Nguồn: chaobuoisang.net |
Theo đại diện các nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam, hạ tầng và logistic hiện còn yếu sẽ cản trở việc mở rộng kinh doanh của các nhà đầu tư. Nghiên cứu của nhóm công tác cơ sở hạ tầng của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng, tiến độ nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm, ảnh hưởng đến việc luân chuyển hàng hóa. Trong khi đó, lưu lượng hàng hóa khu vực quanh địa bàn Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh tăng nhanh, do gần hệ thống cảng biển. Nhưng sự hạn chế về công suất, khả năng bốc dỡ hàng hóa, cầu cảng, dẫn đến việc các chủ tàu nước ngoài lợi dụng lạm thu một số loại phí vô lý đối với chủ hàng Việt Nam.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, những năm gần đây, cùng với vốn huy động ngoài ngân sách, mỗi năm Việt Nam chi từ 2 - 3 tỷ USD để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt, cảng biển, giao thông đường bộ. Phía Bắc thì tập trung đường cao tốc nối Hà Nội với các tỉnh Hải Phòng, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh và sẽ hoàn thành vào năm 2015. Phía Nam thì hoàn thiện đường cao tốc bắc Nam, đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Bà Rịa - vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ... Về cảng biển, Chính phủ đã phê duyệt 6 nhóm cảng biển. Nhóm 1, nhóm 2 tập trung ở các tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh, tương lai có công suất đáp ứng 200 - 300 triệu tấn hàng/năm. Miền Trung thì tập trung vào Cảng Vân Phong, Khánh Hòa và Dung Quất, Quảng Ngãi, chủ yếu phục vụ cảng container, cũng có công suất 300 triệu tấn/năm…
Trong phát triển cơ sở hạ tầng, vấn đề nước ta gặp phải chính là thiếu vốn. Các tổ chức quốc tế ước tính, số vốn mà Việt Nam cần để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng 10 năm tới là 160 tỷ USD để đầu tư cho đường bộ, đường sắt, cảng biển, nhà máy điện, viễn thông, cấp nước và xử lý chất thải. Gợi ý của các tổ chức quốc tế là ngân sách Nhà nước tập trung một phần giải phóng mặt bằng và tư vấn, còn huy động vốn bằng nhiều hình thức như: trái phiếu Chính phủ, vay thương mại của các tổ chức tín dụng thế giới, vay ODA, thúc đẩy nhanh hình thức hợp tác công – tư (PPP). Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Chính phủ đã có Quyết định số 71/2010 về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu triển khai. Bộ đang nghiên cứu thí điểm một số dự án theo mô hình này, và trên cơ sở đó, cùng tham khảo ý kiến của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, sẽ hoàn thiện cơ chế hợp tác công – tư.
Một nút thắt khác trong vấn đề cơ sở hạ tầng là năng lượng, đó là thiếu điện, tiến độ các dự án điện còn chậm. Từ ngày 1.7 tới, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ đi vào hoạt động, nhưng điểm mà các nhà đầu tư quan ngại là đơn vị kinh doanh điện lại trực thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam, nên khó tránh khỏi độc quyền. Do đó, đề xuất của các nhà đầu tư là tách đơn vị kinh doanh điện này ra khỏi Tập đoàn điện lực để có sự độc lập hơn.
Theo đại diện Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, áp lực thiếu điện năm 2011 không còn khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho các nhà máy thủy điện, nhiều dự án điện sắp đi vào vận hành, trong đó dự án Thủy điện Sơn La đã hoạt động sớm hơn dự kiến, cung cấp lượng điện không nhỏ cho nền kinh tế. Theo tổng sơ đồ điện 6, hiện đang triển khai 11 dự án sản xuất điện lớn, trong đó có 10 dự án nhiệt điện than, 1 dự án điện khí.
Sau khi triển khai thành công hai dự án điện lớn theo hình thức BOT là dự án Phú Mỹ 2-2 và Phú Mỹ 2-3, thì hiện giờ đã có thể đưa vào 3 dự án BOT chạy than khác, với tổng công suất là 3.600 MW. Dự án thứ nhất được ký kết hợp đồng BOT là Dự án nhiệt điện Mông Dương 2, và theo báo cáo của nhà đầu tư thì tháng 6.2011 sẽ đóng tài chính, và tháng 7 tới sẽ khởi công. Dự án khác là Nhà máy điện BOT Hải Dương 1.200 MW, nhà đầu tư Malaysia, hiện đã hoàn tất hợp đồng và nhà đầu tư đã gửi hồ sơ xin cấp giấy phép tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự án thứ ba là Vĩnh Tân 1, cũng theo hình thức BOT, công suất 1.200 MW dự kiến sẽ ký kết hợp đồng với nhà đầu tư trong năm nay…
Chính phủ đã lắng nghe những vấn đề quan tâm của các nhà đầu tư và đang có những biện pháp tháo gỡ. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, một thách thức nữa đối với Chính phủ là vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng. Đây cũng là nội dung được bàn thảo tại Diễn đàn doanh nghiệp diễn ra cách đây ít hôm, và kết quả sẽ được thông báo tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ cho Việt Nam tại Hà Tĩnh diễn ra vào ngày 9.6.