Theo Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) Nguyễn Xuân Khang, hầu hết các trường học hiện nay đều đi đúng theo chủ trương, phương hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đã có phòng hoặc tổ tư vấn tâm lý cho học sinh, tuy nhiên chủ yếu đều là giáo viên kiêm nhiệm với vai trò tư vấn tâm lý. “Điều bất cập ở đây chính là, nếu ai cũng có thể làm các công việc như nhau thì cần gì phải phân chia thành ngành tâm lý, ngành sư phạm…, phải đào tạo 4 năm đại học để lấy tấm bằng đúng chuyên ngành?” - ông Nguyễn Xuân Khang đặt câu hỏi.
Năm 2018, trường Marie Curie đã thành lập Phòng tham vấn học đường, với đội ngũ 5 nhân viên. Kế thừa và phát huy các mô hình phòng tham vấn trên thế giới, đồng thời hiểu rõ về tình hình thực tế môi trường giáo dục tại Việt Nam, Phòng Tham vấn học đường trường Marie Curie được xây dựng và vận hành theo nguyên tắc 3C, viết tắt của ba chữ: “Chuyên môn - Chuyên nghiệp - Chuyên trách”.
Chuyên môn là đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chuyên gia phải được đào tạo chuyên sâu để thực hiện các công việc theo chức năng của Phòng tham vấn học đường. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn, cán bộ tham vấn cần đáp ứng các kỹ năng mềm như: Kỹ năng lắng nghe, kỹ năng quan sát, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng diễn thuyết trước đám đông, kỹ năng ghi nhớ... Đồng thời, cần có kỹ thuật làm chủ cảm xúc, quản lý thời gian và kỹ năng phát triển vấn đề để có thể xác định được đúng vấn đề của học sinh.
Chuyên nghiệp là các hoạt động của phòng từ hoạt động phòng ngừa (giảm thiểu những rủi ro về sức khoẻ tinh thần có thể ảnh hưởng đến học sinh) đến hoạt động tham vấn đều được phân công phù hợp và xác định đối tượng rõ ràng trong quá trình hỗ trợ. Tất cả mỗi thành viên phai đảm bảo đúng quy trình và đạo đức nghề nghiệp. Kết quả tham vấn được thể hiện trên các mẫu biểu đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện.
Chuyên trách là người được tuyển dụng, để đảm nhiệm công việc thường xuyên, chỉ làm và chỉ chịu trách nhiệm theo phạm vi công việc được giao.
Ông Nguyễn Xuân Khang cho biết, “sau hơn 2 năm hoạt động, chúng tôi đã hỗ trợ được gần 2.000 học sinh và phụ huynh với khoảng 10.000 lượt tham vấn. Mộthọc sinh/ phụ huynh không chỉ cần một lần hỗ trợ về mối quan hệ mà thường sẽ cần trung bình 5 lần khi họ có khó khăn về tâm lý”.
Học sinh có nhiều tâm tư, cần sự thấu hiểu, điều này từ phía giáo viên trên lớp là chưa đủ. Cụ thể các nhóm vấn đề trong hơn 2 năm vận hành Phòng tham vấn học đường tại trường Marie Curie được thống kê dưới biểu đồ sau:
“Nhìn lại chặng đường hơn 2 năm qua, cá nhân tôi nhận thấy, mô hình này thực sự rất hiệu quả và đáng nhân rộng. Sự chuyên môn - chuyên trách - chuyên nghiệp của Phòng Tham vấn học đường không chỉ mang lại sự tin tưởng với riêng học sinh, phụ huynh, mà đối với cả giáo viên, cán bộ công nhân viên trong nhà trường cũng tìm đến để được hỗ trợ”, ông Nguyễn Xuân Khang khẳng định.
Từ thành công trong việc xây dựng mô hình tham vấn học đờng tại trường Marie Curie và rộng hơn là một số trường công lập, tư thục khác đã áp dụng, dù là một minh chứng rất nhỏ trong việc giải quyết các mối quan hệ trong nhà trường - một bộ phận quan trọng của văn hóa học đường, ông Nguyễn Xuân Khang khuyến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu triển khai mô hình này tại những trường học có đủ điều kiện hoặc theo hướng xã hội hóa để góp một phần vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.