Trường Đại học Việt Nhật cho biết đã chính thức xây dựng chương trình đào tạo Công nghệ chip bán dẫn với mục tiêu cung cấp đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và quốc tế.
Chương trình được thiết kế theo các xu hướng công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, kết hợp giữa nền tảng lý thuyết và thực hành. Ngoài ra, chú trọng đến hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp tại Nhật Bản, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên trong việc thực tập và phát triển nghề nghiệp.
Dự kiến, chương trình sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2025 với chỉ tiêu 100 sinh viên.
Theo Trường Đại học Việt Nhật, việc triển khai chương trình đào tạo công nghệ chip bán dẫn tại nhà trường là một bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực nhân sự cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Chương trình kỳ vọng sẽ góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại khu vực.
Năm 2025, Trường Đại học Việt Nhật dự kiến tuyển 750 sinh viên. Ngoài ngành Công nghệ chip bán dẫn còn có 2 ngành mới khác là Đổi mới và phát triển toàn cầu, Tự động hóa.
Chỉ tiêu tuyển sinh các chương trình đào tạo hiện hành của Trường Đại học Việt Nhật năm 2025:

Chỉ tiêu tuyển sinh các chương trình đào tạo dự kiến mở mới năm 2025:

Về phương thức xét tuyển, nhà trường xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tổ chức, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT và quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội, xét thuần điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, dựa vào hồ sơ năng lực (đánh giá hồ sơ và phỏng vấn).
Ở phương thức cuối, thí sinh phải đạt kết quả hồ sơ và phỏng vấn từ 60/100 điểm, đồng thời đáp ứng một trong bốn điều kiện: có điểm học bạ ba năm THPT của hai môn trong tổ hợp (trừ Ngoại ngữ) đạt 7 trở lên; điểm thi Ngoại ngữ tốt nghiệp THPT từ 5 (riêng chương trình Đổi mới và phát triển toàn cầu lấy từ 6,5); có điểm trung bình 6 kỳ môn Ngoại ngữ đạt 7 hoặc có chứng chỉ.
Riêng với ngành Kỹ thuật xây dựng, trường không yêu cầu điều kiện về ngoại ngữ.
Trường nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực đến hết ngày 1.6; xét tuyển thẳng và hồ sơ năng lực đến hết ngày 5.6. Lịch đăng ký các phương thức khác theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT.
Mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học khác cũng công bố mở chuyên ngành vi mạch bán dẫn để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong bối cảnh mới.
Đơn cử, năm nay Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến mở 5 ngành mới, trong đó có Vật lý học (chuyên ngành Vật lý bán dẫn và kỹ thuật). Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh mở ngành Vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường), Trường Đại học Tôn Đức Thắng mở chuyên ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn, thuộc ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.
Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2025 cũng mở 4 ngành học mới, trong đó có 3 ngành rất gần với lĩnh vực vi mạch bán dẫn, gồm: Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch, Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử), Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu).