Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định các bị can có dấu hiệu tội phạm sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng, theo quy định tại điều 193 và điều 198 Bộ luật Hình sự.
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trên các trang cộng đồng, không ít người bày tỏ sự hoang mang, thất vọng và nuối tiếc trước thông tin này, bởi những người liên quan trong vụ việc trên, đặc biệt là Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) vốn có tầm ảnh hưởng, có lượng người hâm mộ ủng hộ đông đảo.
Quang Linh từng là một trong những hiện tượng mạng tích cực của giới trẻ Việt, khi đã thực hiện nhiều dự án cộng đồng, giúp cải thiện đời sống người dân địa phương tại Angola và quê nhà Việt Nam. Anh sở hữu nhiều tài khoản mạng xã hội với hàng triệu người theo dõi, riêng trang Facebook có hơn 2 triệu người theo dõi. Mỗi bài đăng của anh thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác, bình luận. Với những thành tựu đạt được, anh được Đại hội hiệp thương cử tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Từ cuối năm 2023, Quang Linh về nước và chuyển hướng sang kinh doanh, thường xuyên livestream bán hàng. Quang Linh là thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, trực tiếp livestream để quảng cáo, bán sản phẩm kẹo rau củ Kera trên các nền tảng mạng xã hội.


Trên thực tế, không riêng vụ việc của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục, trước nay cũng có không ít trường hợp người của công chúng hay cá nhân có tầm ảnh hưởng rơi vào “tai tiếng” với hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm hay các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Khi đạt được lợi ích quá nhiều, quá nhanh, quá dễ cũng khiến họ dễ dàng hạ thấp các chuẩn mực, các giá trị cốt lõi
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, trong kỷ nguyên của công nghệ số, nền kinh tế vận hành bởi sự chú ý đã trở nên phổ biến. Một khi sự chú ý của cộng đồng trở thành nguồn vốn quý giá, có thể tạo ra lợi nhuận thực tế cho các doanh nghiệp, nhu cầu cho một nghề mới sẽ được sinh ra - đó là nghề sáng tạo nội dung.
Những “người của công chúng”, những cá nhân có tầm ảnh hưởng (Influencer), KOLs, KOCs đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt với nhau trên thị trường tranh giành sự chú ý của cộng đồng.
“Trước cám dỗ vật chất; trước áp lực KPI số lượt xem, mua hàng, kỳ vọng ảo tưởng về danh vọng, tài năng, vị thế của mình trên mạng xã hội đang khiến cho nhiều người trẻ lạc đường và sa ngã”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.

PGS.TS Trần Thành Nam phân tích, trên thực tế, nhiều bằng chứng đã khẳng định mối liên hệ giữa sự xuất hiện của những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên livestream với hành vi mua hàng bốc đồng, mua hàng để ủng hộ, mua vì cảm xúc thay vì mua hàng để sử dụng. Chính vì vậy, những người nổi tiếng và Influencer thường nhận được nhiều lợi ích vật chất và danh vọng từ những thương hiệu để giúp họ bán hàng.
Khi đạt được lợi ích quá nhiều, quá nhanh, quá dễ cũng khiến họ dễ dàng hạ thấp các chuẩn mực, các giá trị cốt lõi, dễ thỏa hiệp với cái sai, sáng tạo ra rất nhiều chiêu trò để thu hút sự chú ý từ tung tin giả, tạo scandal hoặc đạo diễn scandal giả, đến quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm, thậm chí tổ chức sản xuất hàng giả.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, những bạn trẻ thế hệ Z vốn sinh ra trong một nền kinh tế sôi động, thường bị thúc bách bởi việc kiếm tiền, khởi nghiệp. Nhiều người trẻ tự so sánh trên mạng xã hội và đặt ra những tiêu chuẩn sống cao, mang nặng tính vật chất, hưởng thụ để theo đuổi.
“Họ sống ngày càng thực tế đến mức thực dụng. Họ quan sát thấy một phương thức nào đó có thể kiếm tiền, có thể nổi tiếng, có ảnh hưởng là “nhao đi” học các kỹ năng, các thủ thuật, công thức hóa nó để làm theo. Vấn đề là họ bỏ qua, không quan tâm đến những bài học về kỹ năng sống ở trường hay những lời chỉ dạy về đạo đức và nguyên tắc ứng xử từ cha mẹ ở nhà. Chính vì vậy, họ dùng kỹ năng học được để tận thu, làm lợi cho bản thân nhưng lại không vững giá trị đạo đức nên không thể ứng phó trước những cám dỗ và sa ngã vào những hành vi phạm pháp làm hại cho cộng đồng”, PGS.TS Trần Thành Nam nhìn nhận.
Trong thế giới truyền thông “trong suốt”, tài sản thương hiệu rất dễ vỡ!
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, để trở thành người có sức ảnh hưởng, một cá nhân phải mất rất nhiều công sức, thời gian để xây dựng nhân hiệu của mình trên các nền tảng. Họ cần đầu tư một cách nghiêm túc để xây dựng một hình ảnh tích cực, cần trở thành người am hiểu, có kiến thức chuyên môn sâu trong một lĩnh vực nhất định. Họ cần phong cách giao tiếp độc đáo nhưng lịch lãm và hấp dẫn. Họ cũng cần phải xây dựng sự xác tín với cộng đồng qua chuỗi các hoạt động và sự kiện mà họ tham dự. Tất cả là những yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân những người theo dõi, dần dần tích lũy và xây dựng tài sản thương hiệu của mình.
Nhưng tài sản thương hiệu đó rất “dễ vỡ” nếu những người nổi tiếng và influencer không thực sự sống như những hình ảnh họ đang thể hiện trong mắt công chúng.

“Trong thế giới “truyền thông trong suốt này” bạn không thể mãi giả vờ, đóng kịch, đeo mặt nạ. Con người thật của bạn, hành vi xấu của bạn sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện… khi đó sự công việc của bạn sẽ đóng băng, bản thân bạn sẽ bị tẩy chay, cá nhân sẽ chịu tổn thương sức khỏe tâm thần. Nhiều cá nhân trong những giai đoạn khủng hoảng đó thậm chí sa vào nghiện ngập, cờ bạc, mại dâm dẫn đến hủy hoại tất cả sự nghiệp”, ông nói.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, càng sống trong thế giới công nghệ, những phẩm chất con người càng được đề cao. Mặc dù tài năng, kỹ năng giúp chúng ta thành công nhanh hơn, sớm hơn nhưng đạo đức, phẩm chất mới giúp cho sự thành công đó bền vững.
Nói một cách ví von, sự nghiệp của mỗi người chính là thân cây, cành cây và các tán lá. Cây có vươn cao, khỏe mạnh, chống chịu được gió bão là phải nhờ bộ rễ cắm sâu, trải rộng dưới lòng đất. Bộ rễ đó chính là những giá trị truyền thống tốt đẹp được tiếp thu từ nền văn hóa của dân tộc. Nói cách khác, những giá trị nhân bản cốt lõi là nền tảng cho sự nghiệp bền vững; những phẩm chất đạo đức là chất dinh dưỡng nuôi lớn những trái ngọt thành công.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng nhìn nhận, công chúng có phần trách nhiệm trong việc giúp cho những người trẻ mới nổi tiếng không ảo tưởng về tài năng và kiểm điểm lại lối sống của họ bằng việc tự nâng cao năng lực tư duy phản biện, tư duy tài chính, năng lực hưởng thụ thẩm mỹ và tiêu dùng văn hóa nghệ thuật đích thực.
Khi chúng ta sẽ không còn để tâm đến các “drama”, tin sốc, các lùm xùm tiêu cực mà ngược lại muốn tìm đến để rung động trước cái đẹp; nghiện tham gia những sự kiện, triển lãm nghệ thuật; tận hưởng những tác phẩm nghệ thuật truyền cảm hứng chân thiện mỹ thì nhu cầu về một không gian văn hóa tích cực trên mạng xã hội sẽ hình thành. Đồng thời, những drama gây sốc, những tranh cãi vô bổ của người nổi tiếng sẽ bị tẩy chay và không còn "đất sống".
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, những người trẻ đang trên con đường tìm kiếm xây dựng sự nghiệp của mình như một người sáng tạo nội dung, để bản thân mình trở thành những influencer cần ý thức được rõ về mục tiêu và con đường xây dựng thương hiệu nhân hiệu của mình. Cần xác định tinh thần học tập suốt đời để trở thành những cá nhân thú vị, năng lượng và tích cực, có năng lực chuyên môn sâu, có kỹ năng giao tiếp ấn tượng, độc đáo, có uy tín và độ tin cậy đối với cộng đồng.
“Trên hết, họ phải bảo vệ thương hiệu nhân hiệu đó bằng cách sống thật với bản thân, với những giá trị mà họ đã tuyên bố. Trước hết, đó là luôn hành động với “thiện tâm” không gây hại hoặc nguy cơ cho bất kỳ ai; trung thực, chính trực và biết tôn trọng. Bản thân cộng đồng cũng cần có trách nhiệm trong việc nâng cao năng lực tiêu thụ văn hóa, giáo dục thẩm mỹ và tạo ra một môi trường văn hóa tích cực”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.