Cũng theo ông Thọ, ở tất cả các tỉnh, thành trung ương đều có quy hoạch về rác thải rắn, đặc biệt là có những quy hoạch lớn hơn cấp vùng. Ví dụ như: quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ đến 2030, quy hoạch về việc quản lý quy hoạch, quản lý về lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đồng Nai… Tuy nhiên, ở Việt Nam mới chỉ có một vài khu xử lý tập trung, các vùng còn lại hầu hết chỉ dừng lại ở mức độ địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Về quy hoạch đầu tư xây dựng và cơ sở hạ tầng cũng như các trang thiết bị xử lý hiện nay tuy là có những mặt tích cực, nhưng vẫn còn rất là nhiều hạn chế sau:
Thứ nhất, về chất lượng công tác quy hoạch chưa cao. Điều này thể hiện ở việc xác định vị trí, địa điểm xây dựng cơ sở hạ tầng để xử lý chất thải rắn vẫn gặp nhiều khó khăn do sự phản đối của người dân. Chúng ta thấy rằng, khi có một quy hoạch ở đâu đó để đặt cơ sở, nhà máy xử lý rác thì người dân khu vực đó sẽ phản đối ngay từ khâu lập quy hoạch.
Thứ hai, công tác quy hoạch vẫn còn cục bộ, mang tính chất địa phương và dừng lại ở vùng và thiếu sự liên kết với các vùng lân cận. Tiếp đó, đối với việc triển khai công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng và trang thiết bị cũng còn chậm. Sau khi đã được các địa phương phê duyệt thì công tác triển khai cũng vẫn rất chậm… Cùng với đó là những khó khăn liên quan đến việc tiếp cận vốn, quỹ đất. Bởi hầu hết khi xây dựng các cơ sở hạ tầng này thì phải đấu giá quyền sử dụng đất trước, sau đó đấu thầu các dự án cũng mất rất nhiều thời gian và tiền. Vì vậy, công tác này vẫn còn rất chậm. Cuối cùng là việc lựa chọn công nghệ nào, các nhà đầu tư nào để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt vẫn còn khó khăn.
Trong khi đó, việc phân loại rác tại nguồn hiện còn nhiều bất cập. Ông Thọ cũng chỉ ra một thực tế, có những địa phương đã phân loại rồi nhưng quá trình thu gom lại không đồng bộ, dẫn đến việc rác thải để cho các nhà máy xử lý không đủ dẫn đến hoạt động của một số nhà máy cũng đang cầm chừng, không đạt được hiệu quả như mong đợi.