
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đặc biệt là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021 - 2030), đang gặp không ít trở ngại.

Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tấn Thành, cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao tổng vốn thực hiện chương trình là khoảng 2.052 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh mới được phân bổ gần 1.863 tỷ đồng, đạt khoảng 91% kế hoạch, còn thiếu khoảng 189 tỷ đồng. Đặc biệt, đến thời điểm này, địa phương vẫn chưa được giao dự toán kinh phí sự nghiệp và chỉ tiêu vốn tín dụng ưu đãi năm 2025 theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn đối ứng để tổ chức triển khai đồng bộ các nội dung chương trình.
“Trong hai năm trước, Trung ương giao vốn khá kịp thời, nhưng năm 2025 đến nay vẫn chưa có thông báo. Việc chậm giao vốn khiến địa phương bị động trong sắp xếp, cân đối ngân sách và chưa thể khởi động sớm kế hoạch thực hiện chương trình”, Phó Giám đốc Sở Tài chính nêu rõ.

Cũng tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đại biểu chỉ ra những bất cập trong thực thi chính sách, nhất là các quy định pháp luật có liên quan đến tổ chức bộ máy và quản lý hành chính. Đại biểu phản ánh tình trạng một số luật như Luật Tòa án nhân dân, Luật Thi hành án dân sự, Luật Đất đai... khi triển khai vào thực tiễn còn gặp lúng túng do hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho cơ sở và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk Trịnh Văn Toàn nêu thực tế, phần lớn các vụ án hành chính hiện nay đều liên quan đến các dự án phát triển tại địa phương, trong đó người bị kiện chủ yếu là UBND cấp huyện. Tuy nhiên, do đang trong quá trình sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, nhiều UBND cấp huyện không cử đại diện tham gia tố tụng, không cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định, gây khó khăn cho quá trình xét xử.
“UBND cấp huyện có thể không còn hoạt động trong thời gian tới, vậy ai là người kế thừa tham gia tố tụng? Đây là vấn đề rất vướng và cần có hướng dẫn cụ thể”, ông Toàn kiến nghị.
Về lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, các đại biểu phản ánh tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai, đặc biệt là trong quy định liên quan đến thuê rừng, định giá rừng và thẩm quyền phê duyệt. Nhiều quy trình thủ tục như ký hợp đồng thuê rừng, xác định giá cây đứng, tổ chức đấu giá thuê rừng… đến nay vẫn chưa thể triển khai do thiếu văn bản hướng dẫn. Một số khó khăn cũng được nêu ra trong việc chấm dứt hợp đồng dự án phát triển nhà ở, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng như chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn của địa phương. Những ý kiến của các đại biểu tại hội nghị sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp và chuyển đến các sở, ngành, đơn vị, các cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; đồng thời phản ánh đến Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương trong kỳ họp tới. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong phân bổ nguồn lực và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần bảo đảm hiệu quả đầu tư công và an sinh xã hội trên địa bàn.