Hai vụ phát nổ đồng loạt trong hai ngày liên tiếp
Vào ngày 17.9, khoảng 3.000 máy nhắn tin được hàng trăm thành viên Hezbollah sử dụng đã phát nổ gần như cùng lúc ở một số vùng của Lebanon cũng như Syria. Cuộc tấn công đã khiến ít nhất 12 người, bao gồm hai trẻ nhỏ thiệt mạng và khiến hơn 3.000 người bị thương, trong đó có nhiều người bị thương nặng như tổn thương vĩnh viễn mắt hoặc bị cụt chân tay.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Israel đã thông báo cho Hoa Kỳ về sự việc này, và việc một lượng nhỏ chất nổ được giấu trong máy nhắn tin đã được kích nổ. Chính phủ Lebanon và Hezbollah do Iran hậu thuẫn cũng đổ lỗi cho Israel về các vụ nổ chết người.
Chỉ một ngày sau những vụ nổ chết người này, làn sóng tấn công thứ hai nhắm vào một quốc gia vẫn còn đang choáng váng vì vụ nổ máy nhắn tin hôm trước. Cuộc tấn công dường như nhắm vào các thành viên phong trào Hezbollah, nhưng nhiều người dân thương vong cũng được báo cáo, bao gồm cả các địa điểm công cộng như cửa hàng tạp hóa và quán cà phê. Một số vụ nổ xảy ra tại chính đám tang của các thành viên Hezbollah và đứa trẻ thiệt mạng trong vụ nổ hôm trước, theo phóng viên của Associated Press có mặt tại hiện trường.
Bộ Y tế cho biết ít nhất 20 người đã thiệt mạng và 450 người khác bị thương trong làn sóng tấn công thứ hai này.
Cho đến nay, quân đội Israel vẫn từ chối bình luận về những cáo buộc. Trong một bài phát biểu trước quân đội hôm 18.9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant không đề cập đến vụ nổ thiết bị điện tử, nhưng ca ngợi công việc của quân đội và các cơ quan an ninh Israel và nói rằng "chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một thời kỳ mới trong cuộc chiến".
Công ty ICOM phủ nhận liên quan
Liên quan đến loạt máy bộ đàm phát nổ ngày 18.9, công ty ICOM của Nhật Bản đã cấp tốc mở cuộc điều tra ngay sau khi hình ảnh các máy bộ đàm phát nổ có nhãn hiệu ghi dòng chữ "ICOM" và "sản xuất tại Nhật Bản".
Tuy nhiên, giám đốc bán hàng tại công ty con của ICOM tại Hoa Kỳ Ray Novak đã nói với The Associated Press rằng các thiết bị vô tuyến phát nổ ở Lebanon có vẻ là sản phẩm nhái và không phải do ICOM sản xuất. “Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng đó không phải là sản phẩm của chúng tôi”, Ray Novakcho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 18.9 tại một hội chợ thương mại ở Providence, Rhode Island. Ông Novak cho biết ICOM đã giới thiệu mẫu V-82 cách đây hơn hai thập kỷ và đã ngừng sản xuất từ lâu. Mẫu này được thiết kế cho các nhà điều hành đài phát thanh nghiệp dư và sử dụng trong các tình huống khẩn cấp, chẳng hạn như thiên tai, bão lũ.
Những kẻ tấn công đã làm như thế nào?
Elijah J. Magnier, một cựu chiến binh tại Brussels và là một nhà phân tích rủi ro chính trị cấp cao, người cho biết ông đã trò chuyện với các thành viên của Hezbollah và những người sống sót sau vụ tấn công, cho biết loại máy nhắn tin mới hơn được sử dụng trong vụ nổ đầu tiên đã được mua cách đây hơn sáu tháng. Làm thế nào chúng đến được Lebanon vẫn chưa rõ ràng.
Một số chuyên gia nhận định, các thiết bị phát nổ trong ngày đầu tiên có thể đã bị can thiệp từ chuỗi cung ứng. Họ lưu ý rằng các một lượng chất nổ và thiết bị nổ tinh vi có thể đã được tích hợp vào máy nhắn tin trước khi chúng được chuyển đến Hezbollah, và sau đó tất cả đều được kích hoạt từ xa cùng một lúc, có thể bằng tín hiệu vô tuyến. Điều đó xác nhận thông tin được chia sẻ từ quan chức Hoa Kỳ.
Một cựu sĩ quan xử lý bom của Quân đội Anh giải thích: thông thường, một thiết bị nổ bao gồm 5 thành phần chính gồm một hộp chứa, một cục pin, một thiết bị kích nổ, một kíp nổ và một lượng thuốc nổ. Và một máy nhắn tin đã có sẵn 3 trong số 5 thành phần này. Những người tiến hành vụ tấn công chỉ cần cài thêm kíp nổ và thuốc nổ.
Trong khi đó, chi tiết cụ thể về vụ nổ ngày 18.9 vẫn chưa chắc chắn. Nhưng cả hai sự việc cho thấy, đã có sự can thiệp của nước ngoài và gài thiết bị nổ vào chuỗi cung ứng của Lebanon.
Kế hoạch này sẽ cần thời gian bao lâu?
Các chuyên gia được AP phỏng vấn cho rằng, sẽ mất rất nhiều thời gian để lên kế hoạch cho một cuộc tấn công ở quy mô như vậy. Chi tiết cụ thể vẫn chưa được biết, nhưng các chuyên gia đã trao đổi với AP về vụ nổ hôm 17.9 ước tính vụ việc có thể đã được sắp đặt trong khoảng từ vài tháng đến hai năm.
Sự tinh vi của cuộc tấn công cho thấy thủ phạm đã thu thập thông tin tình báo trong một thời gian dài, Nicholas Reese, giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm Các vấn đề Toàn cầu thuộc Khoa Nghiên cứu Chuyên nghiệp của Đại học New York giải thích. Một cuộc tấn công ở tầm cỡ này đòi hỏi phải xây dựng các mối quan hệ cần thiết để có thể tiếp cận vật lý với máy nhắn tin trước khi chúng được bán; phát triển công nghệ sẽ được nhúng vào các thiết bị; và phát triển các nguồn có thể xác nhận rằng các mục tiêu đang mang theo máy nhắn tin.
Hezbollah hiện đang điều tra loại chất nổ nào được sử dụng trong thiết bị, nghi ngờ là RDX hoặc PETN, những vật liệu nổ mạnh có thể gây ra thiệt hại đáng kể chỉ với 3-5 gram. Họ cũng đang đặt câu hỏi liệu thiết bị này có hệ thống GPS cho phép Israel theo dõi hành tung của các thành viên trong nhóm hay không.
NR Jenzen-Jones, một chuyên gia về vũ khí quân sự, giám đốc của Dịch vụ nghiên cứu vũ khí có trụ sở tại Australia, cho biết thêm rằng "một hoạt động quy mô lớn như vậy cũng đặt ra câu hỏi về mục tiêu" - nhấn mạnh đến số lượng thương vong và tác động to lớn được báo cáo cho đến nay. Ông nói: "Bên tiến hành vụ nổ liệu có thể chắc chắn rằng những đối tượng dân sự như trẻ nhỏ đang không nghịch máy nhắn tin khi vụ nổ được kích hoạt hay không?".