Tại Hội nghị - tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương đã thông tin về công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, bao gồm hệ thống văn bản đã ban hành, các mốc thời gian chính, công tác tổ chức thi cho thí sinh đăng ký dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, công tác tổ chức thi cho thí sinh đăng ký dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, công tác đăng ký thi, xếp phòng thi, in sao đề thi, coi thi...
Về một số điểm mới chính, ông Huỳnh Văn Chương cho biết: Kỳ thi năm nay sẽ giảm số buổi thi từ 4 buổi thi như những năm trước xuống còn 3 buổi thi. Đề thi theo hướng đánh giá năng lực, có các môn thi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.
Quy trình coi thi, chấm thi được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với phương án tổ chức Kỳ thi, đồng thời khắc phục các hạn chế bất cập trước đây để tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều ý kiến rất băn khoăn, lo lắng về đề thi tốt nghiệp THPT 2025 hiện nay.

Sự khác biệt trong phòng thi
Ngày 24.3.2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Công văn số 1239/BGDĐT-QLCL về hướng dẫn một số nội dung tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 gửi các Sở GDĐT; Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng. Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27, 28/6/2025. Trong đó: Ngày 25/6/2025 làm thủ tục dự thi; ngày 26, 27/6/2025 tổ chức coi thi; ngày 28/6/2025 dự phòng.
Theo công văn này, có 2 đối tượng dự thi được ban hành lịch thi riêng biệt là thí sinh dự thi với Đề thi của Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và thí sinh dự thi với Đề thi của Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành (2018).
Đối với thí sinh dự thi với Đề thi của Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 về công tác tổ chức thi vẫn theo qui trình các năm trước đây, tương đối tường minh và chặt chẽ với các thí sinh dự thi lựa chọn 3 môn thi thành phần trong bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội. Khi đó nhóm đối tượng thí sinh này vẫn thi các môn thi thành phần cùng một thời điểm và cùng một bộ đề thi và thu bài cùng một thời điểm như nhau.
Tuy nhiên, đối với thí sinh dự thi với Đề thi của Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn còn phải lựa chọn 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 bao gồm ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
2 môn tự chọn này theo như lịch thi Bộ GDĐT vừa công bố sẽ được thi trong cùng một buổi thi và được gọi là bài thi lựa chọn. Đây là một điểm khác biệt so với các năm trước đây khi thi bài thi Tổ hợp vì có một số phòng thi có thể sẽ có thí sinh dự thi nhiều môn thi lựa chọn khác nhau và thi các môn thi lựa chọn ở các thời điểm khác nhau.
Nội dung này được lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GDĐT xác nhận tại hội nghị ngày 3.4.2025, tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Cụ thể là đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi thí sinh thi 3 buổi ở cùng 1 phòng thi. Do đó cùng một phòng thi có thể có các thí sinh dự thi 5 môn cùng lúc.
Đề thi được in trên tờ giấy A3, mã đề thi tăng lên 48 mã đề, lo ngại gian lận?
Về đề thi, năm nay đề thi được in trên một tờ giấy A3. Đối với hai môn tự chọn, số lượng mã đề thi sẽ tăng lên 48 mã đề mỗi môn, gấp đôi năm trước. Thí sinh thi ca 1 sẽ được phát mã đề từ 1 - 24, ca 2 thi mã đề từ 25 - 48.
Nhiều ý kiến băn khoăn lo lắng cho rằng, việc tăng gấp đôi số mã đề thi với mục đích gì? Có khó khăn gì khi tăng số mã đề thi lên gấp đôi trong công tác tổ chức thi? Chất lượng của đề thi sẽ ra sao khi tăng lên gấp đôi so với trước đây?....
Một chuyên gia khảo thí có kinh nghiệm cho biết: Trong những năm qua khi tổ chức các bài thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan Bộ GDĐT đều qui định mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề thi riêng.
Trong mỗi phòng thi có 24 mã đề thi khác nhau và được hình thành từ 4 mã đề gốc khác nhau (mỗi môn thi đều có 4 đề thi gốc độc lập), mỗi mã đề gốc được trộn thành 6 mã đề khác nhau và đảm bảo qui định các học sinh ngồi cạnh nhau không trùng 1 mã đề gốc để hạn chế tối đa các thí sinh ngồi cạnh nhau có cùng câu hỏi thi, cùng đáp số cho dù đã đảo vị trí câu hỏi và phương án trả lời.
Ngoài ra, để hạn chế việc các thí sinh có số thứ tự như nhau ở các phòng thi khác nhau sẽ cùng một mã đề thi khi đã trộn thì yêu cầu các phòng thi phải bổ cách đánh số báo danh khác nhau để tránh sự trùng hợp thí sinh có thể xin ra ngoài với lí do bất khả kháng để trao đổi với nhau về đáp án của các câu hỏi cùng mã đề thi.
Việc làm này nhằm hạn chế tối đa tiêu cực đã từng xảy ra năm 2015 khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia khi có trường hợp thí sinh trong cùng 1 phòng thi cho dù đã trộn câu hỏi thi thành 6 mã đề thi khác nhau nhưng chỉ có 1 đề thi gốc nên 2 thí sinh cạnh nhau vẫn có thể trao đổi bài với nhau. Đặc biệt, với hình thức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy chỉ cần một khoảng thời gian rất ngắn cán bộ coi thi không quan sát là hiện tượng gian lận có thể xảy ra.
Tuy nhiên, với việc ra 4 đề gốc để mỗi đề trộn thành 6 mã đảm bảo có 24 mã đề thi trong một phòng thi như trước đây đã làm, cũng phải mất rất nhiều công sức để chuẩn hóa và cân bằng các đề thi, nhằm đảm bảo các đề thi có độ khó tương đương nhau.
Có giảm thiểu được gian lận?
Vị chuyên gia này phân tích, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tới đây, đối với hai môn tự chọn, số lượng mã đề thi sẽ tăng lên 48 mã đề mỗi môn. Thí sinh thi ca 1 sẽ được phát mã đề từ 1 - 24, ca 2 thi mã đề từ 25 – 48 có lẽ cũng là giải pháp để giảm thiểu gian lận trong thi các môn thi trắc nghiệm và đặc biệt là đối với 2 môn thi lựa chọn có môn thi mà có nhóm thí sinh thi ca 1, có nhóm thí sinh thi ca 2.
Tuy nhiên, số mã đề thi tăng lên gấp đôi so với trước đây nếu không tăng số đề gốc đề trộn hoặc trộn từ một đề thi gốc thì giải pháp nhiều mã đề thi trong cùng một phòng thi là không có ý nghĩa, còn nếu tăng số đề gốc để trộn tăng lên gấp đôi so với trước đây đã từng làm (tăng thành 8 đề gốc 1 môn thi) là một công việc vô cùng vất vả cho công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và Hội đồng ra đề thi.
Nhưng nếu không tăng số đề gốc để tạo thành 2 bộ đề thi với mã đề thi từ 1-24 cho ca 1 và mã đề thi từ 25-48 cho ca 2 của 1 môn thi trong cùng phòng thi thì sẽ dẫn đến hiện trạng đề thi đã được bóc trước cho thí sinh ca 1 lại được dùng lại cho thí sinh thi ca 2 liệu có công bằng cho các thí sinh tham gia dự thi và đề thi đã bóc trước giờ làm bài liệu có đúng quy chế thi?
Cần xây dựng một ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn
Theo vị chuyên gia này, để tăng lên 48 mã đề thi trong một môn thi có 2 ca thi với bối cảnh lần đầu tiên tổ chức thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì cần xây dựng một ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn và chuẩn bị đội ngũ nhân lực ra đề thi đủ lớn để tránh có những sai sót không đáng có trong công tác ra đề thi.
Ngoài ra, để tránh sự bỡ ngỡ của cán bộ tham gia công tác in sao đề thi, coi thi và thí sinh đồng thời để hạn chế tối đa các gian lận có thể xảy ra, tạo sự công bằng, khách quan, công khai, trung thực trong quá trình tổ chức Bài thi lựa chọn thì cần phải có hướng dẫn chi tiết và tập huấn, phổ biến cho các cán bộ coi thi và đặc biệt là thí sinh dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành trong tổ chức và thi Bài thi lựa chọn.