
Là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, do đó trong suốt thời gian qua, chúng ta đã có nhiều chính sách để phát triển đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2001 - 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021 - 2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Với chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã có tác động rất lớn đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ. Qua đó, góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn.
Mặc dù, nông nghiệp là lĩnh vực đóng góp rất quan trọng của nền kinh tế, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động phát triển của hợp tác xã nông nghiệp đa số có quy mô nhỏ, hiệu quả thấp và sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đây là một con số còn rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta. Điều này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
Thực tế này đòi hỏi, chúng ta cần tiếp tục có những chính sách để thúc đẩy nền nông nghiệp hàng hóa, trong đó có chính sách miễn thuế SDĐNN đối với các tổ chức trực tiếp SDĐNN để sản xuất nông nghiệp. Đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp cũng cần được tiếp tục có chính sách ưu đãi miễn thuế SDĐNN cho giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng, việc miễn thuế SDĐNN sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN. Tuy nhiên, nguồn thu từ thuế SDĐNN rất nhỏ, chỉ mang tính chất bù đắp một phần nhỏ để hỗ trợ chính quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp. Đơn cử, theo tính toán, số thu này chỉ chiếm khoảng 0,00057% tổng thu NSNN năm 2023. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, thì chính sách miễn thuế SDĐNN là giải pháp quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giảm bớt khó khăn cho nông dân, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững và phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31.12.2030.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành đến hết ngày 31.12.2030 thì số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu ngân sách, bởi đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.
Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN là tiếp tục hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó giúp tạo việc làm cho người nông dân, cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững. Đồng thời, thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển KT - XH 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp.
Một chính sách vừa có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế, vừa giải quyết được vấn đề an sinh xã hội, do đó, cử tri, đặc biệt là người nông dân rất chờ đợi về việc tiếp tục được miễn thuế SDĐNN trong thời gian tới.