Chiến thắng tuyệt đối và thuyết phục
Là một cựu tổng thống bị luận tội hai lần, người đã bị kết án vì hàng chục tội danh và bị buộc tội nhiều tội danh khác, ông Donal Trump đã giành chiến thắng ngoạn mục với 295 phiếu đại cử tri so với 226 của đối thủ Kamala Harris.
Chiến thắng của ông Donald Trump là toàn diện. Ông được dự đoán sẽ thắng hoặc đang trên đà giành được cả 7 tiểu bang chiến trường, đồng thời thu hẹp biên độ của mình ở các tiểu bang thành trì của đảng Dân chủ từ Minnesota đến Virginia đến New York. Ông chỉ mất 10 điểm phần trăm ở cử tri nữ, trong khi con số này là 15 điểm vào năm 2020, ngay cả sau khi cơn thịnh nộ bùng nổ trong giới cử tri nữ việc bãi bỏ các biện pháp cho phép phá thai theo hiến pháp. Và ông đã thu hẹp khoảng cách với Kamala Harris trong số các cử tri gốc Latin xuống còn 0,8% sau khi để mất tới 3,3% vào 4 năm trước.
Ông Donald Trump cũng giành được đa số phiếu phổ thông. Không giống như năm 2016, khi ông giành chiến thắng bất ngờ trước Hillary Clinton nhưng lại thua số phiếu phổ thông, ông sẽ trở lại nắm quyền với uy thế mà ông gọi là "mạnh mẽ chưa từng có".
Không chỉ thế, đảng Cộng hòa đã dễ dàng lật ngược thế cờ tại Thượng viện Hoa Kỳ và dường như họ đang trên đường nắm quyền kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ, một viễn cảnh sẽ giúp đảng kiểm soát mọi cấp chính quyền được bầu tại Washington.
Khả năng kết nối hiệu quả
Những nhân tố thúc đẩy ông Donald Trump giành chiến thắng sẽ tiếp tục được phân tích không ngừng. Nhiều người Mỹ thức dậy vào sáng 6.11 và sửng sốt khi biết ông đã giành chiến thắng một lần nữa. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa về một điều: ông Donald Trump là một người vận động tranh cử vô cùng hiệu quả.
Những người theo dõi ông ấy tận mắt trong lần tranh cử tổng thống lần thứ ba nhận thấy, ông ấy pha trộn giữa vẻ hài hước và giận dữ, lạc quan và hoài nghi hơn bao giờ hết. Ông ấy là một chuyên gia giao tiếp, có thể chuyển hóa những nguy cơ pháp lý thành cơ hội xây dựng nên huyền thoại của chính mình. Ông ấy thuyết phục được những người ủng hộ mới trong khi giữ chân những người ủng hộ cũ.
Tại hàng chục sự kiện tranh cử, Donald Trump kết nối với đủ tầng lớp ở khắp mọi nơi - những bà mẹ ngoại ô ở Washington DC, những quân nhân ở Detroit, những người theo đạo Tin lành ở Nam Florida, những người ủng hộ Bitcoin ở Nashville, những người hâm mộ bóng bầu dục đại học ở Alabama, lính cứu hỏa ở Lower Manhattan. Tại các cuộc biểu tình ở Charlotte, Atlanta, Bozeman, Virginia Beach, Bronx và nhiều nơi khác, người dân ở đây nhanh chóng bác bỏ hoặc hợp lý hóa bất kỳ nội dung tranh cãi nào xung quanh ông vào bất kỳ lúc nào. Mọi người nhìn thấy ở ông bất kỳ điều gì họ muốn thấy. Và họ tin rằng, sau ngần ấy năm, họ đã hiểu ông, và ông cũng hiểu họ.
“Ông ấy hiểu chúng ta" - một người phụ nữ nông dân chăn nuôi gia súc nói sau khi tham dự buổi trò chuyện của ông Trump vào một buổi chiều tháng 9 ở Smithton.
Có vẻ như đó là một đánh giá gây sốc, nhưng người ta có thể nghe thấy điều đó liên tục và ở những nơi không ngờ nhất. Nhưng làm sao người đàn ông dùng súp bằng chiếc thìa bạc trong căn hộ ba tầng bằng vàng trên Đại lộ số 5 có thể hiểu được bất cứ điều gì về cuộc sống của người phụ nữ này? Nhưng ông ấy đã làm được điều đó - thuyết phục họ.
Ông không ngần ngại ngồi tiếp xúc với nông dân trong khu nuôi gia súc. Đằng sau ông là những kiện cỏ khô xếp chồng lên nhau và một chiếc máy kéo John Deere. Ông dẫn dắt một cuộc thảo luận về chi phí hạt giống, phân bón, đá phiến và thức ăn chăn nuôi. Những người nông dân gật đầu khi ông nhắc nhở họ rằng mọi thứ đã trở nên đắt đỏ như thế nào vì lạm phát.
Khai thác nỗi sợ hãi
Nỗi sợ hãi cũng là những nhân tố quyết định. Ông Donald Trump đã khai thác tốt điều này khi liên tục tung ra những cảnh báo về vấn đề nhập cư, hậu quả kinh tế hay thảm họa chiến tranh. Tại cuộc mít tinh ở bang chiến trường Arizona hôm 13.10, ông nói rằng nếu một tổng thống Dân chủ đắc cử, "toàn bộ đất nước sẽ biến thành trại di cư". Khi vận động ở bang Wisconsin cuối tháng 9, ông cảnh báo người nhập cư "sẽ bước vào bếp của bạn và sát hại bạn", thêm rằng "thị trấn, thành phố và đất nước của các bạn đang bị phá hủy".
Và chiến thuật khai thác nỗi sợ hãi của ông đã thực sự phát huy hiệu quả. Người ta có thể thấy rõ điều đó qua những buổi vận động của ông khi đám đông dưới khán đài với gương mặt căng thẳng khi ông nói về nguy cơ mất việc làm bởi "nạn dịch nhập cư" và không một ai mất tập trung hoặc nhìn vào điện thoại của họ khi ông mô tả chi tiết một cách kinh hãi về những phụ nữ trẻ bị những người di cư xâm hại.
Ngoài các vấn đề trong nước, ông Trump cũng thường xuyên cảnh báo Mỹ đứng bên bờ vực chiến tranh toàn cầu và cho rằng nhiệm kỳ đầu của ông đã duy trì việc đảng Dân chủ tiếp tục lãnh đạo đất nước sẽ chỉ làm kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine và dải Gaza.
Ông Trump đã hiểu rằng, trong khi hai người tiền nhiệm Ronald Reagan và Obama đã tạo được tiếng vang trong một "kỷ nguyên của khát vọng", thì bây giờ là "thời đại của sợ hãi". Tầng lớp lao động thượng lưu và tầng lớp trung lưu, hạ lưu lo sợ mất đi địa vị và khao khát một tấm chắn an toàn. Những người trẻ lo lắng rằng đời họ sẽ tệ hơn thế hệ cha mẹ mình và không thể mua nhà. Nhiều người coi Trump là một người theo chủ nghĩa dân túy kinh tế khi chứng kiến ông chỉ trích giới tinh hoa và "nói thẳng, nói thật".
Khơi gợi hy vọng về sự thay đổi
Bên cạnh những phác họa đen tối vẽ nên những viễn cảnh đầy sợ hãi, ông cũng mang lại sự lạc quan tươi sáng cho những ai muốn nghe hoặc trấn an họ bằng những cam kết mạnh mẽ.
Khi vận động ở Colorado vào tháng 10, ông nhấn mạnh sẽ "bắt đầu chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ" nếu tái đắc cử để giành nước Mỹ lại cho người Mỹ. Ông cũng cam kết sẽ chấm dứt ngay lập tức các cuộc chiến tranh vô bổ mà Mỹ đang can dự.
Karoline Leavitt, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Trump, cho rằng những bình luận trên của cựu tổng thống phản ánh quan điểm về thực tế thảm khốc mà nước Mỹ phải đối mặt. Viện dẫn vấn đề lạm phát, tội phạm và cuộc khủng hoảng chất gây nghiện fentanyl, Leavitt cho biết ông Trump "nhận ra tình trạng lao dốc của đất nước và đang đưa ra tầm nhìn lạc quan cho tương lai, giúp Mỹ an toàn và thịnh vượng trở lại".
Tại Bronx, vào tháng 5, cư dân của khu vực bầu cử nghèo nhất cả nước cảm thấy được truyền cảm hứng khi ông nói về tất cả những thành công mà ông đã đạt được, và họ tin ông khi ông nói rằng ông muốn một phần trong số đó cũng sẽ mang lại lợi ích cho họ.
“Hãy nghĩ đến tương lai, không phải quá khứ, mà hãy học hỏi từ quá khứ", ông nói với họ. “Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều biết rằng nếu tôi có thể xây dựng một tòa nhà chọc trời ở Manhattan, tôi có thể làm bất cứ điều gì, bất kể điều gì cho các bạn". Người gốc Tây Ban Nha và người da màu đã reo hò khi ông nói rằng “không quan trọng bạn là người da đen hay da nâu hay da trắng, hay bất kỳ màu da nào, điều đó không quan trọng. Tất cả chúng ta đều là người Mỹ, và chúng ta sẽ đoàn kết với nhau như những người Mỹ. Tất cả chúng ta đều muốn có cơ hội tốt hơn".
Cuối cùng, ông Donald Trump đã có được sự ủng hộ ở hầu hết "mọi ngóc ngách của đất nước" và "ở hầu hết mọi nhóm nhân khẩu học". Ông đã trở lại trong một nhiệm kỳ tổng thống 2.0 một cách ngoạn mục như thế.