Tại sao dân số Trung Quốc giảm mạnh?
Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc tự hào có dân số đông nhất so với bất kỳ quốc gia nào, mang lại cho nước này sức nặng đáng kể trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi khi dân số Trung Quốc giảm và già đi với tốc độ nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác. Năm 2022, dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, và năm 2023, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Nhân khẩu học đang thay đổi của Trung Quốc đặt ra những thách thức lớn và kéo dài cho đất nước và các nhà lãnh đạo.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tổng dân số Trung Quốc đã giảm 2,75 triệu (tương đương 0,2%), xuống còn 1,409 tỷ vào năm 2023. Con số này đã vượt qua mức kỷ lục vào năm 2022, khoảng 850.000 người. Năm 2023, tổng số người tử vong tăng 6,6% lên 11,1 triệu người, với tỷ lệ tử vong đạt mức cao nhất kể từ năm 1974 trong cuộc Cách mạng Văn hóa. Đồng thời, số trẻ sinh mới giảm 5,7%, xuống 9,02 triệu và tỷ lệ sinh thấp kỷ lục 6,39 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với tỷ lệ 6,77 ca sinh vào năm 2022.
Một trong những nguyên nhân chính khiến dân số Trung Quốc giảm sút là chính sách một con, được đưa ra vào năm 1979 và được thực hiện nghiêm ngặt cho đến năm 2015. Ban đầu chính sách này được thiết kế để kiểm soát tăng trưởng dân số, nhưng dần dẫn đến giảm số ca sinh và mất cân bằng đáng kể trong tỷ lệ giới tính. Điều này đã làm giảm số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và quy mô nhân khẩu học nhỏ hơn, kết hợp với chi phí nuôi dạy con cái ngày càng tăng.
Ngoài ra, một yếu tố khác là dân số già đi nhanh chóng của đất nước. Trung Quốc đang có nhiều người già hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Tuổi thọ trung bình của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ gần đây, dẫn đến số lượng người già ngày càng tăng. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục, với dân số trên 65 tuổi dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.
Nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Trung Quốc từ lâu đã dựa vào lực lượng lao động trẻ, năng động để tạo thành xương sống của nền kinh tế, nhưng xu hướng nhân khẩu học hiện nay có thể cản trở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và tạo ra những vấn đề xã hội đầy thách thức. Những khó khăn của Trung Quốc sẽ trở nên phức tạp hơn do sự già đi nhanh chóng của xã hội nước này. Các dự báo hiện tại cho thấy dân số Trung Quốc sẽ giảm hơn 100 triệu người vào năm 2050. Đến cuối thế kỷ này, dân số Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 800 triệu người, với những kịch bản thảm khốc hơn khiến con số này ở mức dưới 500 triệu.
Với tỷ lệ người có tuổi thọ ngày càng cao, kết hợp với tỷ lệ sinh thấp hơn, đã dẫn đến một xã hội già đi nhanh chóng và vấn đề ngày càng trầm trọng hơn. Một số ước tính dự đoán tỷ lệ phụ thuộc tuổi già của Trung Quốc (tỷ lệ người trên 65 tuổi so với số người trong độ tuổi 15 - 64) sẽ đạt gần 52% vào giữa thế kỷ này. Điều này có nghĩa là cứ hai người trong độ tuổi lao động thì có một người trên 65 tuổi. Đến những năm 2080, con số đó có thể lên tới gần 90%.
Xu hướng già hóa sẽ khiến Trung Quốc cạn kiệt lực lượng lao động trong độ tuổi cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế. Và đối với một quốc gia có nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào nguồn lao động giá cả phải chăng để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, dân số lao động già đi là một vấn đề kinh tế nghiêm trọng. Những thay đổi này sẽ dẫn đến giảm năng suất và khi lực lượng lao động dư thừa lớn của Trung Quốc bắt đầu giảm dần, tiền lương trong ngành sản xuất sẽ tăng và lợi nhuận của ngành này sẽ giảm. Sự già đi của dân số Trung Quốc cũng sẽ gây ra những hậu quả xã hội sâu sắc. Khi dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc thấp hơn so với tỷ lệ dân số già, tăng gánh nặng hỗ trợ người về hưu.
Hơn nữa, sự thiếu hụt về dân số còn thách thức mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình muốn chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc sang hướng tiêu dùng nhiều hơn. Trong 2 năm qua, kỷ nguyên tăng trưởng hai con số trong lĩnh vực bán lẻ của Trung Quốc dường như đã kết thúc. Doanh số bán lẻ hàng hóa trong quý III chỉ tăng 3% vào năm 2023, trong khi doanh số bán lẻ ở lễ hội mua sắm 11.11 chỉ tăng 2% so với năm trước. Doanh số bán lẻ trong tháng 12.2023 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với kỳ vọng của các nhà phân tích là tăng trưởng 8% và 10% trong tháng 11, trong khi sản lượng công nghiệp trong tháng 12 tăng 6,8% so với một năm trước đó, cao hơn kỳ vọng là 6,6%. Các chuyên gia cho biết vẫn còn nhiều rủi ro trên thị trường tài chính, lĩnh vực bất động sản và nợ chính quyền địa phương, cộng với khủng hoảng nhân khẩu học sẽ làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư.
Nỗ lực chưa phát huy tác dụng
Các quan chức Trung Quốc đã nhận thức được cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang gia tăng ở nước này. Giám đốc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Ning Jizhe cho biết, cơ cấu kinh tế và phát triển công nghệ cần được điều chỉnh và thích ứng để phù hợp với dân số trong độ tuổi lao động đang ngày càng thu hẹp.
Nhiều chính quyền tỉnh và địa phương đang thực hiện chính sách khuyến khích các gia đình sinh con thứ hai hoặc thứ ba. Tại Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, các gia đình sẽ nhận được trợ cấp chăm sóc trẻ em trị giá 600 NDT (86 USD) mỗi tháng trong ba năm cho đứa con thứ 2 hoặc thứ 3 sinh sau ngày 1.1.2023. Trong khi đó, ở Hàng Châu, các gia đình đủ điều kiện sẽ nhận được 5.000 NDT (720 USD) tiền cho đứa con thứ 2 và 20.000 NDT (2.880 USD) cho đứa con thứ 3.
Vào năm 2022, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch “mở rộng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và cải thiện cơ chế hỗ trợ sức khỏe cho người cao tuổi”. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng dự kiến sẽ dần dần được nâng tuổi nghỉ hưu vào năm 2025. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ trong việc tăng tuổi nghỉ hưu hoặc điều chỉnh chính sách lương hưu ở Trung Quốc. Khi dân số Trung Quốc già đi, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với một hành động khó khăn trong việc hỗ trợ những người về hưu trong điều kiện hạn chế về nguồn lực và cạnh tranh lợi ích.
Các nhà nhân khẩu học cho biết, sự phân biệt giới tính và những kỳ vọng truyền thống rằng phụ nữ đảm nhận vai trò chăm sóc gia đình đã làm trầm trọng thêm vấn đề này. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương đã công bố nhiều biện pháp khác nhau để khuyến khích sinh con bao gồm khấu trừ thuế, nghỉ thai sản dài hơn và trợ cấp nhà ở. Tuy nhiên, nhiều chính sách đã không được thực hiện do không đủ kinh phí và thiếu động lực từ chính quyền địa phương, đồng thời thúc giục một chương trình trợ cấp gia đình thống nhất trên toàn quốc.
Định hình lại chính sách hỗ trợ sinh sản
Đối mặt với cuộc khủng hoảng này, các nhà nhân khẩu học Trung Quốc đã đề xuất định hình lại các chính sách hỗ trợ sinh sản để hỗ trợ phụ nữ sinh con và thúc đẩy phát triển dân số chất lượng cao nhằm đáp ứng thực tế tăng trưởng dân số âm lâu dài ở nước này.
Một lý do chính đằng sau sự tăng trưởng dân số âm là sự sụt giảm số lượng phụ nữ chọn sinh con. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Dân số Trung Quốc, bà He Dan cho biết, hầu hết các yếu tố dẫn đến sự sụt giảm về tỷ lệ sinh hoặc kết hôn đều có thể được khắc phục thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ. Để đạt được mục tiêu, bà He Dan nhấn mạnh sự cần thiết phải "định hình lại chính sách có hệ thống" ở Trung Quốc. Theo đó, các chính sách hỗ trợ sinh sản hiện nay cần phải điều chỉnh "toàn diện" để cải thiện tỷ lệ sinh, chẳng hạn như giảm chi phí sinh hoạt, giảm bớt lo lắng về giáo dục và thúc đẩy việc làm cho phụ nữ.
Ngoài ra, bà cũng đề xuất một hệ thống bảo đảm sinh sản, là cung cấp trợ cấp cho những cá nhân chăm sóc trẻ sơ sinh, nhằm khuyến khích sự hỗ trợ và giúp đỡ giữa các thế hệ giữa các thành viên trong gia đình, đồng thời tăng cường đào tạo và hướng dẫn cách nuôi dạy con cái một cách khoa học. Thêm vào đó, việc thiết lập "toàn bộ vòng đời của hệ thống hỗ trợ dịch vụ gia đình" sẽ có thể giảm bớt lo lắng và căng thẳng liên quan đến sinh con, đồng thời cung cấp hỗ trợ toàn diện cho các dịch vụ sức khỏe sinh sản, dịch vụ hôn nhân, dịch vụ chăm sóc trẻ em... Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, việc hỗ trợ sinh nở là sứ mệnh cần nỗ lực bền bỉ lâu dài và kết quả không thể đạt được chỉ sau một đêm.