Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Trường Đại học Y Hà Nội thuộc nhóm hàng đầu châu Á

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 714/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển Trường Đại học Y Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia thuộc nhóm hàng đầu châu Á”.

Mục tiêu chung của Đề án là phát triển Trường Đại học Y Hà Nội thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, có uy tín ngang tầm các đại học hàng đầu châu Á, đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt trong đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn liền với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sức khỏe, đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng cao của nhân dân.

Đến năm 2035, Trường Đại học Y Hà Nội nằm trong danh sách 100 đại học hàng đầu châu Á

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2035, quy mô đào tạo của Trường Đại học Y Hà Nội lên tới trên 20.000 người học; đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương trên 50% tổng quy mô tuyển sinh.

100% chương trình đào tạo được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức kiểm định uy tín trong nước, quốc tế. Số lượng bài báo quốc tế tăng 10%/năm, đến năm 2035 đạt công bố mỗi năm ít nhất 1.000 bài báo quốc tế, bảo đảm tối thiểu 0,75 bài báo/giảng viên cơ hữu/năm.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Y Hà Nội xây dựng ít nhất 20 viện, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, phòng thí nghiệm; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược ứng dụng trong nghiên cứu khoa học lĩnh vực sức khỏe. Bảo đảm mỗi cơ sở đào tạo của trường có ít nhất 1 cơ sở thực hành chính. Xây dựng tối thiểu 5 bệnh viện trực thuộc trường đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Tổng số giảng viên cơ hữu đạt ít nhất 1.700 giảng viên, trong đó trên 70% giảng viên có trình độ tiến sĩ; 30% giảng viên có trình độ tiến sĩ được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Có ít nhất 500 sinh viên, học viên quốc tế theo học các chương trình đào tạo.

z6483990485428-d0b92b642e2fd6dd9b51418e84dfcdb7.jpg
Sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Liên

Đề án cũng đặt mục tiêu đưa Trường Đại học Y Hà Nội trở thành Đại học được xếp hạng trong danh sách 100 đại học hàng đầu châu Á, xếp hạng 801 - 1.000 đại học hàng đầu thế giới và có ít nhất 2 nhóm ngành được xếp hạng trong nhóm 150 của bảng xếp hạng quốc tế uy tín.

Đề án xác định tầm nhìn đến năm 2050, Đại học Y Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu trọng điểm quốc gia, có mô hình quản trị đại học thông minh, tiên tiến, thuộc nhóm các trường hàng đầu châu Á, tốp 501 - 800 các trường đại học hàng đầu thế giới và có ít nhất 4 nhóm ngành được xếp hạng trong nhóm 150 của bảng xếp hạng quốc tế uy tín.

5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, Trường Đại học Y Hà Nội cần mở rộng quy mô đào tạo với cơ cấu ngành, trình độ đào tạo hợp lý, tập trung vào các ngành mũi nhọn nhà trường có thế mạnh, chú trọng các ngành đào tạo trình độ sau đại học, bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động.

Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế. Thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong triển khai các giải pháp công nghệ trong dạy học; phát triển các kho học liệu số, học liệu mở. Bảo đảm đủ số lượng các cơ sở thực hành đạt chuẩn đào tạo của khu vực, quốc tế; thực hiện tốt việc phối hợp giữa trường và bệnh viện, cơ sở thực hành trong quá trình đào tạo.

Thứ hai, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong y tế. Trường cần tập trung nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, bệnh không lây nhiễm, nguyên nhân gây dịch bệnh nguy hiểm; công nghệ gene-protein, công nghệ chẩn đoán, phương pháp điều trị và biện pháp dự phòng đối với các bệnh mới nổi, các bệnh khó và phức tạp.

Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu và phát triển liệu pháp điều trị mới; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới doanh nghiệp, công ty trong trường đại học, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Hợp tác với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ.

Thứ ba, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám bệnh, chữa bệnh và phòng bệnh. Cụ thể, mở rộng diện tích, xây dựng mới cơ sở đào tạo, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, đáp ứng mục tiêu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo; phát triển, mở rộng chuỗi các bệnh viện đại học trực thuộc Trường Đại học Y Hà Nội tại Hà Nội, Thanh Hóa, Bắc Ninh và các tỉnh, thành phố khác.

Hiện đại hóa, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và cơ sở thực hành tại trụ sở Trường Đại học Y Hà Nội phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám bệnh, chữa bệnh và phòng bệnh. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác công-tư, đa dạng hóa nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ y tế. Tăng cường đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật y học hiện đại, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn vào quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám bệnh, chữa bệnh và phòng bệnh.

Thứ tư, là nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý và nhân lực y tế. Theo đó, cần đào tạo nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy, nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên, trong đó ưu tiên cử cán bộ đi đào tạo ở các nước có nền y học phát triển; đẩy mạnh thu hút các nhà khoa học, giảng viên có uy tín, trình độ cao đến giảng dạy và làm việc.

Đẩy mạnh liên kết, trao đổi chuyên môn, học thuật với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước và quốc tế. Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ ngang tầm khu vực và quốc tế đáp ứng mô hình quản trị đại học thông minh, hiện đại. Tăng cường, nâng cao chất lượng chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh cho đội ngũ giảng viên, nhân lực y tế làm việc tại các bệnh viện và cơ sở thực hành.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám bệnh, chữa bệnh và phòng bệnh.

Cụ thể, mở rộng hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở các nước tiên tiến và các tổ chức quốc tế nhằm tiếp cận, trao đổi, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học y học. Tăng cường liên kết, phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao trong khu vực và trên thế giới; chuyển giao công nghệ với các tổ chức và cá nhân nước ngoài trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và phòng bệnh nâng cao sức khỏe nhân dân.

Giáo dục

 Việt Nam và Ethiopia ký kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học
Giáo dục

Việt Nam và Ethiopia ký kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học

Chiều 15.4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali cùng Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali đã chứng kiến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (GDĐT) và Bộ trưởng Bộ Phát triển lao động và Kỹ năng Ethiopia ký, trao Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Ethiopia.

Từ “Let’s Talk” đến hành động: Một thế hệ đang trưởng thành cùng bản lĩnh và trách nhiệm
Giáo dục

Từ “Let’s Talk” đến hành động: Một thế hệ đang trưởng thành cùng bản lĩnh và trách nhiệm

Ngày 12.4 vừa qua tại Hà Nội và TP.HCM, 24 thí sinh xuất sắc của mùa giải đã được chia thành 6 đội thi thuộc 3 bảng theo khu vực Bắc - Nam. Trên sân khấu, các em thể hiện khả năng tiếng Anh trôi chảy, phong thái tự tin và bản lĩnh khi bàn về những vấn đề xã hội nhức nhối, khiến khán phòng nhiều lần bùng nổ trong những tràng pháo tay dài.

Đề nghị có hướng dẫn cụ thể về xã hội hóa trong giáo dục
Thời sự Quốc hội

Đề nghị có hướng dẫn cụ thể về xã hội hóa trong giáo dục

Nguồn lực tài chính cho hoạt động giáo dục trong nhà trường ngoài ngân sách nhà nước, học phí, còn có nguồn tài trợ của cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội, đơn vị, doanh nghiệp. Vì thế, tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về xã hội hóa trong giáo dục.

Giáo sư Đại học Bắc Kinh chia sẻ góc nhìn kinh tế với chủ đề “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới”
Giáo dục

Giáo sư Đại học Bắc Kinh chia sẻ góc nhìn kinh tế với chủ đề “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới”

Ngày 15.4.2025, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Việt Nam thịnh vượng trong Kỷ nguyên mới”. GS. Lâm Nghị Phu, Viện trưởng Viện Kinh tế học Cấu trúc mới, ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), nguyên Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới là diễn giả khách mời của tọa đàm này.