
Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri về dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp thứ Chín dự kiến khai mạc ngày 5.5 và bế mạc sáng 28.6.2025, họp tập trung tại Nhà Quốc hội, chia làm hai đợt. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; thông qua 30 dự án luật, 7 nghị quyết; cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; đồng thời, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác giám sát tối cao.

Tại hội nghị, nhiều vấn đề dân sinh tiếp tục được cử tri quan tâm và phản ánh kiến nghị. Cử tri kiến nghị tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, bảo đảm an toàn giao thông; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; triển khai hiệu quả chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt đối với thanh niên dân tộc thiểu số; có giải pháp kiểm soát việc sử dụng máy cày không bảo đảm các thiết bị an toàn kỹ thuật - tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Liên quan đến công tác sắp xếp đơn vị hành chính, cử tri đánh giá cao chủ trương tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và việc kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là về chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách.

Cử tri đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể như: bố trí công việc mới trong hệ thống chính trị; hỗ trợ tài chính, bảo hiểm xã hội; tổ chức đào tạo chuyển đổi nghề sau sắp xếp.
Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, yêu cầu xây dựng lộ trình phù hợp, tránh việc cắt giảm mang tính cơ học gây xáo trộn tâm lý cán bộ, người dân. Đồng thời, cần ban hành chế tài và hướng dẫn cụ thể bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong điều chuyển cán bộ.

Đối với lĩnh vực giáo dục, cử tri phản ánh một số khó khăn trong triển khai môn Ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể, dù được phép tổ chức dạy học tự chọn từ lớp 1, lớp 2, nhưng hiện nay nhiều địa phương gặp vướng mắc do thiếu giáo viên đạt chuẩn, cơ sở vật chất và kinh phí hỗ trợ. Trong khi đó, nhu cầu cho trẻ tiếp cận ngoại ngữ sớm là chính đáng và phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và UBND huyện Cư M’gar trực tiếp tiếp thu, giải trình. Nhiều nội dung đã được làm rõ ngay tại buổi tiếp xúc, cơ bản đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt đã ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri; đồng thời trực tiếp trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm.
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các sở, ngành, chính quyền địa phương nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương rà soát, kiểm tra và giải quyết dứt điểm các kiến nghị thuộc thẩm quyền, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ, kịp thời chuyển đến Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương để xem xét, giải quyết trong kỳ họp sắp tới.