Đức
Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Annalena Baerbock, đánh giá tình hình ở Lebanon là “cực kỳ nguy hiểm” và cho biết khu vực Trung Đông rộng lớn đang có nguy cơ rơi vào "vòng xoáy bạo lực tuyệt đối".
"Tình hình hiện nay gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định trong khu vực cũng như sự ổn định của Lebanon và điều này không bao giờ phục vụ cho an ninh và lợi ích của Israel hay bất kỳ ai", bà cho biết trong một bài đăng trên X.
Pháp
Bộ Ngoại giao và các vấn đề châu Âu của Pháp cho biết họ đang liên hệ với chính quyền Lebanon để ngăn chặn tình hình trở nên leo thang hơn nữa. Trong khi đó, nhà lập pháp kỳ cựu, cựu Nghị sĩ châu Âu Jean-Luc Melenchon cho biết vụ ám sát thủ lĩnh Nasrallah "là một bước hướng tới cuộc xâm lược Lebanon và chiến tranh nói trên diện rộng".
“Thủ tướng Netanyahu sẽ tiếp tục các hành vi tội ác của mình vì chúng không bị trừng phạt. Điều này gây ra mối nguy hiểm cực độ đối với khu vực và thế giới", ông Melenchon viết trên nền tảng X.
Italy
Trong một tuyên bố ngắn, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani không đề cập trực tiếp đến vụ ám sát thủ lĩnh Nasrallah nhưng kêu gọi tất cả công dân Italy ở Lebanon rời khỏi đất nước này ngay lập tức.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả công dân Italy rời khỏi Lebanon càng sớm càng tốt, kể cả trên các chuyến bay theo lịch trình vẫn tiếp tục hoạt động từ sân bay Beirut đến Milan và Rome", ông phát biểu tại Cologne.
Ông cũng cho biết Israel đã bảo đảm an ninh cho hơn 1.200 binh lính Italy đồn trú tại miền nam Lebanon thuộc Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gồm 10.000 người.
Nga
Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ lên án mạnh mẽ vụ ám sát Nasrallah và kêu gọi Israel chấm dứt mọi hành động thù địch ở Lebanon. Tuyên bố cho biết: "Hành động mạnh mẽ này tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn đối với Lebanon và toàn bộ Trung Đông".
Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan lên án các cuộc tấn công của Israel vào Lebanon, cáo buộc đây là một phần của chính sách mà ông gọi là “diệt chủng, chiếm đóng và xâm lược”. Trong bài đăng trên X, ông Erdoğan kêu gọi thế giới Hồi giáo nên thể hiện lập trường "kiên quyết" hơn.
Liên Hợp Quốc
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông "đặc biệt quan ngại" về tình trạng mà ông gọi là "sự leo thang nghiêm trọng" ở Lebanon. "Chu kỳ bạo lực này phải chấm dứt ngay lập tức và tất cả các bên phải lùi lại khỏi bờ vực chiến tranh. Người dân Lebanon, người dân Israel, cũng như toàn bộ khu vực, không thể để xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện", một tuyên bố từ văn phòng của ông cho biết.
Hoa Kỳ
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết việc vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah “mang lại công lý cho những nạn nhân của nhân vật này, bao gồm hàng nghìn người Mỹ, người Israel và thường dân Lebanon".
Ông Biden tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với "quyền tự vệ của Israel Hezbollah, Hamas, Houthis” hay bất kỳ nhóm nào được Mỹ xếp vào danh sách khủng bố.
Israel
Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Israel đã "giải quyết xong vấn đề" ở Lebanon với vụ ám sát thủ lĩnh Nasrallah, gọi đây là "bước ngoặt lịch sử". "Chúng tôi đã giải quyết xong với kẻ chịu trách nhiệm cho vụ sát hại vô số người Israel và nhiều công dân của các quốc gia khác, bao gồm hàng trăm người Mỹ và hàng chục người Pháp", ông nói.
Iran
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết cái chết của Nasrallah "sẽ chỉ làm gia tăng sự phản kháng". Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố 5 ngày quốc tang và kêu gọi tất cả người Hồi giáo đứng lên chống lại Israel. Ông cũng cảnh báo cái chết của Nasrallah "chắc chắn sẽ không thể không báo thù".
Hamas
"Chúng tôi lên án mạnh mẽ nhất hành động xâm lược của Israel và việc nhắm mục tiêu vào các tòa nhà dân dân sự", nhóm Hamas cho biết trong một tuyên bố. "Chúng tôi xin tái khẳng định sự đoàn kết tuyệt đối và sát cánh cùng những người anh em Hezbollah và lực lượng kháng chiến Hồi giáo tại Lebanon”, tuyên bố có đoạn.