Chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định mục tiêu cao hơn với chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế của tỉnh, tạo nền tảng vững chắc để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững. Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho thấy, công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn luôn nằm trong tốp đầu cả nước; chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được nâng cao, cơ bản bảo đảm quy mô, cơ cấu, gắn với chuẩn đầu ra, thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động.

Theo đánh giá của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, chất lượng, năng suất lao động khu vực công giai đoạn 2021 - 2024 đã có chuyển biến rõ rệt so với các giai đoạn trước, được thể hiện thông qua kết quả đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ công chức, viên chức hằng năm, đặc biệt là thông qua thứ hạng của tỉnh Thanh Hóa về các chỉ số: năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, cải cách hành chính, mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Cùng với đó, khu vực tư, giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 252.240 lượt lao động, bình quân mỗi năm khoảng trên 63.000 lao động được giải quyết việc làm. Có khoảng 400.000 lao động đang làm việc ở tỉnh ngoài và 40.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Để có được kết quả trên, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Minh chứng là tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề của tỉnh khoảng 30% tổng chi ngân sách địa phương. Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao từ ngân sách nhà nước trên 665 tỷ đồng. Bên cạnh chính sách chung, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách riêng thu hút, đào tạo, tuyển dụng nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, đặc biệt là y tế; ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học; thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020; một số địa phương mặc dù thiếu giáo viên nhưng kiên quyết không tuyển những trường hợp không bảo đảm chất lượng.
Cần chính sách đặc thù tuyển dụng, sử dụng nhân lực
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa chỉ rõ, công tác phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt là các huyện miền núi gặp khó khăn trong thu hút nhân tài; tỷ lệ phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chưa đạt mục tiêu; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục hướng nghiệp còn thiếu cả số lượng và chất lượng. Cùng với đó, công tác tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn tuyển dụng và đồng thời phải thực hiện chỉ tiêu giảm 10% biên chế theo quy định. Chất lượng đội ngũ giáo viên ở các vùng miền không đồng đều. Các địa phương thiếu nguồn kinh phí để chi trả chế độ cho giáo viên dạy liên trường, dạy tăng tiết...
Trước những khó khăn, thách thức đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, Quốc hội xem xét, ban hành cơ chế chính sách ưu tiên, đặc thù trong tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng là người dân tộc thiểu số, người ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy biên chế của tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần sớm cân đối, bố trí kinh phí và giao dự toán để địa phương triển khai thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để giải quyết một số bất cập, tồn tại, hạn chế trong đào tạo mới nguồn nhân lực làm giáo viên và đào tạo lại giáo viên bảo đảm có trình độ đạt chuẩn theo quy định.
Với mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng cần được quan tâm. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mai Văn Hải cho rằng, HĐND tỉnh cần xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 186/2021/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý Trường THPT Chuyên Lam Sơn và các trường THPT trên địa bàn theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách bao gồm cả một số trường THCS trọng điểm để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ bậc THCS.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cách mạng Công nghiệp 4.0; nghiên cứu, rà soát đánh giá cụ thể nhu cầu giáo viên các môn học, kể cả giáo viên dạy nghề có nhiều khó khăn trong tuyển dụng để có kế hoạch đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo của tỉnh thực hiện đào tạo để tạo nguồn tuyển dụng, bố trí nhân lực trong thời gian tới.