Tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28.2.2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao Đảng ủy Quốc hội chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Đảng ủy Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Đảng ủy Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tại cuộc họp mới đây của Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Đề án rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Tính chất, nội dung công việc hệ trọng, khối lượng công việc rất lớn, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, gắn với chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”.
Quả đúng như vậy! Tinh gọn bộ máy không đơn thuần là giảm đầu mối, tinh giản biên chế, mà là tổ chức lại một cách khoa học, hiệu quả các thiết chế quyền lực, nhằm nâng cao năng lực quản trị quốc gia, phục vụ tốt hơn lợi ích của Nhân dân. Sửa đổi Hiến pháp cũng không chỉ nhằm làm rõ mô hình tổ chức bộ máy, mà còn nhằm thiết lập một nền tảng pháp lý ổn định, thống nhất cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước sau này - bao gồm Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Và như Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đặc biệt nhấn mạnh: “Yêu cầu phải thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học và hiệu quả, đòi hỏi quy trình, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, trên cơ sở tính đổi mới, tư duy đột phá”. Đây chính là nguyên tắc phương pháp luận cốt lõi, chi phối toàn bộ quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này. Sửa đổi Hiến pháp là một quá trình đặc biệt hệ trọng, cần được tiến hành một cách khoa học, công phu, thận trọng và dựa trên sự đồng thuận cao trong xã hội. Mỗi điều khoản sửa đổi không chỉ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và tiến trình phát triển lâu dài của đất nước, mà còn phải đặt trong tổng thể các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định chính trị, vững vàng thể chế và củng cố niềm tin xã hội.
Sửa đổi Hiến pháp đòi hỏi không chỉ sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền, mà còn cần huy động trí tuệ của toàn xã hội. Việc lấy ý kiến Nhân dân về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ được triển khai trong vòng 1 tháng, dự kiến vào tháng 5 - 6.2025. Đây không chỉ là một quy trình kỹ thuật, mà là biểu hiện sinh động của tinh thần dân chủ, thượng tôn Hiến pháp, thể hiện rõ vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc kiến tạo thiết chế quyền lực nhà nước. Đồng thời, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giàu kinh nghiệm sẽ bảo đảm tính khoa học, khách quan và phù hợp với thông lệ quốc tế trong quá trình sửa đổi. Điều này càng có ý nghĩa khi Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện đại, chủ động hội nhập và nâng cao vị thế quốc gia.
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để phục vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ mang tính lịch sử, phản ánh quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Quốc hội và cả hệ thống chính trị trong công cuộc cải cách lần này. Sự thành công của quá trình sửa đổi Hiến pháp sẽ là tiền đề pháp lý và chính trị quan trọng, tạo đà cho những bước chuyển lớn về thể chế, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước nhanh, bền vững, dân chủ và phồn vinh.