
Gánh nặng vượt dự toán và bài toán nguồn lực
Tại hội nghị, sau khi thông tin đến cử tri về nội dung Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã trực tiếp lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri về những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế.
Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là tình trạng vượt dự toán chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đại diện Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, năm 2023 đơn vị đã vượt dự toán khoảng 32 tỷ đồng, năm 2024 dự kiến vượt thêm 21 - 22 tỷ đồng, nâng tổng số lên gần 54 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, gây áp lực không nhỏ đến việc bảo đảm thuốc men, vật tư y tế và chi trả chế độ cho cán bộ, nhân viên.

Mặc dù việc vượt dự toán đã được các cơ quan chuyên môn xác định do nguyên nhân khách quan, được giải trình đầy đủ, song quy trình xử lý lại quá phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tính chủ động trong vận hành của các cơ sở y tế. Việc phải chờ nhiều cấp phê duyệt khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng “giật gấu vá vai”, thậm chí phải vay mượn để duy trì hoạt động tối thiểu.

Trước thực tế này, các cơ sở y tế kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, rút ngắn quy trình xử lý thanh toán phần vượt dự toán, hoặc cho phép tạm ứng kinh phí khi đã có xác nhận của các cơ quan liên ngành cấp tỉnh. Đây không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là yêu cầu cấp thiết để hoạt động khám chữa bệnh không bị gián đoạn.
Cần chính sách đột phá
Cùng với áp lực tài chính, nhiều cơ sở y tế đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt bác sĩ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Đại diện Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk chia sẻ thực tế, đơn vị hiện có 100 nhân viên, nhưng chỉ có 14 bác sĩ, trong đó 4 người chưa đủ điều kiện khám chữa bệnh độc lập. Thời gian đào tạo bác sĩ kéo dài tới 4 - 5 năm, trong khi không ít người rời bỏ đơn vị ngay sau khi hoàn thành cam kết, dù đã nhận hỗ trợ từ ngân sách địa phương.

Trước thực trạng đó, các đại biểu đề xuất cần điều chỉnh chính sách đãi ngộ theo hướng bền vững, linh hoạt, gắn trách nhiệm và quyền lợi lâu dài. Một số kiến nghị cụ thể gồm: phân bổ phụ cấp hàng tháng thay vì chi trả một lần; kéo dài thời gian ràng buộc phục vụ; tạo điều kiện về nhà ở, đời sống cho cán bộ y tế vùng khó khăn...

Vấn đề đầu tư trang thiết bị cũng được cử tri nêu bật, đặc biệt là các thiết bị phục vụ kỹ thuật cao như máy chạy thận, máy chụp CT, MRI… Do vướng mắc trong cơ chế đấu thầu, nhiều bệnh viện dù có nhu cầu và nguồn thu cũng không thể triển khai mua sắm kịp thời. Đặc biệt, các loại vật tư có giá thành thấp, nhu cầu ít lại càng khó được nhà thầu quan tâm, gây ảnh hưởng đến công tác cấp cứu và điều trị chuyên sâu.

Cùng với đó là những bất cập trong tổ chức hệ thống y tế cơ sở, nhất là khi triển khai mô hình chính quyền hai cấp tại các địa phương. Ngành y tế Đắk Lắk kiến nghị trong quá trình sửa đổi quy định về tổ chức chính quyền địa phương, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của y tế tuyến xã, tuyến huyện để tránh chồng chéo, đứt đoạn trong chỉ đạo và quản lý.
Một nội dung khác cũng được cử tri ngành y tế quan tâm là việc kết nối, bảo mật và đồng bộ dữ liệu y tế với hệ thống định danh cá nhân. Các cơ sở y tế cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội để bảo đảm tính chính xác, liên thông trong quản lý và phục vụ người dân hiệu quả hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu Nguyệt ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả mà ngành Y tế tỉnh đạt được trong thời gian qua; đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà đội ngũ y, bác sĩ đang phải đối mặt. Đồng chí đề nghị ngành y tế tiếp tục quan tâm, kịp thời động viên cán bộ, nhân viên y tế, nhất là những người đang công tác tại các bệnh viện chuyên sâu, đặc thù, để yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề. Cùng với đó, cần phát huy cao độ tinh thần chủ động, trách nhiệm và bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Toàn bộ ý kiến, kiến nghị tại hội nghị sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định; đồng thời, phản ánh tới Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương trong kỳ họp tới.