Tọa đàm “Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội với việc đổi mới giáo dục phổ thông”

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục cả nước triển khai chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới, bắt đầu với lớp 1. Đây là sự hiện thực hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông được quy định trong Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Ở lần đổi mới này, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện mục tiêu giáo dục định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Đây cũng lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một chương trình giáo dục một cách tổng thể, toàn diện (bao gồm cả chương trình tổng thể và chương trình các môn học, hoạt động giáo dục), đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo mục tiêu giáo dục mới. Nghị quyết 88 quy định cả nước thực hiện một Chương trình Giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo và linh hoạt; chương trình là gốc, sách giáo khoa chỉ có vai trò là tài liệu dạy học và có nhiều SGK cho mỗi môn học. Đây cũng là lần đầu tiên việc biên soạn SGK ở nước ta được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, để các tổ chức, cá nhân được tham gia vào quá trình này.

Tọa đàm hôm nay, chúng ta sẽ nhìn lại 6 năm triển khai thực hiên Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, từ đó có những đánh giá toàn diện, tổng quan về quá trình chuẩn bị, thực hiện; những bài học cần rút ra và kế hoạch những năm tiếp theo để Nghị quyết đi vào cuộc sống hiệu quả và thiết thực.

Trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi nội dung Tọa đàm tại đây:

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Ông Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc;

Bà Đinh Duyên Thịnh, giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội).

PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa,Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu khai mạc Tọa đàm: Nguồn lực hạn hẹp nhưng ngành giáo dục vẫn kiên định theo đuổi mục tiêu đổi mới

Giáo dục đang trở thành tâm điểm rất rõ nét khi quyết tâm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng tinh giảm, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ, ngành nghề. Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu các cấp bậc học. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy, học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả, bảo đảm trung thực, khách quan, không tạo ra những áp lực ảo.

PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu khai mạc Tọa đàm
PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu khai mạc Tọa đàm

Những đổi mới là dấu ấn của giáo dục luôn gắn liền với quyết tâm, nỗ lực cao của cả ngành giáo dục, của phụ huynh và toàn xã hội. Chúng ta luôn trân trọng và nhìn vào sự nỗ lực triển khai từ Trung ương đến địa phương và các cơ sở giáo dục, ghi nhận sự chuyển biến tích cực ở cấp vĩ mô của toàn hệ thống, toàn xã hội như sự thay đổi về chính sách, điều chỉnh và bổ sung văn bản pháp quy, đến cấp vi mô trong nhận thức của mỗi người dân, giáo viên, người học về sự cần thiết và những hành động cụ thể cần thực hiện để đổi mới giáo dục.

Mặc dù vậy, chúng ta luôn mong muốn nhiều hơn thế, tốt hơn thế và trong sự nhìn nhận đó, ngành giáo dục cũng có sự mong muốn đẩy nhanh tiến trình để nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, xứng tầm với kỳ vọng của dân tộc hiếu học. Với cách nhìn đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 nhằm đổi mới chương trình, SGK. Những thay đổi cơ chế, thể chế để thúc đẩy giáo dục phát triển là nỗ lực chung của Quốc hội và chủ trương chung của Đảng. 

Dẫu giáo dục là một lĩnh vực khó, không thể “chiều lòng” tất cả mọi người. Trong khi việc “trồng người” là cả một quá trình rất lâu dài, cần có sự tác động định hướng, hợp lực đồng bộ từ nhiều phía. Nhưng những người làm giáo dục đã rất kiên định với đường đi của mình, như một con tàu “vừa chạy vừa sửa” để hoàn thiện từng ngày. Nhìn sâu nội tại của ngành giáo dục, để thấy sự thay đổi mạnh mẽ, ghi nhận những thành tựu của ngành giáo dục, của mỗi nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh. 

Chúng tôi luôn trân trọng và nhìn về giáo dục phía trước cũng như nhìn về đất nước trong tâm thế phát triển đi lên với nguồn lực hạn hẹp nhưng vẫn kiên định theo đuổi mục tiêu đổi mới, tạo ra thành tích. Chúng tôi cũng mong muốn tọa đàm ngày hôm nay có sự trao đổi thẳng thắn, tiếp cận trực diện vấn đề, để các đại biểu Quốc hội hiểu hơn khó khăn phía trước và chia sẻ khó khăn thuận lợi của ngành trong xu hướng phát triển hiện nay. Mong có sự chung sức của toàn thể xã hội để cùng với ngành giáo dục thực hiện thành công nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ.

Quá trình xây dựng và bước đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, công tác bồi dưỡng giáo viên

Phó TBT Nguyễn Quốc ThắngThưa Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng, theo ông, việc đổi mới chương trình, SGK GDPT theo tinh thần của Nghị quyết 88 cần thiết như thế nào? Sự đổi mới này mang đến cho chúng ta kỳ vọng vào một thế hệ học sinh tương lai ra sao?

Ông Phạm Tất Thắng: Trong lịch sử ngành giáo dục cách mạng Việt Nam đến thời điểm này có 4 lần cải cách giáo dục, lần thứ 3 gần đây nhất là vào năm 1979. Đó là sau khi thống nhất đất nước cả nước chúng ta có chung một nền giáo dục, một chương trình sách giáo khoa và chương trình, phương thức, sách giáo khoa đó cơ bản được dùng từ năm 1979 đến nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng chia sẻ tại tọa đàm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng chia sẻ tại tọa đàm

Có thể nói, những năm trước khi có Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4.11.2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết 88 ra đời thì dư luận xã hội, nhân dân, phụ huynh, cử tri rất băn khoăn, lo lắng và có nhiều ý kiến phản ánh về một yêu cầu cấp thiết phải đổi mới giáo dục trước thực trạng nền giáo dục của chúng ta sau hàng chục năm thực hiện phương thức như vậy đã bộc lộ nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo một nguồn nhân lực mới đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Chương trình bị đánh giá là nặng nề, lạc hậu, thiên về dạy kiến thức và ít chú trọng dạy kĩ năng, dạy người, dạy học theo phương thức truyền thống một chiều không phát huy năng lực của học sinh,…

Chính vì vậy, năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Nghị quyết 29 gọi tắt là căn bản đổi mới toàn diện giáo dục. Để thể chế hóa Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88. Thời điểm đó, chúng ta mới ban hành Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và đã thể chế hóa một bước Nghị quyết 29 vào những bậc học đó. Nhưng riêng giáo dục phổ thông lúc đó vẫn thực hiện theo luật giáo dục cũ và tinh thần của Nghị quyết 29 chưa được phản ánh vào yêu cầu đổi mới với giáo dục phổ thông. Chính vì vậy Quốc hội đã tiến hành giám sát tổng thể về chất lượng giáo dục phổ thông và dùng đó là căn cứ để ban hành Nghị quyết 88.

Ở thời điểm đó, Nghị quyết 88 được coi là văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa Nghị quyết 29 để chúng ta thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam. Nghị quyết 88 mục tiêu đã rất rõ đó là chuyển đổi cơ bản phương thức, mục tiêu từ dạy kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh, từ dạy chữ sang dạy người. Mục tiêu là để phát triển học sinh toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ.

Chúng ta đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, phải tận dụng được nguồn nhân lực đó cho giai đoạn phát triển mới của đất nước trong bối cảnh chúng ta đẩy mạnh hội nhập sâu rộng với quốc tế. Chính vì vậy, nhu cầu cần thiết để cải tiến, nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực mới đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn phát triển mới là rất cần thiết.

Khi đứng trước yêu cầu phát triển mới, chúng ta phải tận dụng được nguồn nhân lực ở thời kỳ dân số vàng. Chúng ta thay đổi cơ bản cách tiếp cận mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông thì mới kỳ vọng nâng cao được chất lượng giáo dục phổ thông. Trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ con số tuyệt đối đầu tư cho giáo dục không phải là nhiều để có động lực phát triển. Nhưng với kết quả sau hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nguồn nhân lực hiện nay do kết quả của nền giáo dục cách mạng của chúng ta đã làm được nhiều việc. Nhưng với yêu cầu mới phải đổi mới mạnh mẽ theo tinh thần của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, phải đổi mới căn bản, toàn diện, chúng ta sẽ hy vọng tạo ra được thế hệ công dân tương lai đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ: Nghị quyết 88 đề cập đến đổi mới chương trình - SGK GDPT nhưng thực chất là tác động to lớn đến toàn bộ nền giáo dục Việt Nam. Lần đầu tiên chúng ta thực hiện giáo dục với mục tiêu phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa hóa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Với yêu cầu mới đó, Bộ GDĐT đã có những chỉ đạo đặc biệt gì trong xây dựng chương trình để đáp ứng được mục tiêu đổi mới mà Nghị quyết đã đề ra?

Ông Nguyễn Hữu Độ: Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội với việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Bộ GD - ĐT nhận thức đây là một nhiệm vụ quan trọng. Bộ xác định mục tiêu của Nghị quyết 88 có nhiều đổi mới, trong đó đặc biệt là việc thực hiện thống nhất cả nước dùng 1 chương trình và mỗi một môn học thì có một số sách giáo khoa.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại tọa đàm
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ tại tọa đàm

SGK trước đây là duy nhất, là “pháp lệnh” yêu cầu các nhà trường phải triển khai thực hiện. Còn bây giờ có nhiều bộ SGK để thực hiện, triển khai một chương trình. Như vậy, cách tiếp cận cũng rất khác.

Việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và việc lựa chọn SGK cũng có sự đổi mới. Trong Nghị quyết 88 cũng nhấn mạnh chuyển từ một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang một nền giáo dục chú trọng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.

Chính vì vậy, từ khi có Nghị quyết 88 năm 2014, về phía chỉ đạo với toàn ngành, Bộ GD - ĐT yêu cầu, hướng dẫn các nhà trường thực hiện chương trình hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực để thầy cô được làm quen và không bỡ ngỡ khi thực hiện chương trình mới. Những chỉ đạo về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong trường học, được thể hiện bằng nhiều văn bản như công văn 5555 (năm 2014) hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng; công văn 4612 (năm 2017) hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018…

Công văn 4612 đưa ra 4 hướng đổi mới là: đổi mới việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức kiểm tra đánh giá; đổi mới công tác quản lý nhà trường theo hướng chuyển sang quản trị nhằm giúp các nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo đảm bảo chất lượng hướng tới quản lý chất lượng đầu ra.

Văn bản 4612 đã tạo được lan tỏa, giúp các nhà trường không bị bất ngờ khi thực hiện chương trình mới, vì chúng ta đã tiếp cận phẩm chất năng lực ngay khi thực hiện chương trình hiện hành.

Về chỉ đạo biên soạn chương trình, Bộ GD - ĐT đã thành lập ban biên soạn xây dựng chương trình với những nhà khoa học uy tín. Theo đó, chương trình GDPT được xây dựng theo “sơ đồ ngược”, xuất phát từ chuẩn đầu ra của chương trình, từ mục tiêu GDPT rồi xác định những phẩm chất và năng lực cần hình thành, phát triển ở học sinh.

Chương trình GDPT mới hướng tới hình ảnh người học sinh Việt Nam tương lai tập trung vào 5 phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm); 10 năng lực cốt lõi với 3 năng lực quan trọng (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và 7 năng lực chuyên môn. 

Từ chuẩn đầu ra đó, chúng tôi xây dựng chương trình tổng thể, đưa ra từ quan điểm xây dựng chương trình, những mục tiêu, yêu cầu cần đạt, xác định những nội dung cần dạy, phương pháp giáo dục, phương pháp kiểm tra đánh giá và các điều kiện để đảm bảo thực hiện được hiệu quả chương trình.

Có thể nói, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng chương trình dạy học bắt đầu từ việc xây dựng chương trình tổng thể, từ đó cụ thể hóa chương trình từng môn học và hoạt động giáo dục, đồng bộ, thống nhất ở tất cả các môn, các cấp học, lớp học theo mục tiêu giáo dục mới. 

Đến tháng 12.2018, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký Quyết định ban hành Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông mới, gồm có chương trình tổng thể và chương trình các môn học, hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết 88 đã đề ra.

Phó TBT Nguyễn Quốc ThắngLâu nay việc tập huấn giáo viên vẫn thực hiện theo cách: giáo viên đi tập huấn ở cấp trung ương về tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên ở cấp tỉnh; giáo viên được tập huấn ở cấp tỉnh lại bồi dưỡng cho giáo viên ở huyện, tương tự cho đến cấp trường. Việc tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục lần này được Bộ GDĐT thực hiện theo phương thức hoàn toàn khác. Vì sao lại có sự đổi mới này và thực tế triển khai cho thấy phương thức bồi dưỡng mới mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông Nguyễn Xuân Thành?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Câu hỏi lớn toàn xã hội đặt ra cho chúng ta là dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh hiện nay khác gì so với trước đây?

Chúng ta có nhiều phương pháp dạy học hoặc áp dụng vào dạy học tích cực, có thể chúng ta học trong nước và quốc tế. Chung quy lại là dạy học, phát triển phẩm chất, năng lực, muốn phát triển học sinh những năng lực nào thì chúng ta sẽ tổ chức cho học sinh những hoạt động tương ứng. Thay vì việc là cô giảng cho học sinh nghe thì tổ chức cho học sinh làm.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Xuân Thành chia sẻ tại tọa đàm
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Xuân Thành chia sẻ tại tọa đàm

Cũng quy cách ấy để người giáo viên sau này vận dụng đúng phương pháp để học sinh thực hiện được. Nếu như trước đây cô dạy thì học sinh chỉ nắm được kiến thức thì bây giờ cô tổ chức cho học sinh làm. 

Vì vậy mà cách chúng ta bồi dưỡng giáo viên làm theo cách trước đây là Trung ương bồi dưỡng cốt cán (F1), sau đó tổ chức bồi dưỡng ở địa phương (F2), rồi tiếp tục về đến nhà trường (F3) thì thời gian không đảm bảo.

Với phương pháp trên, giáo viên được bồi dưỡng theo kiểu tập huấn mấy ngày để tiếp nhận kiến thức mới. Còn bây giờ, với phương thức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục ngay tại trường với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Đặc biệt, việc bồi dưỡng gắn với quá trình sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn của nhà trường để vận dụng ngay vào trong việc thiết kế các bài học, tổ chức thực hiện những bài học, tiết dự giờ để rút kinh nghiệm lẫn nhau.

Vì vậy, Bộ GD - ĐT tổ chức phương thức bồi dưỡng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên cốt cán, phải đạt chuẩn của Bộ trên tinh thần mỗi trường có một giáo viên cốt cán ở mỗi bộ môn. Những giáo viên này khi trở về địa phương sẽ hỗ trợ cho đồng nghiệp trong việc cấp tài khoản để tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng qua mạng internet chứ không phải là ngồi nghe giáo viên ấy giảng.

Tuy vậy, quá trình tự học cần phải có sự hỗ trợ của một đội ngũ cốt cán đã được tập huấn từ Trung ương để giúp tổ chức thảo luận, tháo gỡ những khó khăn. Và khi sinh hoạt chuyên môn phải nghiên cứu bài học, phải xây dựng ngay vào các bài học cụ thể để tổ chức thực hiện ngay ở trong trường. Các giáo viên cùng dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm đúng với tinh thần là hành động nào thì năng lực ấy.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Kinh nghiệm từ mỗi lần đổi mới giáo dục cho thấy, đổi mới chỉ thành công khi đội ngũ giáo viên sẵn sàng nhập cuộc và được chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn đáp ứng yêu cầu của đổi mới. Ở lần này, chúng ta được nghe nhiều tới cụm từ “tâm thế giáo viên”. Thưa thầy Đào Chí Mạnh, tâm thế của thầy và của các thầy cô ở Trường Tiểu học Kim Ngọc như thế nào khi đón nhận chương trình mới?

Ông Đào Chí Mạnh: Giáo viên là đối tượng quan trọng trong quá trình dạy học. Vai trò của giáo viên trong quá trình đổi mới chính là “Then chốt của then chốt”. Muốn dạy cho học sinh theo hướng phát triển năng lực phẩm chất, trước tiên người giáo viên phải được đào tạo để sở hữu năng lực phẩm chất, từ đó mới truyền tải tới học sinh được. Điều quan trọng nhất với người giáo viên chính là tâm thế, tư tưởng và nhận thức; ba điều này giống như la bàn để giáo viên thay đổi đúng hướng.

Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc Đào Chí Mạnh chia sẻ tại tọa đàm
Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Ngọc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc Đào Chí Mạnh chia sẻ tại tọa đàm

Đối với các thầy cô trường Tiểu học Kim Ngọc, khi bắt đầu tiếp cận với chương trình mới cũng có tâm lý e ngại, tuy nhiên, tôi rất may mắn được nghe câu nói của Thứ trưởng Bộ GD - ĐT tại hội nghị Quảng Ninh năm ngoái là “năng suất lao động nói chung và sư phạm nói riêng là tích của ba thừa số biết làm, tạo điều kiện để làm và tạo động lực để làm”. Khi áp dụng vào với giáo viên rất hiệu quả. Mình cần phải hướng dẫn cho người ta làm, sau đó tạo điều kiện, động lực để thay đổi.

Trở lại với nhà trường, các thầy cô trường Tiểu học Kim Ngọc rất sẵn sàng cho việc đổi mới với tâm thế thoải mái, vướng ở đâu thì giải quyết ở đó. Khi tâm thế đã sẵn sàng rồi thì quá trình đồng hành cùng nhau cũng quan trọng. Cứ cuối tuần là tôi lại nhắn tin cho các giáo viên, lắng nghe ý kiến mọi người cần gì, các thầy cô rất thoải mái và yên tâm đây là công tác hỗ trợ.

Điều quan trọng nhất để bắt đầu hành trình chính là cán bộ quản lý. Dù chủ trương của Bộ GD - ĐT bài bản, kỹ lưỡng, tuy nhiên, rất khó để Bộ quan sát và hiểu được. Người thực thi chính là cán bộ quản lý của cơ sở, cụ thể là hiệu trưởng là một mấu chốt quan trọng để giáo viên có tâm thế tốt.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Là giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 1 năm nay, thưa cô Đinh Duyên Thịnh, tâm thế của cô khi bước vào lần đổi mới chương trình, SGK lần này như thế nào? Thực tế, trong 2 tháng vừa qua việc dạy và học của cô cùng học sinh có thay đổi như thế nào so với khi học theo chương trình hiện hành? Sự đổi mới đó mang đến những điều tích cực gì cho cô và học sinh, hoặc có gây khó khăn gì cho việc dạy-học của cô-trò không?

Bà Đinh Duyên Thịnh: Với cương vị là giáo viên khi bước vào thời kỳ đổi mới, tôi luôn sẵn sàng bởi đổi mới và không ngừng sáng tạo là một trong những đặc thù của nghề giáo viên. Tôi coi đây là một cơ hội để đổi mới rất tốt, để học hỏi thêm, tìm hiểu thêm các phương pháp tốt hơn đào tạo học sinh thế hệ mới.

Cô giáo Đinh Duyên Thịnh - Giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long chia sẻ tại tọa đàm
Cô giáo Đinh Duyên Thịnh - Giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long chia sẻ tại tọa đàm

Chương trình này cũng giúp chúng tôi tạo ra những bài giảng gần gũi hơn với học sinh, giúp các em hứng thú hơn trong mỗi tiết học. Sau 2 tháng, cô và trò chúng tôi đã có những thay đổi rất cụ thể. Qua nghiên cứu các cuốn SGK và qua các chương trình tập huấn, tôi thấy chương trình phải dựa trên 3 nguyên tắc.

Thứ nhất, phải huy động vốn hiểu biết của học sinh.

Thứ hai, là phải hướng dẫn các kỹ năng học tập qua các trò chơi.

Thứ ba, là học phải có sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, để học sinh được sống ở trong bài học của mình nhiều hơn.

Những đổi mới này dù mới diễn ra 2 tháng nhưng tôi nhận thấy học sinh của mình rất yêu việc học, có ý thức hơn trong việc học, biết chuẩn bị bài học, ý thức hơn để tự hoàn thành các nhiệm vụ học tập.

Nhiều phụ huynh tâm sự với tôi là con họ thích học và thích viết, tích cực hơn trong học tập. Tôi cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng về việc đổi mới chương trình học tập.

Với câu hỏi, những giáo viên gặp khó khăn gì trong việc đổi mới SGK cũng như chương trình dạy học, tôi xin chia sẻ rằng: Bản thân nghề của chúng tôi đã là một công việc không ngừng học hỏi bởi mỗi một học sinh, mỗi một lớp học chúng tôi đều phải có những cách thức truyền đạt khác nhau để đem lại kiến thức cho học sinh. Tôi nghĩ việc đổi mới này cũng chỉ là một cơ hội cho chúng tôi, mặt khác chúng tôi không cần phải nghĩ quá nhiều để tạo ra cái mới bởi năm nay chương trình đã mới.

Phó TBT Nguyễn Quốc ThắngThưa thầy Đào Chí Mạnh, thầy và cán bộ, giáo viên của trường Tiểu học Kim Ngọc đánh giá ra sao về hình thức và chất lượng công tác bồi dưỡng cho CTGDPT mới?

Ông Đào Chí Mạnh: Tôi cũng là một thành viên được tham gia bồi dưỡng cho giáo viên năm nay, tôi thấy rằng chương trình bồi dưỡng năm nay đổi mới, thiết thực với việc giáo viên phải là người đi trước, nắm rõ bản chất định hướng phẩm chất năng lực sau đó triển khai. Bộ đã áp áp dụng theo công thức 5-3-7 với 5 ngày tự học, 3 ngày học trực tiếp và 7 ngày hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với cán bộ quản lý và giáo viên trường Tiểu học Kim Ngọc, đây là hình thức bồi dưỡng cho đội ngũ khá mới mẻ và phù hợp với tình hình hiện nay. Kết quả đạt được chính là việc thầy cô sau khi đi học về áp dụng ngay trong công việc của mình. Đây là một hình thức tập huấn, phương pháp tập huấn trả lời cho hai câu hỏi lớn “Đổi mới để làm gì?” và “Đổi mới như thế nào?”.

Phó TBT Nguyễn Quốc ThắngVừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã thực hiện chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, đặc biệt về triển khai CT, SGK GDPT lớp 1. Thưa bà Nguyễn Thị Mai Hoa, qua giám sát, bà đánh giá như thế nào về chất lượng công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của Bộ GD - ĐT cũng như việc chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ để khai chương trình GDPT mới của các địa phương?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Vừa rồi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã thực hiện chương trình giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị Quyết 88/NQ-QH và một trong những nội dung mà đoàn giám sát của Ủy ban đặc biệt quan tâm đó chính là công tác chuẩn bị đội ngũ và công tác tập huấn để chuẩn bị triển khai chương trình lớp 1 trong năm học mới. Qua việc đi thực tế tại các địa phương, cũng như làm việc với các đơn vị, các bộ ngành, chúng tôi rút ra được những nhận định bước đầu về công tác triển khai Nghị quyết 88. Hiện có 4 kết quả được ghi nhận gồm:

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ tại tạo đàm
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ tại tạo đàm

Thứ nhất, ghi nhận về công tác triển khai, chỉ đạo của Bộ cũng như trong toàn ngành rất rõ từ hệ thống văn bản, công tác triển khai tập huấn cho những đối tượng liên quan rất bài bản, việc rà soát đội ngũ giáo viên trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, có một lộ trình triển khai tập huấn là việc mà cơ quan quản lý làm rất tốt.

Thứ hai, ghi nhận tinh thần vào cuộc, nhập cuộc một cách tích cực của lãnh đạo các địa phương. Chúng tôi cũng đi giám sát về hoạt động giáo dục nhiều, có thể nói tinh thần triển khai Nghị quyết 88 các địa phương đã xác định rất rõ đây là nghị quyết của Quốc hội để cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Vì vậy, các địa phương nhập cuộc rất tích cực và cũng trên tinh thần sẵn sàng đầu tư, tập trung tốt nhất cho việc triển khai chương trình SGK.

Thứ ba, ghi nhận về công tác chuẩn bị đội ngũ. Qua giám sát cho thấy, các địa phương sẵn sàng về đội ngũ cho việc triển khai chương trình lớp 1. Lựa chọn đôi ngũ có kinh nghiệm nhất, có năng lực nhất để bắt đầu triển khai chương trình lớp 1, để bảo đảm thực hiện tốt ngay từ năm đầu tiên. Và như trao đổi của thầy Thịnh và cô Duyên tinh thần của cán bộ quản lý của các trường cũng như của các giáo viên đã có tâm thế rất sẵn sàng trên tinh thần phải đổi mới, không thể dừng được.

Thứ tư, về hình thức bồi dưỡng tập huấn. Tôi xin phép không đề cập đến vấn đề chuyên môn sâu. Nhưng qua giám sát, chúng tôi thấy, việc triển khai song song tập huấn trực tiếp cũng như phát huy hình thức tập huấn trực tuyến trong một bối cảnh rất khó khăn, chúng ta đang đối mặt với dịch bệnh Covid- 19, nhưng chúng ta đã khai thác và triển khai cũng khá nhanh về việc tập huấn trực tuyến. Khi tháng 9. 2020, các trường khai giảng thì công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, chuẩn bị, tâm thế rất tốt.

Qua giám sát bước đầu, chúng tôi nhận thấy việc triển khai chương trình lớp 1 không quá khó. Tuy nhiên, qua giám sát một số vấn đề đặt ra, chúng ta cũng phải quan tâm để có rút kinh nghiệm cho những năm sau:

Một là, khó khăn từ thực tiễn địa phương đặt ra là quá trình triển khai tập huấn còn chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra. Việc chậm tiến độ sẽ dẫn đến tình trạng, một số địa phương vùng sâu, vùng xa khó triển khai thực hiện. Lý do xuất phát từ lộ trình SGK hơi chậm, do dịch Covid 19 nên không thể triển khai nhanh được.

Hai là, việc tập huấn trực tuyến triển khai ở các địa phương có địa phương có đầy đủ về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhưng đối với vùng sâu, vùng xa thì việc tập huấn trực tuyến sẽ không dễ. Ngoài ra, một bộ phận giáo viên tuổi cao và quá trình đào tạo không được bài bản thì hình thức trực tuyến trong những năm tới sẽ khó khăn.

Ba là, là công tác chuẩn bị đội ngũ đủ về số lượng nhưng ở các địa phương vấn đề thừa, thiếu cục bộ ở môn này, bộ môn khác dẫn đến tình trạng chúng ta không thể bố trí được giáo viên như yêu cầu theo chương trình giáo khoa mới, nhất là trong bối cảnh các nhà trường tinh giảm biên chế. Điều này dẫn đến việc các giáo viên phải kiêm nhiệm vị trí nhân viên trường học. Do đó, giáo viên ở các trường đang chịu nhiều áp lực vừa là áp lực về việc đổi mới, áp lực về việc "gánh" thêm những việc của nhân viên trường học. Thêm vào đó, chúng ta đang thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 và yêu cầu về chuẩn hóa về đội ngũ giáo viên. Đó là những khó khăn đang đặt ra.

Công tác thẩm định, phê duyệt và hướng dẫn lựa chọn SGK

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Ở Chương trình GDPT hiện hành, SGK có vai trò như “pháp lệnh” buộc các giáo viên phải dạy học theo đúng nội dung, đúng trình tự trong SGK. Tuy nhiên, với Chương trình GDPT mới, SGK chỉ còn vai trò là tài liệu dạy học cụ thể hóa chương trình. Mỗi môn học có một số SGK và Nghị quyết Quốc hội 88 yêu cầu thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở GDPT.

Những công việc này đã được Bộ GD - ĐT triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ?

Ông Nguyễn Hữu Độ: Với chương trình GDPT hiện nay đã được ban hành, chương trình được thiết kế theo hướng mở để có thể viết được nhiều sách. Tháng 12.1017, Bộ GD - ĐT đã ban hành Thông tư 33 về việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về những người tham gia biên soạn SGK, những người tham gia hội đồng thẩm định quốc gia, đặc biệt là tiêu chuẩn SGK. Trong đó có ban hành 5 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí và 40 chỉ báo đã rất cụ thể những yêu cầu của SGK.

5 tiêu chuẩn lớn gồm: 

Một là những điều kiện tiên quyết phải không trái quy định của pháp luật, đảm bảo nội dung không có định kiến về giới, về dân tộc.

Hai là, thể hiện được phương pháp dạy học.

Ba là, về nội dung giáo dục và các vấn đề yêu cầu.

Bốn là, cách đánh giá và cấu trúc của SGK phải phù hợp.

Năm là, hình thức thể hiện trong đó ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, dễ hiểu và đảm bảo chính xác nội dung.

Bộ cũng ban hành quy trình biên soạn cũng như quy trình thẩm định. Theo đó, quy trình biên soạn sách do các tổ chức và cá nhân chủ động dựa vào chương trình đầu ra để biên soạn SGK. Sau khu biên soạn xong, tác giả phải đăng ký và gửi bản mẫu của mình đến các nhà xuất bản, để các nhà xuất bản tổ chức biên tập lại, tổ chức thực nghiệm các nội dung mới cần quan tâm và sau đó tổ chức nghiệm thu nội bộ.

Làm xong 3 bước này thì hoàn thiện bản mẫu để gửi lên hội đồng thẩm định quốc gia. Tại hội đồng thẩm định quốc gia, gồm các nhà khoa học, trong đó có ít nhất 1/3 là các giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy ở những môn học, cấp học đó. Hội đồng này đã được 15 ngày tiếp cận bản mẫu để có thể đọc trước ở nhà, sau đó có 5 ngày để trực tiếp thống nhất và thảo luận. Tại buổi thảo luận chính thức, tác giả được trình bày nội dung, ý tưởng của mình trước hội đồng thẩm định. Sau đó trên cơ sở ý tưởng của tác giả, cộng với nghiên cứu ở nhà 15 ngày, hội đồng thẩm định có 5 ngày để đưa ra kết luận. Khi đưa ra kết luận, mời trực tiếp tác giả phản ánh những điều đạt được và chưa đạt được. Nếu trường hợp đạt thì sẽ trình lên Bộ trưởng để quyết định. Có trường hợp đạt nhưng cần sữa chữa thì các tác giả có 1 tháng để nghiên cứu tiếp, điều chỉnh, sửa chữa, rồi gửi lại cho hội đồng tiến hành thẩm định trong 5 ngày. Sau khi bản thảo được hội đồng thẩm định đánh giá đạt thì sẽ gửi lên để Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp. Trước khi trình Bộ trưởng ký thì Bộ  thành lập tổ rà soát với 5 giáo viên trực tiếp giảng dạy chuyên môn đó, để trực tiếp tiếp cận cuốn sách đó , rà soát lại toàn bộ các lỗi. Có thể nói quy trình thẩm định ban hành cũng rất chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu chất lượng chương trình.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Năm học 2021-2022 sẽ thực hiện chương trình, SGK mới với lớp 2 và lớp 6. Vậy đến thời điểm này, công tác thẩm định SGK và chuẩn bị, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất đang được triển khai như thế nào, thưa ông Nguyễn Xuân Thành?

Ông Nguyễn Xuân Thành: Hiện nay, công tác thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6 đã được thực hiện xong vòng 1. Các tác giả cũng đã chỉnh sửa và chúng tôi đã bắt đầu thu sách để chuẩn bị triển khai thẩm định vòng 2. Lần này, chúng tôi yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa các tác giả với Hội đồng thẩm định.

Trong thời gian sắp tới, sẽ tăng cường khâu thẩm định trong Hội đồng cũng như tương tác với các nhóm tác giả để đáp ứng yêu cầu của quy định. Đồng thời, sẽ tăng cường thêm các kênh để có thể lấy ý kiến rộng rãi hơn từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở cũng qua các kênh khác nhau. Chúng tôi sẽ triển khai thực hiện chỉ đạo này để đảm bảo cho SGK trong lần này sẽ tránh được những điều đáng tiếc xảy ra.

Hiện nay, 8 trường sư phạm trong chương trình đang cùng 63 Sở GD - ĐT triển khai bồi dưỡng giáo viên cốt cán trong mô-đun 2 và sau giai đoạn này một thời gian ngắn sẽ bắt đầu mô-đun 3. Đây là 2 mô-đun hết sức quan trọng về phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, triển khai ngay việc bồi dưỡng đại trà để đáp ứng được yêu cầu trong năm tới, bắt đầu triển khai đến lớp 2 và lớp 6.

Về cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết bị dạy học, hiện Bộ GD - ĐT đã đưa lên internet và xin ý kiến rộng rãi, thời gian tới sẽ ban hành để cho các địa phương có cơ sở xây dựng, mua sắm trang thiết bị chuẩn bị sẵn sàng cho năm tới.

Đặc biệt là SGK lớp 2 và lớp 6 tới đây sẽ ban hành sớm hơn so với năm trước. Như vậy, chúng ta có 5 tháng để các nhà xuất bản in ấn rồi phát hành, đặc biệt trong giai đoạn đó trong khoảng thời gian đó thì sẽ tập trung bồi dưỡng giáo viên về việc sử dụng sách này. Song hành cùng với việc bồi dưỡng mô-đun, phương pháp dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá để đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng năng lực đội ngũ nhà giáo khi bắt đầu triển khai cho năm học mới vào tháng 9.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Là những người đã trực tiếp nghiên cứu và sử dụng SGK lớp 1, thầy Đào Chí Mạnh, xin thầy cho biết, các giáo viên, cán bộ quản lý của trường Tiểu học Kim Ngọc đánh giá như thế nào về chất lượng (cả nội dung và hình thức) của các bộ SGK mới? So với SGK của chương trình hiện hành, SGK mới có khác biệt gì và ưu việt hơn như thế nào?

Ông Đào Chí Mạnh: Từ thực tế cơ sở, hai tháng qua học sinh, phụ huynh và giáo viên được tiếp cận với chương trình SGD mới đã được hội đồng thẩm định quốc gia cũng như các cơ sở lựa chọn theo đúng quy trình. Các thầy cô quản lý ở trường Tiểu học Kim Ngọc cũng như ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc thấy rằng, điểm mạnh chung về hình thức và kênh hình, kênh chữ được sắp xếp rất khoa học, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 1; trình bày SGK bắt mắt, cuốn hút học sinh. Đây là những điểm đầu tiên tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập.

Về nội dung, các bài học được sắp xếp theo từng chủ đề, có những gợi ý tạo thuận lợi cho giáo viên tổ chức hoạt động dạy học và định hướng phát triển phẩm chất năng lực, hoạt động nào thì năng lực ấy. Nội dung sách được sắp xếp theo mức độ phân hoá giúp học sinh có sự tò mò, hứng thú trong học tập. Đồng thời giúp giáo viên phát huy khả năng đào tạo của mình.

Một điểm đặc điểm nữa là về sách điện tử, sách rất thuận lợi cho giáo viên giảng dạy trên lớp, từ việc chuẩn bị bài đến thực thi dạy học. Trong các bài học thường có hoạt động giúp học sinh hoạt động. Đây cũng là công cụ giúp giáo viên biến mỗi thiết học thành một tiết học vui cho học sinh.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Câu hỏi này cũng xin được dành cho cô Đinh Duyên Thịnh – giáo viên dạy lớp 1 trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long (Thanh Oai, Hà Nội).

Bà Đinh Duyên Thịnh: Với cương vị là một người đứng lớp tôi cảm thấy rằng:

Thứ nhất, về hình thức, sách rất bắt mắt,  hình ảnh phù hợp với tất cả các học sinh, tạo điều kiện cho các em yêu thích cuốn sách của mình hơn, những hình ảnh rất gần gũi khiến các con thấy nó như cuộc sống hàng ngày chứ không quá xa lạ.

Thứ hai, bên cạnh mặt hình ảnh tôi thấy SGK có sự kế thừa những điểm mạnh của chương trình SGK cũ, đầu tiên là về mặt hệ thống sau đó là sự chắc chắn trong việc đưa ra hệ thống kỹ năng phù hợp cho học sinh.

Tuy nhiên, SGK mới lại chú trọng nhiều về kỹ năng nghe, nói - nghĩa là những kỹ năng mà học sinh vốn đã có. Nhưng ở đây, lại chú trọng giúp các em nghe - nói một cách chủ động hơn, tối ưu hóa sự phát triển trong tư duy của học sinh.

Các nội dung, bài học trong SGK giúp giáo viên có đất thể hiện sự sáng tạo của mình, miễn sao cách thức tổ chức hoạt động của chúng tôi phù hợp với đối tượng học sinh và đạt được mục tiêu phát triển toàn diện: kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như phẩm chất của học sinh.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Nhìn lại những bước chỉ đạo, tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt và hướng dẫn lựa chọn SGK, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đánh giá ra sao về việc thực hiện các nhiệm vụ này của của Bộ GD - ĐT, thưa Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng?

Ông Phạm Tất Thắng: Theo quy định của Luật Giáo dục 2019 thì Bộ trưởng Bộ GD - ĐT phải chịu trách nhiệm về chất lượng của SGK giáo dục phố thông. Điều này thể hiện vai trò quản lý nhà nước của Bộ đối với việc chỉ đạo tổ chức biên soạn cũng như thẩm định SGK. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ đã ban hành Thông tư 33 có quy định rất rõ về quy trình khá chặt chẽ, trách nhiệm của các bên có liên quan. Mục tiêu làm sao với vai trò, trách nhiệm của Bộ GD - ĐT sẽ chỉ đạo thế nào từ khâu biên chọn đến việc lựa chọn, thẩm định phát hành SGK để bảo đảm chất lượng SGK tốt nhất.

Tôi cho rằng, Bộ GD - ĐT đã thực hiện  đúng vai trò của mình theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên trong thực tế vừa qua, khi lựa chọn ban hành các bộ SGK đưa vào trong thực tế thì còn ý kiến phản ánh từ dư luận, phụ huynh, học sinh về một vài cuốn SGK trong số 5 bộ SGK đã được thẩm định và phê duyệt. Đây cũng là tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm của phụ huynh và dư luận xã hội đối với việc đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông.

Đây cũng là kinh nghiệm rất quý để sắp tới trong quá trình Bộ GD - ĐT tổ chức thẩm định các SGK, trước mắt là lớp 2 và lớp 6 thì Bộ có thể rà soát lại chặt chẽ hơn, thể hiện được trách nhiệm rõ hơn của các tổ chức cá nhân có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia. Làm sao để bảo đảm một bộ sách khi đã được thẩm định mà Bộ trưởng ký quyết định công bố sẽ đáp ứng được tốt nhất yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông.

Một số vấn đề tồn tại và hướng khắc phục, triển khai tiếp Nghị quyết 88

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thưa quý vị! Sau gần hai tháng triển khai, chương trình, SGK mới đã bước đầu “thổi làn gió” tích cực vào công tác dạy - học của các nhà trường. Những tiết học của học sinh lớp 1 giờ trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động giáo dục được thầy cô tổ chức nhằm tạo sự hứng thú học tập cho học sinh, quan trọng hơn là để các em được tự tìm tòi, khám phá và chiếm lĩnh tri thức; từ đó hình thành phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết. 

Chương trình GDPT mới giao quyền chủ động chuyên môn cho giáo viên, các nhà trường, giúp thầy cô được chủ động, sáng tạo xây dựng và tổ chức bài dạy sao cho hiệu quả, phù hợp với đối tượng học sinh. Sự “cởi trói” về chuyên môn này được giáo viên, các nhà trường đón nhận tích cực và từng bước thực hiện hiệu quả.

Sau gần 2 tháng thực hiện chương trình, SGK lớp 1 mới, đã có một số phản hồi rằng chương trình môn tiếng Việt nặng, một số ngữ liệu trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều không phù hợp với giáo dục trẻ 6 tuổi.

Là giáo viên dạy lớp 1 năm nay, cô Đinh Duyên Thịnh đã nhận được những phản ánh như thế nào từ phụ huynh học sinh về việc học tập của con em họ? Những than phiền này của phụ huynh có phải chỉ gặp ở chương trình mới?

Theo cô để thực hiện thành công được chương trình, giúp học sinh được hưởng lợi từ chương trình, thì cần sự đồng hành, phối hợp như thế nào từ phía phụ huynh với nhà trường, giáo viên?

Bà Đinh Duyên Thịnh: Với bộ sách mà nhà trường chúng tôi lựa chọn, với sự giám sát của các cấp ban ngành thì chúng tôi chưa nhận được sự phàn nàn nào về việc học tập của con em cả. Mới sáng nay thôi, tôi đã nhận được những lời khen ngợi là con yêu thích việc học hơn, con tiến bộ hơn… Và tôi cho rằng đó là những tín hiệu đáng mừng trong công cuộc cải cách chương trình SGK mới.

Tại các diễn đàn, tôi cũng thấy một số phụ huynh than phiền, tuy nhiên, những lời than phiền này không mới mà đầu năm học nào cũng xuất hiện. Có chăng, năm học 2020 - 2012 này do dịch Covid-19 kéo dài nên thời gian các em mẫu giáo được làm quen với chữ cái không nhiều, khi bước vào lớp 1 các nhà trường lại không còn thời gian để rèn nề nếp cho học sinh nên bước đầu tiếp xúc với chương trình SGK lớp 1 còn sự khó khăn cho việc dạy và học của cô và trò.

Với cá nhân tôi thì điều đó không phải rào cản, bởi cuộc sống của chúng ta luôn luôn vận động, phát triển vì vậy ai trong chúng ta cũng phải thích ứng với sự phát triển đó. Tôi cũng mong nhận được sự đồng hành của phụ huynh. Không phải là phụ huynh phải dạy học trước để đến lớp con biết đọc mà là hãy cùng con củng cố lại những gì đã học ở trên lớp thông qua các trò chơi, các hoạt động tương tác. Bởi lẽ, chỉ cần tương tác sẽ giúp các con phát triển được rất nhiều kỹ năng, năng lực cũng như hình thành nhân cách thông qua việc tương tác và giao tiếp đó.

Niềm vui trong học tập không giống các thú vui khác mà phải được hình thành qua việc trau dồi hàng ngày từ học sinh, giáo viên và phụ huynh. Tôi vẫn luôn được học hỏi từ chính học sinh của mình. Tôi cũng hy vọng phụ huynh đồng hành với con để giúp con tìm được niềm vui trong học tập.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Sau những phản ánh của xã hội,Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra các nội dung mà dư luận, báo chí phản ánh; yêu cầu rà soát tất cả các SGK lớp 1 khác để chủ động hướng dẫn thực hiện nếu cần thiết. Căn cứ kết quả báo cáo của Hội đồng thẩm định, Bộ GDĐT quyết định yêu cầu NXB chỉnh sửa, hiệu đính một số nội dung trong SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều. Tài liệu hiệu đính này được yêu cầu phát miễn phí tới tất cả học sinh.

Rút kinh nghiệm việc chỉ đạo biên soạn, tổ chức thẩm định SGK lớp 1; nói rộng ra là việc triển khai thực hiện CT, SGK mới đối với lớp 1, Bộ GDĐT sẽ có điều chỉnh gì ở các khâu, đặc biệt ở khâu thẩm định SGK để công tác thực hiện CT, SGK GDPT 2018 những tiếp theo đảm bảo chất lượng? Câu hỏi này xin được gửi tới Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ?

Ông Nguyễn Hữu Độ: Bộ GDĐT sẽ thực hiện 3 điều chỉnh quan trọng ở trong công tác thẩm định SGK. 

Thứ nhất là kiểm soát chặt chẽ quá trình thực nghiệm SGK. Trước đây, các nhà xuất bản phối hợp với tác giả chủ động tổ chức việc thực nghiệm thì tới đây sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD - ĐT để công tác này đạt hiệu quả hơn. 

Thứ hai là tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để nâng cao chất lượng bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản gửi lên Bộ GD - ĐT để thẩm định. Theo đó các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng SGK. Qua “vòng lọc” đầu tiên này, nhà xuất bản mới gửi bản mẫu SGK hoàn thiện lên Bộ GD - ĐT. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sau đó sẽ đánh giá, nhận xét, góp ý để tác giả tiếp tục hoàn thiện bản mẫu SGK tốt hơn. 

Thứ ba, chúng tôi sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu SGK, có thể bằng cách đăng mạng bản pdf bản mẫu SGK để xin ý kiến góp ý, nắm bắt thông tin trên diện rộng, đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, các nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở các ý kiến phản ánh, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để kịp thời đề ra các giải pháp bổ sung trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Thực tế, những khó khăn, vướng mắc về chế độ chính sách đối với nhà giáo, biên chế giáo viên hay việc thiếu trường lớp kiên cố, thiếu phòng học và sĩ số học sinh/lớp cao (đối với các TP lớn) là một nguyên nhân lớn khiến các chương trình đổi mới giáo dục trước đây chưa đạt kết quả như mong muốn. Để khắc phục hạn chế đó, một yêu cầu được đặt ra trong Nghị quyết 88/2014/QH13 là Chương trình GDPT phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh.

Ghi nhận thực tế về cách thức tổ chức thực hiện chương trình, SGK mới đến thời điểm này, bà Nguyễn Thị Mai Hoa có đánh giá như thế nào về những khó khăn của các địa phương liên quan đến đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới?

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi hoàn toàn đồng ý với việc là CTPT mới muốn thành công thì các điều kiện bảo đảm phải được đáp ứng. Trong đó, hai yếu tố quyết định là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Mà hai yếu tố này thì trách nhiệm của địa phương rất là rõ.

Qua giám sát, về cơ sở vật chất nhìn chung chỉ mới đáp ứng ở mức độ vừa phải chứ nếu để đáp ứng mục tiêu đặt ra của CT GDPT mới thì rõ ràng còn thiếu rất nhiều về phòng ốc, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học. Đặc biệt, khi chúng ta thực hiện tinh giảm biên chế, số lượng giáo viên của các trường giảm đi và đang có tình trạng sáp nhập các trường học để thu gọn đầu mối, tinh giảm biên chế. Như vậy không chỉ có áp lực về sĩ số học sinh đông ở các thành phố lớn mà ngay ở những trường miền núi như Nam Trà My, khi Ủy ban chúng tôi về giám sát thì học sinh lớp 3 phải ngồi 50 em/1 lớp. Đây là những thách thức rất lớn cho các thầy cô trong triển khai chương trình SGK mới.

Đội ngũ giáo viên đang rất cố gắng, nhưng rõ ràng chúng ta đang nhìn thấy bất cập về phía đội ngũ là tình trạng thừa thiếu cục bộ. Với những môn mới đòi hỏi phải có giáo viên đáp ứng ngay nhưng chúng ta phải có lộ trình và đặc biệt là cùng một lúc chúng ta phải thực hiện luôn cả việc nâng chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục mới. Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có lộ trình và các địa phương cũng rất quyết tâm, nhưng đối với giáo viên, cùng một lúc vừa phải thực hiện 2 nhiệm vụ là song song đào tạo nâng chuẩn và đáp ứng yêu cầu của chương trình SGK mới sẽ tạo áp lực rất lớn cho giáo viên. Qua giám sát, các địa phương đã nhận ra những vấn đề này và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhận ra vấn đề. Điều quan trọng bây giờ là cần có những giải pháp kịp thời, cụ thể đối với từng vùng, từng địa bàn, đối với từng nhóm đối tượng giáo viên chứ không nên chỉ có giải pháp chung. Bởi lẽ, mỗi nơi, mỗi vùng miền đều có những khó khăn, thách thức riêng đặt ra.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng có những kiến nghị gì với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm các điều kiện thực hiện thành công Nghị quyết 88, thưa Phó Chủ nhiệm Phạm Tất Thắng?

Ông Phạm Tất Thắng: Với Chính phủ, qua việc giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 trong dự kiến báo cáo sắp tới của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, chúng tôi có nêu mấy điểm khá cụ thể, tập trung vào 2 điểm:

Một là về vai trò của Chính phủ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục 2019 cũng như Nghị quyết 88 là việc cần phải quan tâm trong thời gian tới. Việc hướng dẫn luật để các bộ, ngành, địa phương có đủ cơ sở định hướng để thực hiện đúng theo Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 88.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền Luật Giáo dục 2019, đặc biệt là việc đổi mới chương trình SGK THPT. Bởi đây là công cuộc ảnh hưởng đến toàn xã hội, ảnh hưởng đến khoảng 1/4 dân số đất nước, đặc biệt kể cả các thầy cô giáo cũng phải "ngấm" và thay đổi chương trình SGK mới nên việc biên soạn văn bản hướng dẫn trong việc triển khai Luật và Nghị quyết 88 trong thời gian tới là cần tiếp tục làm và hoàn thiện.

Nghị quyết 88 đã nêu yêu cầu hàng năm Chính phủ báo cáo với Quốc hội tiến độ thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc Quốc hội sẽ cùng Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, tôi cho rằng vai trò quan trọng của Chính phủ đó là vừa chỉ đạo các Bộ, cũng như các Bộ nguồn lực khác về tài chính, cơ sở vật chất; nhất là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung đủ nguồn lực cần thiết bảo đảm tối thiểu về cơ sở vật chất để có thể thực hiện tốt chương trình SGK GDPT. Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp với Bộ GD - ĐT để bảo đảm nguồn lực con người đó là đội ngũ giáo viên.

Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo thống nhất để các địa phương phải tập trung nguồn lực cũng như có nhận thức đúng và triển khai bài bản, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 88 trên phạm vi tất cả các địa phương. Có như vậy Nghị quyết 88 mới bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đem lại hiệu quả như mong muốn.

Phó TBT Nguyễn Quốc Thắng: Kính thưa các vị đại biểu!

Trong một khoảng thời gian ngắn, những chia sẻ của các đại biểu đã giúp chúng ta đã hiểu hơn về quá trình chuẩn bị và triển khai thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, quyết tâm của đội ngũ giáo viên và toàn ngành Giáo dục để thực hiện thành công đổi mới giáo dục lần này. Sự đổi mới nào bước đầu cũng sẽ có những vất vả, khó khăn, đòi hỏi nhiều hơn sự nỗ lực, kiên trì cũng như sự chia sẻ, chung tay đồng hành, hỗ trợ của toàn xã hội để đổi mới đi đến thành công, vì một thế hệ học sinh mới hiện đại, tự tin, chủ động, hiểu biết và hội nhập.

Một lần nữa xin cảm ơn các vị khách đã nhận lời mời tham gia buổi tọa đàm.

Xin cảm ơn các cơ quan báo chí đã đến dự và đưa tin.

Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện
Giáo dục

Tình yêu giúp các em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ vị thành niên là vô cùng quan trọng. Bởi phần lớn em tuổi vị thành niên vi phạm pháp luật, đang học tại các trường giáo dưỡng đến từ những gia đình không hoàn thiện. Chính sự quan tâm, yêu thương là yếu tố quan trọng quan trọng để giáo dục và định hướng cho những em nhỏ lầm lỡ tìm về nẻo thiện.

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)
Giáo dục

Nhiều cảm xúc tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam của Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều)

Ngày 20.11, tại sân Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều) đã diễn ra buổi lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đầy cảm xúc và trang trọng. Buổi lễ không chỉ là dịp để các thế hệ học trò thể hiện lòng tri ân đối với thầy cô mà còn là không gian ấm áp, gắn kết tình cảm thầy trò.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục

Chiều tối nay, 20.11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2024). 

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Giáo dục

Nhiều giảng viên của Đại học Đà Nẵng được Bộ GD-ĐT khen thưởng nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20.11, nhiều Trường Đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng bằng khen của Bộ GD-ĐT, Đại học Đà Nẵng cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô
Giáo dục

Ngày Nhà giáo Việt Nam, CHIN-SU lên vùng cao tiếp sức học trò, tiếp lửa thầy cô

Ngày 20.11.2024, trong khuôn khổ chuỗi dự án vì cộng đồng “Một Triệu Bữa Cơm Có Thịt”, tại trường Tiểu học Tân Tiến, Bản Pe, Lạng Sơn, CHIN-SU đã phối hợp cùng Quỹ Trò nghèo Vùng cao và các nghệ nhân đầu bếp chuyên nghiệp mang đến “chảo cơm có thịt khổng lồ”. Đây là một hoạt động đặc sắc, ý nghĩa tiếp sức học trò và tiếp lửa thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.