Tiếng Anh đã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục Malaysia từ thời kỳ thuộc địa. Sau khi nước này giành độc lập vào năm 1957, mặc dù Bahasa Malaysia (tiếng Mã lai) trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia, tiếng Anh vẫn giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như kinh doanh, pháp luật và quan hệ quốc tế.
Ngày nay, tiếng Anh được xem là chìa khóa quan trọng để tiếp cận cơ hội kinh tế, thành công trong học tập và hội nhập toàn cầu. Chính phủ Malaysia nhận thức được điều này và không ngừng nỗ lực để tăng cường giảng dạy tiếng Anh.
Tại Malaysia, tiếng Anh được dạy như ngôn ngữ thứ hai trong tất cả các trường công lập. Học sinh được tiếp cận với tiếng Anh từ năm đầu tiên của tiểu học, với mục tiêu phát triển kỹ năng đọc viết và giao tiếp tốt khi hoàn thành chương trình trung học. Chính sách giáo dục đặc biệt chú trọng vào việc tích hợp tiếng Anh một cách có ý nghĩa vào chương trình học để bảo đảm học sinh đạt được trình độ thông thạo.
Chính phủ Malaysia ban hành nhiều chính sách và chương trình cụ thể nhằm cải thiện giáo dục tiếng Anh trong toàn quốc. Những sáng kiến này tập trung vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy, cải thiện nội dung chương trình học và bảo đảm học sinh có được các kỹ năng ngôn ngữ thực tế.
Kế hoạch giáo dục Malaysia 2013–2025
Đây là chính sách quan trọng định hướng cho cải cách giáo dục trong nước. Theo kế hoạch này, Chính phủ đề ra một số mục tiêu cụ thể để nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh.
Một trong những trụ cột chính của nó là phát triển chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh. Thông qua các chương trình như Nâng cao chuyên môn giảng dạy tiếng Anh (Pro-ELT), Bộ Giáo dục yêu cầu tất cả giáo viên tiếng Anh phải trải qua các đánh giá liên tục để đạt được trình độ thành thạo tối thiếu dựa trên Khung Tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ (CEFR). Những giáo viên không đạt chuẩn sẽ được đào tạo chuyên sâu.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục đặt ra các tiêu chuẩn tiếng Anh tương đương với chuẩn quốc tế. Tất cả học sinh phải tham gia kỳ thi Cambridge English Placement Test (CEPT) ở nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình học để đánh giá trình độ thông thạo tiếng Anh.
Ngoài ra, Chương trình Kiểm tra đọc, viết và số học (LINUS 2.0), được triển khai nhằm mục tiêu đạt 100% học sinh biết đọc, viết bằng tiếng Anh vào cuối năm học lớp 3. Chương trình này xác định những học sinh gặp khó khăn, đồng thời cung cấp hỗ trợ phù hợp để bảo đảm các em không bị tụt hậu.
Chương trình Song ngữ (DLP)
Chương trình Song ngữ (DLP), được triển khai từ năm 2016, cho phép học sinh học các môn chính như Toán và Khoa học bằng cả tiếng Anh và tiếng Mã lai. Các mục tiêu chính của chương trình bao gồm: Tăng cường tiếp xúc với tiếng Anh thông qua việc tích hợp ngôn ngữ này vào các môn học ngoài các lớp ngôn ngữ. Nhờ đó, DLP cung cấp cho học sinh nhiều cơ hội hơn để sử dụng tiếng Anh trong các ngữ cảnh khác nhau. Mô hình giảng dạy song ngữ trên giúp học sinh phát triển kỹ năng hiểu tiếng Anh tốt hơn trong khi vẫn tiếp thu và nắm vững nội dung học thuật cốt lõi.
DLP ban đầu được triển khai tại các trường chọn lọc, rồi sau đó được mở rộng dựa trên nhu cầu của phụ huynh và nhà trường. Việc tham gia là tự nguyện, và các trường cần đáp ứng các tiêu chí nhất định, bao gồm trình độ tiếng Anh của giáo viên, trước khi họ có thể cung cấp chương trình.
Chương trình Ngôn ngữ Toàn diện (HIP)
Chương trình Ngôn ngữ toàn diện (HIP) được triển khai nhằm tạo ra môi trường nói tiếng Anh nhiều hơn trong các trường học. Chính sách này nhằm biến tiếng Anh trở thành một phần tích cực hơn trong cuộc sống hàng ngày của học sinh. Theo đó, các trường được khuyến khích tổ chức các hoạt động liên quan đến tiếng Anh như tranh luận, cuộc thi kịch và các trại ngôn ngữ. Mục tiêu là khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh ngoài giờ học trên lớp.
HIP cũng khuyến khích sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng địa phương trong việc thúc đẩy sử dụng tiếng Anh. Phụ huynh được khuyến khích tham gia các hoạt động đọc sách và đàm thoại cùng con em mình để tạo môi trường học tập tại nhà thuận lợi cho việc luyện tập ngôn ngữ.
Có thể nói, HIP hoạt động cùng với DLP và chương trình LINUS, tạo ra phương pháp đa diện nhằm cải thiện khả năng lưu loát tiếng Anh.
Khung Tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ (CEFR)
Bắt đầu từ năm 2018, hệ thống giáo dục Malaysia đã căn chỉnh chương trình học tiếng Anh theo Khung Tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ (CEFR), vốn là chuẩn mực quốc tế được công nhận về học ngôn ngữ và đánh giá. Việc căn chỉnh này nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy tiếng Anh, đồng thời bảo đảm học sinh đạt tiêu chuẩn ngôn ngữ toàn cầu.
Các sách giáo khoa và tài liệu học tập mới được phát triển theo các cấp độ CEFR, cung cấp nhiều cấu trúc rõ ràng hơn cho việc học tiếng Anh ở các giai đoạn khác nhau. Bên cạnh đó, các bài kiểm tra ngôn ngữ tiếng Anh trong các kỳ thi quốc gia như Kỳ thi tiếng Anh của Đại học Malaysia (MUET) cũng được tái cấu trúc để phản ánh các tiêu chuẩn CEFR, bảo đảm rằng các kỹ năng ngôn ngữ của học sinh được đánh giá theo các tiêu chí so sánh toàn cầu.
Lộ trình ngôn ngữ tiếng Anh 2015–2025
Lộ trình ngôn ngữ tiếng Anh 2015–2025 là chính sách dài hạn nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh trên toàn bộ các cấp bậc giáo dục tại Malaysia. Theo lộ trình, đến năm 2025, học sinh hoàn thành chương trình trung học phải đạt trình độ B1 theo thang điểm CEFR, trong khi những học sinh bước vào đại học phải đạt trình độ B2. Bên cạnh đó, đến năm 2025, tất cả giáo viên tiếng Anh phải đạt trình độ C1, và những người không đạt chuẩn sẽ được cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu và nghiêm ngặt.
Đặc biệt, nhận thấy sự chênh lệch về trình độ tiếng Anh giữa khu vực đô thị và nông thôn, lộ trình phân bổ thêm nguồn lực cho các trường nông thôn, bao gồm việc tuyển dụng các chuyên gia tiếng Anh nước ngoài và tổ chức các chương trình đào tạo chuyên biệt cho giáo viên tại các khu vực xa xôi.