Đằng sau cuộc khủng hoảng
Tình trạng thiếu hụt gạo khiến các kệ hàng siêu thị trống rỗng ở đất nước mặt trời mọc là kết quả của một số yếu tố có mối liên hệ với nhau. Vào năm 2023, mặc dù tổng sản lượng gạo vẫn ổn định, thời tiết khắc nghiệt và trái mùa đã khiến chất lượng gạo bị ảnh hưởng, với phần lớn sản phẩm bị đánh giá thấp. Điều này làm cho nguồn cung gạo chất lượng cao giảm mạnh, dẫn đến tình trạng khan hiếm trên thị trường.
Cùng với đó, sự bùng nổ du lịch sau đại dịch Covid-19 và cảnh báo nguy cơ động đất lớn ở rãnh Nankai từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ gạo tăng cao. Cảnh báo này được đưa ra để ứng phó với trận động đất Miyazaki xảy ra vào đầu tháng 8. Nó đã kích thích các hộ gia đình tích trữ gạo để đề phòng thảm họa tiềm ẩn, làm trầm trọng thêm nguồn cung gạo vốn đã eo hẹp trước vụ thu hoạch mới vào tháng 10.
Bất chấp nhu cầu tăng đột biến này, lượng gạo tiêu thụ ở Nhật Bản vẫn giảm đều, giảm từ 118kg bình quân đầu người năm 1962 xuống chỉ còn 51kg năm 2022. Kể từ những năm 1970, các chính sách của Chính phủ tập trung vào việc hạn chế sản xuất gạo để duy trì giá, dẫn đến sản lượng giảm từ 14,3 triệu tấn năm 1967 xuống còn 7,3 triệu tấn năm 2022.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh sản xuất này đã khiến thị trường gạo của Nhật Bản trở nên mong manh và dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ biến động nhỏ nào. Điều này thể hiện rõ trong tình trạng thiếu hụt năm 2024, khi sự kết hợp giữa việc giảm sản lượng gạo chất lượng cao và nhu cầu tăng đã khiến thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Ẩn ý chính trị
Kinh nghiệm đối phó với tình trạng thiếu gạo do mất mùa lớn vào năm 1993 đã củng cố hệ thống tích trữ gạo. Mặc dù duy trì kho dự trữ với quy mô khoảng 910.000 tấn gạo, Chính phủ Nhật Bản vẫn từ chối giải phóng bất kỳ nguồn dự trữ nào, với lý do rằng kho dự trữ này chỉ dành cho các trường hợp mất mùa lớn khiến sản lượng giảm mạnh chứ không phải để đối phó với nhu cầu tăng đột ngột. Tuy nhiên, quyết định này lại mang ẩn ý chính trị. Việc giải phóng kho dự trữ gạo sẽ làm giảm giá, có khả năng gây bất lợi cho những người sản xuất gạo (nông dân và hợp tác xã nông nghiệp), vốn là những người ủng hộ chính của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.
Với cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới vào cuối tháng 10, Chính phủ đương nhiệm dường như do dự không muốn thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm mất đi cơ sở cử tri nông nghiệp của mình. Các nhà phân phối và nhà sản xuất được hưởng lợi từ giá gạo cao trong ngắn hạn. Kết quả là, nhu cầu gạo mới đã đẩy giá tăng vọt, tăng 30 - 40% so với năm trước. Đây là cơ hội cho các hợp tác xã nông nghiệp, là đơn vị phân phối gạo và đại diện cho người sản xuất gạo, tăng thêm lợi nhuận. Theo thông tin mới nhất, giá trung bình của gạo mới thu hoạch tại Nhật Bản tăng gần 50% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh chi phí sản xuất tăng cũng như nhu cầu thị trường cao hơn sau khi xảy ra tình trạng thiếu hụt gạo. Ngày 18.10, Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản cho biết, giá bán buôn trung bình của tất cả các loại gạo mới từ các hợp tác xã nông nghiệp là 22.700 yên cho 1 bao 60kg, tương đương 150 USD, tăng 48%, cao nhất kể từ năm 2006. Theo Bộ, giá gạo tăng mạnh còn là do các hợp tác xã nông nghiệp trả nhiều hơn cho nông dân để trang trải chi phí sản xuất tăng, tình trạng thiếu hụt gạo khiến các nhà bán buôn cạnh tranh thêm gay gắt. Bên cạnh đó, nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè cũng làm giảm sản lượng thu hoạch của vụ mùa trước và sự bùng nổ của ngành du lịch khiến lượng tiêu thụ gạo tăng.
Mặc dù người nông dân được hưởng lợi từ giá cao, các hợp tác xã nông nghiệp cũng tận dụng cơ hội này để tăng doanh thu. Tuy nhiên, thực tế trên lại đặt gánh nặng lên vai người tiêu dùng khi giá cả tăng mạnh khiến đời sống của các hộ gia đình khó khăn hơn. Các chuyên gia cảnh báo, nếu Chính phủ không có các biện pháp ổn định thị trường, cuộc khủng hoảng mới có thể tạo ra những áp lực xã hội lớn hơn.
Cần cách tiếp cận an ninh lương thực cân bằng
Tình trạng thiếu gạo ở Nhật Bản năm 2024 đã cho thấy sự mất cân đối trong chính sách nông nghiệp của nước này, nhấn mạnh nhu cầu về cách tiếp cận an ninh lương thực cân bằng hơn, tức là xem xét cả lợi ích của người sản xuất và nhu cầu của người tiêu dùng. Mặc dù việc bảo vệ nền nông nghiệp trong nước là quan trọng, nhưng việc chỉ tập trung vào người sản xuất mà không quan tâm đến người tiêu dùng có nguy cơ làm suy yếu niềm tin của công chúng.
Tháng 5.2024, Nhật Bản đã sửa đổi Luật Cơ bản về lương thực, nông nghiệp và khu vực nông thôn, trong đó nhấn mạnh an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu. Các quy định mới kêu gọi cải thiện sản xuất trong nước và thiết lập hệ thống dự phòng lương thực trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng gần đây cho thấy chỉ tích trữ lương thực là không đủ. An ninh lương thực cũng đòi hỏi phải có sự giao tiếp hiệu quả với công chúng và phản ứng kịp thời với những gián đoạn thị trường. Bằng cách cung cấp thông tin rõ ràng và bảo đảm với công chúng rằng các kho dự trữ sẽ được giải phóng nếu cần, Chính phủ có thể đã giảm bớt phần lớn sự lo lắng xung quanh tình trạng thiếu gạo.
Bất chấp tình trạng thiếu hụt hiện tại, lượng tiêu thụ gạo ở Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục giảm, có khả năng đạt 3,75 triệu tấn vào năm 2040. Mặc dù giá hiện đang ở mức cao tạm thời, nhưng có khả năng sẽ giảm khi có gạo thu hoạch mới, có thể dẫn đến tình trạng dư thừa và gây thêm áp lực cho những người sản xuất gạo.
Nhìn xa hơn, Nhật Bản cần phát triển một chính sách nông nghiệp linh hoạt và bền vững hơn để giải quyết cả nhu cầu thị trường ngắn hạn và các xu hướng dài hạn. Điều này đòi hỏi quản lý kho dự trữ hiệu quả hơn, cùng với việc tăng cường truyền thông minh bạch và cân bằng giữa lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng. Cuộc khủng hoảng năm 2024 đã chỉ ra rằng, để đạt được an ninh lương thực thực sự, Nhật Bản cần phải có một chiến lược đa chiều, bao gồm cả sự linh hoạt trong can thiệp thị trường và thúc đẩy sản xuất bền vững.