Đó là những thông tin được các diễn giả thảo luận tại tọa đàm "Không rào cản, không giới hạn" do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Xã hội học và Phát triển phối hợp với Hội Người khuyết tật Thành phố Hà Nội (DP Hà Nội) tổ chức, chiều ngày 4.4.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Hương Trà, Trưởng Khoa Xã hội học và phát triển Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, theo số liệu thống kê từ năm 2017, tại Việt Nam có khoảng 6,1 triệu người khuyết tật ở các dạng khuyết tật vận động, khiếm thị, khiếm thính, chiếm khoảng 7,8% dân số. Trong số đó, tỷ lệ người khuyết tật biết đọc, viết trong độ tuổi từ 16-24 tuổi chiếm 69,1%; chỉ có 0,1% người khuyết tật học cao đẳng, đại học..

PGS.TS Phạm Hương Trà, Trưởng Khoa Xã hội học và phát triển Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu khai mạc
Thực trạng tiếp cận với giáo dục nói chung và cơ hội tiếp cận với giáo dục bậc cao còn rất ít đối với nhóm người khuyết tật. Nguyên nhân của việc khó khăn trong tiếp cận giáo dục của người khuyết tật đến từ nhiều khía cạnh, bao gồm từ gia đình, xã hội và chính bản thân họ. Thông tin tuyển sinh của các trường chính quy dành cho học sinh khuyết tật chưa được quan tâm và phổ biến đến học sinh cùng gia đình.
Nhận thấy những thách thức hiện tại trong việc tiếp cận với giáo dục đại học của Thanh niên khuyết tật hiện nay, Khoa Xã hội học và Phát triển tổ chức tọa đàm hướng tới một không gian chia sẻ, nâng cao nhận thức và hành động về mục tiêu giáo dục bình đẳng.
Hành trình tri thức - Cơ hội và thách thức
Phát biểu tại Chương trình, ThS Đào Thu Hương, cán bộ Chương trình Hòa nhập Người khuyết tật của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, hành trình tiếp cận giáo dục của cô may mắn có gia đình ở bên, động viên học tập. Và khi bước vào ngưỡng cửa đại học, được Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đặc biệt tạo điều kiện và giúp đỡ.

Sau khi tốt nghiệp, ThS Đào Thu Hương nhận làm phiên dịch tại tổ chức phi Chính phủ. Sau một thời gian làm việc, cô nhận thấy nếu chỉ tiếp tục phiên dịch tiếng Anh thôi sẽ khó hỗ trợ được người khuyết tật và nhóm người yếu thế trong cuộc sống.
"Do đó, tôi quyết định học cao hơn bằng cách xin học bổng Chính phủ Úc, học chuyên ngành Phát triển cộng đồng quốc tế ở Trường Đại học Victoria (Melbourne, Úc) trong 2 năm. Đó là tiền đề giúp tôi nâng cao năng lực, nhận các dự án quốc tế và từng bước tiếp cận với việc chăm sóc, phát triển toàn diện cho người khuyết tật", ThS Đào Thu Hương chia sẻ.

Anh Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật TP. Hà Nội đã chia sẻ về các rào cản bản thân từng đối mặt khi tiếp cận với giáo dục. Một trong các khó khăn là việc thông tin tuyển sinh của các trường chính quy dành cho học sinh khuyết tật chưa được quan tâm và phổ biến đến học sinh cùng gia đình. Nhiều học sinh khuyết tật do không tiếp cận được thông tin dẫn đến bỏ lỡ cơ hội học tập, vào các trường đại học mong muốn.
Một thực trạng khác là cơ sở vật chất các trường học chưa đáp ứng, phù hợp với từng dạng tật của người khuyết tật.
"Vào đại học, lớp học của tôi nằm tại tầng 5 của trường. Vì chân không đi được, nên để di chuyển lên lớp, tôi phải nhờ bạn bè bê chân của mình từ tầng 1 lên tầng 5, cứ liên tục như thế trong năm tháng sinh viên", Anh Khoát kể lại.

Em Nguyễn Diệu Linh - Sinh viên ngành Quan hệ công chúng và Tổ chức sự kiện, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam cho hay, xã hội phát triển, hệ thống chính sách về giáo dục người khuyết tật đang ngày càng được hoàn thiện. Các thế hệ sinh viên khuyết tật ngày nay không còn gặp nhiều rào cản trong xã hội, giáo dục và quyền lợi ngày càng được đảm bảo.
Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Hạn chế lớn nhất với học sinh khiếm thị như Diệu Linh là không dễ cập nhật thông tin, yêu cầu học tập đến các quy định của trường học, bởi không có hệ thống hỗ trợ phù hợp.
"Để không bỏ lỡ nội dung, em thường xuyên lên phòng đào tạo nhờ thầy cô phổ biển và giải đáp thắc mắc. Mong rằng các trường đại học sẽ cập nhật phương thức mới để học sinh khuyết tật dễ dàng tiếp cận thông tin như mọi người", Diệu Linh tâm sự.
Để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng
Tại tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ câu chuyện và góc nhìn sâu sắc về các rào cản mà thanh niên khuyết tật đang đối mặt, cũng như các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy một môi trường giáo dục công bằng và hòa nhập.

Anh Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật TP. Hà Nội cho hay, để bước qua mọi rào cản, người khuyết tật phải phá bỏ được giới hạn từ trong nhận thức. Tâm lý hướng nội, tự ti khiến họ ngần ngại lên tiếng, không dám bày tỏ khó khăn hay chủ động đề xuất nhu cầu cần thiết. Do đó, việc thay đổi tư duy, nâng cao tự tin và chủ động kết nối là yếu tố quan trọng để người khuyết tật hòa nhập và phát triển trong xã hội.
Anh Khoát lấy ví dụ về câu chuyện của mình. Đã từng mặc cảm vì không có đôi chân như người bình thường, nhưng chính sự tử tế, lòng tốt của bạn bè cùng những người xung quanh đã giúp anh xóa nhòa khoảng cách, thêm gắn kết và sẻ chia.

Theo ThS Đào Thu Hương, để giúp người khuyết tật vượt qua được "hố đen" tâm lý, cần nhìn nhận họ như những thành viên quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Nói cách khác, người khuyết tật cần được đảm bảo quyền bình đẳng như người không khuyết tật.
Hiện nay, luật pháp Việt Nam như Luật Giáo dục, Luật Trẻ em đã quy định rõ quyền được đi học của người khuyết tật. Hay Thông tư 03 năm 2018 hướng dẫn chính sách giáo dục hòa nhập, yêu cầu các trường tạo môi trường thân thiện, có trung tâm hỗ trợ và nâng cao năng lực cho giáo viên trong giáo dục đối tượng đặc biệt.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã và đang thực hiện các mục tiêu quốc tế về phát triển bền vững (SDG17), tầm nhìn tới năm 2030 về mục tiêu bình đẳng trong giáo dục, đặc biệt với các nhóm yếu thế, nhóm dễ bị tổn thương.
Cũng theo bà Hương, tuy nhiều chính sách đã được ban hành, nhưng để thực hiện, cần có đội ngũ tâm huyết, đưa các quy định vào triển khai một cách thực chất. Khi có sự đồng hành của cộng đồng, các tổ chức, và chính những người khuyết tật, cơ hội bình đẳng mới được hiện thực hóa. Từ đó, người khuyết tật có nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục, việc làm, và các dịch vụ xã hội một cách công bằng.