Kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận trong Văn kiện Đại hội VI năm 1986 của Đảng. Và cũng từ đây, nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân dần được thay đổi cùng với quá trình hình thành, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn 1986 - 1999, kinh tế tư nhân được coi là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế nhiều thành phần. Và đến giai đoạn 2000 - 2015, kinh tế tư nhân được khẳng định là thành phần quan trọng lâu dài, trở thành động lực phát triển kinh tế và được tập trung phát triển mạnh, được xác định là động lực quan trọng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn từ 2016.
Với những “nền tảng” đặc biệt quan trọng này, hiện kinh tế tư nhân đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế. Cụ thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.
Dù vậy, lực lượng nòng cốt này lại hầu hết có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp. Năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh chưa cao; tư duy kinh doanh mang tính thời vụ, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ. Thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập; quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản chưa được bảo đảm đầy đủ. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, nhất là về vốn, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao.
Lý do nữa khiến kinh tế tư nhân “chậm lớn”, như ý kiến của một chuyên gia đó là thủ tục đăng ký doanh nghiệp chính thức quá khắt khe, gồm cả chi phí thời gian và công sức. Các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp vì phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ, như quy trình bán, cho thuê tài sản; thủ tục phá sản. Mặt khác, Luật Quản lý thuế hiện hành quy định hình thức thuế khoán - khá phù hợp với hộ kinh doanh. Các yêu cầu về chế độ kế toán, báo cáo thuế cũng ít khắt khe hơn, giúp việc tuân thủ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ không còn được hưởng những lợi thế này, đồng nghĩa với chi phí tuân thủ sẽ cao hơn, thậm chí vượt quá khả năng.
Những rào cản khiến kinh tế tư nhân, trong đó có các hộ kinh doanh cá thể chậm, không muốn, thậm chí không dám “lớn” đã được nhận diện đầy đủ và rõ ràng. Cho nên, như ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ hai, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân thì phải có đột phá mạnh mẽ hơn nữa, với tư duy vượt qua giới hạn của chính mình, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn chính xác những "đòn bẩy, điểm tựa", có tính khả thi, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân.
Ngoài ra, phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền sở hữu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, giải quyết các vấn đề kinh tế bằng biện pháp kinh tế. Đặc biệt, phải tạo động lực, truyền cảm hứng; đặt niềm tin và kỳ vọng vào kinh tế tư nhân. Có như vậy, kinh tế tư nhân mới có thể thực hiện được sứ mệnh của mình - lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới và là động lực dẫn dắt nền kinh tế.