Năm nay, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách được Quốc hội phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 669.264 tỷ đồng. Thủ tướng đã giao toàn bộ kế hoạch vốn cho các bộ, cơ quan Trung ương và đến ngày 10.7, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch vốn chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng giao. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30.6 là 196.669 tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch. Giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 4.781 tỷ đồng, đạt 78,23% kế hoạch, Chương trình mục tiêu quốc gia là 9.644 tỷ đồng, đạt 35,43% kế hoạch.
Như vậy, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (30,49%). Nhiều bộ, cơ quan Trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như năm trước và tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương cũng thấp hơn cùng kỳ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý, có đơn vị giải ngân tốt nhưng vẫn có những đơn vị giải ngân chưa tốt. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.
Với diễn biến này, mục tiêu của Chính phủ giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công năm 2024 trở nên rất thách thức. Hơn nữa, hai chướng ngại vật - thiếu nguyên vật liệu san lấp và định mức, đơn giá xây dựng vừa thiếu, vừa lạc hậu - chậm được khắc phục chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Tại hội nghị sáng qua, Thủ tướng đã nêu rõ "5 quyết tâm" và "5 bảo đảm" cần phải có để thúc đẩy giải ngân. Sau hội nghị, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm.
Vào lúc này, rút kinh nghiệm để năm sau không xảy ra chậm trễ, rồi phải giải ngân dồn cục, cũng là việc cần làm để từng đồng tiền của Nhà nước, của người dân được sử dụng với hiệu quả cao nhất. Giải ngân vốn đầu tư công chậm hoặc không đạt kế hoạch là chuyện diễn ra nhiều năm - có nguyên nhân chung và mỗi năm có thể phát sinh những khó khăn mới. Tuy nhiên, có một vấn đề có thể khắc được ngay mà chưa cần phải thay đổi gì về thể chế - đó là nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư.
Khi triển khai một dự án, rất nhiều vấn đề có thể xảy ra khiến dự án phải điều chỉnh nhiều lần, làm chậm tiến độ. Ví dụ, dự án giao thông có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên vật liệu, vấn đề thời tiết hoặc đột ngột khó khăn về nguồn vốn... Nếu làm tốt công tác chuẩn bị dự án đầu tư; đánh giá kỹ tính khả thi, tính đến các khó khăn có thể phát sinh; lường trước cả tình huống thủ tục bị kéo dài... sẽ giúp dự án được triển khai đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, nhiều nhà thầu không đủ năng lực triển khai dự án đúng tiến độ. Ở đây, năng lực được hiểu theo nghĩa doanh nghiệp thực hiện một dự án thì phù hợp nhưng một doanh nghiệp có thể cùng lúc nhận thầu nhiều dự án dẫn đến không thể triển khai đúng tiến độ tất cả các dự án. Trong trường hợp này, chấm dứt hợp đồng với nhà thầu là giải pháp nhiều người kiến nghị nhưng việc này mất nhiều thời gian và tìm nhà thầu thay thế cũng không đơn giản. Vì vậy, cơ chế để lựa chọn được nhà thầu có năng lực, ở đây là năng lực hoạt động chung, không phải cho một dự án cụ thể, là rất quan trọng. Theo đó, về lâu dài, nên có cơ chế tích điểm cho nhà thầu tốt, có năng lực, lịch sử thi công tốt, để tạo thuận lợi cho nhà thầu có năng lực tham gia thực hiện các dự án.