên. Nguyên nhân là do từ năm 2017, Mỹ đã kiên trì bác bỏ việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm các thành viên của Cơ quan Phúc thẩm. Quan điểm của Mỹ khiến cho số lượng thành viên của cơ quan này giảm dần do lần lượt hết nhiệm kỳ. Cuối năm 2017, cơ quan này còn 4 thành viên, và từ cuối năm 2018 chỉ còn lại 3 thành viên. Đến ngày 11.12.2019, Cơ quan Phúc thẩm chỉ còn lại 1 thành viên, và chính thức bị vô hiệu hóa.
Cho dù Harris hay Trump trở thành người chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng tới, thì thách thức ngoại giao kinh tế quốc tế của châu Á vẫn sẽ không giảm bớt. Điều đó có nghĩa là họ sẽ phải tăng gấp đôi các chiến lược ưu tiên hàng đầu như duy trì hoạt động thương mại đa phương toàn cầu trong bối cảnh Hoa Kỳ đang dần rút khỏi chủ nghĩa khu vực ở châu Á và vắng mặt với vai trò lãnh đạo thương mại toàn cầu.