Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 70% lượng chất thải rắn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; con số này ở TP Hồ Chí Minh là 76%. Phương pháp chôn lấp gây tốn nhiều quỹ đất cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm; đây cũng là nguồn phát sinh các loại khí nhà kính rất lớn gây biến đổi khí hậu.
Để có thể giảm lượng khí nhà kính phát sinh từ việc chôn lấp rác thải, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp về nâng cao nhận thức, chuyển đổi công nghệ trong quản lý, xử lý rác thải; đẩy mạnh chuyển hướng xử lý sang việc đẩy mạnh đầu tư cải tiến công nghệ xử rác bằng phương pháp đốt phát điện, ủ phân compost... giải pháp định giá phát thải carbon cũng mở ra nhiều hướng đi mới trong việc bảo vệ môi trường và yêu cầu các cơ sở sản xuất đầu tư giảm thiểu khí thải hoặc trả tiền để mua tín chỉ carbon.
Cùng với mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, công cụ định giá carbon còn góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư phát triển sạch cũng như huy động các khoản đầu tư tài chính cần thiết để đổi mới công nghệ, thúc đẩy động lực mới cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp. Tuy nhiên, việc lựa chọn công cụ định giá carbon phù hợp với điều kiện phát triển của mỗi quốc gia là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia, doanh nghiệp và cộng đồng.
Để định giá, hình thành và phát triển thị trường carbon, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính, cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng lĩnh vực; đánh giá, phân tích đầy đủ các tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế - xã hội và môi trường khi áp dụng công cụ định giá carbon, từ đó lựa chọn một giải pháp phù hợp nhất cho Việt Nam.