Trong báo cáo nêu rõ, công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội được tăng cường; tích cực đấu tranh có hiệu quả với những phương thức, thủ đoạn tội phạm mới nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án, “tín dụng đen”, mua bán người, xâm hại trẻ em... Công tác phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu tiếp tục được phát huy; chủ động nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới trong các hoạt động kinh tế; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Đã phát hiện 10.962 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 18,86%), 1.318 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 48,25%); khởi tố 1.222 vụ với 3.006 bị can.
Công tác phòng, chống tội phạm về ma túy tiếp tục được quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác phòng, chống tội phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến. Công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục được chú trọng; đã tổ chức triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an ninh mạng.
Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội có chiều hướng gia tăng, toàn quốc xảy ra 99.184 vụ phạm tội về trật tự xã hội (tăng 20,10%), làm 1.961 người chết (tăng 6,02%), 15.829 người bị thương (tăng 12,66%), thiệt hại tài sản khoảng 19.721.602 triệu đồng (tăng 83,60%). Các loại tội phạm về “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, rửa tiền, đòi nợ thuê vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; nổi lên là tình trạng núp bóng doanh nghiệp, công ty luật… để đòi nợ thuê. Tội phạm mua bán người có sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn và địa bàn. Tội phạm mua bán người trong nội địa nhằm bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục gia tăng mạnh nhưng chưa được quan tâm, phòng ngừa và phát hiện, xử lý kịp thời; tình trạng nạn nhân bị lừa ra nước ngoài với thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” nhưng số vụ việc được điều tra, phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Việc xác minh, truy tìm, xử lý vụ việc còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với vụ việc mà các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tội phạm tham nhũng, kinh tế vẫn diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn cho tài sản của Nhà nước; nhất là tình trạng “sân sau”, lợi dụng ảnh hưởng của người khác để trục lợi. Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ tuy tăng cao nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là tình trạng khai thác trái phép, vượt phép khoáng sản diễn biến phức tạp, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này ở một số địa phương vẫn có biểu hiện buông lỏng, có sự móc ngoặc giữa người có thẩm quyền với đối tượng phạm tội... Tình trạng vi phạm quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức, phạm tội xuyên quốc gia. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo đã thu thập trái phép thông tin cá nhân của người dân hoặc giả mạo các tổ chức tài chính, ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền.