Phát biểu tại sự kiện, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và truyền thông, nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu. Việt Nam, với vai trò là thành viên tích cực, đã và đang chủ động triển khai nhiều sáng kiến nhằm nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế, đồng thời góp phần phát triển thịnh vượng khu vực và thế giới.
Tại hội nghị, đại diện từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chia sẻ những kết quả và định hướng hợp tác của ASEAN trong thời gian tới.
Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Trần Đức Bình thông tin kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các cấp cao liên quan, đồng thời nhấn mạnh những cơ hội hợp tác giữa ASEAN với các đối tác toàn cầu trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, giáo dục, nhân lực chất lượng cao, phát triển doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo, chống biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo…
Trình bày tham luận về "Cộng đồng kinh tế ASEAN sau năm 2025: Cơ hội và triển vọng từ Hiệp định khung kinh tế số ASEAN (DEFA), Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương Nguyễn Việt Chi cho biết, mục tiêu tiêu của hiệp định này là xây dựng không gian, môi trường an toàn, lành mạnh cho kinh tế số phát triển, đồng thời thắt chặt vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân... DEFA được kỳ vọng sẽ là cơ sở để thiết lập nền tảng vững chắc, toàn diện đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số phát triển hàng đầu trong thời gian tới.
Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày tham luận về "Nỗ lực của ASEAN trong việc hỗ trợ người lao động di cư trong khu vực”. Đây là vấn đề quan trọng cho sự phát triển bền vững trong khối, khi mỗi năm có khoảng 7 triệu người di cư trong ASEAN, với nhiều trường hợp lao động di cư phi chính thức (không có giấy tờ hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo các kênh không chính thống). Bà cũng nhấn mạnh các thách thức liên quan đến lao động trẻ em và lao động trên tàu cá, cùng với những nỗ lực kết nối, công nhận kỹ năng lao động giữa các quốc gia trong khu vực.
Thành tựu nổi bật của ASEAN sau 8 năm triển khai kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN
Tính đến năm 2023, GDP khu vực tăng 51% so với năm 2015, đạt 3.800 tỷ USD, đưa ASEAN đứng thứ 5 toàn cầu về quy mô nền kinh tế. Dự báo đến năm 2030, ASEAN sẽ vươn lên vị trí thứ 4, và tại thời điểm đó quy mô kinh tế số đạt 2.000 tỷ USD.
Hiện ASEAN có tốc độ thương mại điện tử, kinh tế số cao nhất hiện nay. Giá trị thị trường TMĐT ASEAN ước 320 tỷ USD vào 2025, và ước tính đạt mốc 1.000 tỷ USD vào 2030. ASEAN đã hoàn thành sáng kiến QRcodeASEAN nhằm kết nối các mã QR trong thanh toán giữa các quốc gia trong ASEAN, cho phép người dùng mua hàng hóa và dịch vụ trên khắp các nước thành viên dễ dàng hơn bằng đồng nội tệ; triển khai xây dựng và đưa vào ứng dụng một mã số định danh doanh nghiệp thống nhất trong ASEAN.