Qatar và Mỹ, hai bên trung gian hòa giải cho thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, đã thông báo chính thức về thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và Hamas. Giới chuyên gia nhận định, đây là bước đột phá mới giúp thiết lập lại hòa bình tại Dải Gaza sau hơn một năm xung đột. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: “Thỏa thuận sẽ mở đường chấm dứt cuộc chiến ở Gaza, đưa các con tin sớm trở về nhà với gia đình. Đối với người dân Palestine, thỏa thuận này là con đường đáng tin cậy để họ có nhà nước của riêng họ; và đối với khu vực này, thỏa thuận sẽ mang đến tương lai bình thường hóa, hội nhập của Israel và tất cả nước láng giềng Ảrập”.
Thỏa thuận ngừng bắn đạt được sau nhiều tháng đàm phán gian nan, ngắt quãng do các nhà trung gian Ai Cập và Qatar tiến hành với sự hậu thuẫn của Mỹ, và đặc biệt diễn ra ngay trước lễ nhậm chức Tổng thống của ông Donald Trump vào ngày 20.1.
Thỏa thuận 3 giai đoạn
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Thủ đô Doha, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani cho biết, thỏa thuận ngừng bắn bao gồm ba giai đoạn và việc thực thi thỏa thuận sẽ bắt đầu từ ngày 19.1 tới. Theo đó, giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn Gaza sẽ kéo dài trong 42 ngày và bao gồm lệnh ngừng bắn, quân đội Israel rút khỏi các khu vực đông dân cư, trao đổi con tin và tù nhân, trao đổi thi thể và đưa người dân Gaza phải di tản trở về nhà. Hamas sẽ thả 33 con tin Israel trong giai đoạn đầu tiên, bao gồm dân thường và nữ binh lính, trẻ em, người già và người bệnh để đổi lấy một số lượng người Palestine đang bị giam trong các nhà tù Israel. Những người bị thương ở Gaza sẽ được phép rời khỏi vùng đất này để được điều trị, trong khi viện trợ sẽ được phép vào Dải Gaza.
Theo tờ The Times of Israel, 3 con tin đầu tiên sẽ được thả vào ngày đầu tiên khi thoả thuận có hiệu lực, 4 con tin khác sẽ được thả vào ngày thứ bảy của thoả thuận. Sau đó, 3 con tin sẽ được thả sau mỗi 7 ngày, 14 con tin cuối cùng sẽ được thả vào tuần cuối cùng của giai đoạn đầu tiên. Số con tin còn lại, tổng cộng là 65 người, sẽ chỉ được trả tự do nếu các bên có thể đồng ý về giai đoạn thứ hai của lệnh ngừng bắn.
Ông Al Thani khẳng định cam kết của Qatar cùng Ai Cập và Mỹ về việc giám sát việc thực thi thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh các nước này sẽ thực hiện những bước đi cần thiết để duy trì sự ổn định tại Dải Gaza. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, các chi tiết về giai đoạn thứ hai và thứ ba của thỏa thuận sẽ được công bố sau khi giai đoạn đầu tiên hoàn tất. Israel sẽ tiếp tục đàm phán về những vấn đề cần thiết để tiến tới giai đoạn 2 của thỏa thuận với mục tiêu kết thúc xung đột một cách lâu dài và dự kiến sẽ bắt đầu ở ngày thứ 16 của giai đoạn một. Giai đoạn hai dự kiến sẽ bao gồm việc thả tất cả các con tin còn lại, lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi Dải Gaza; giai đoạn ba dự kiến sẽ bao gồm việc trả lại thi thể các con tin đã thiệt mạng và bắt đầu quá trình tái thiết Dải Gaza do Ai Cập, Qatar và Liên Hợp Quốc giám sát.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định: “LHQ sẵn sàng hỗ trợ thực hiện thỏa thuận này và mở rộng quy mô cung cấp viện trợ nhân đạo liên tục cho vô số người Palestine đang phải chịu đựng thống khổ. Điều cấp bách là lệnh ngừng bắn này phải loại bỏ những trở ngại đáng kể về an ninh và chính trị đối với việc cung cấp viện trợ trên khắp Gaza”.
Ông Joe Biden cho biết đã phối hợp chặt chẽ với đội ngũ của Tổng thống đắc cử để đạt được sự đồng thuận, vì phần lớn thỏa thuận sẽ được thực thi dưới thời chính quyền mới của ông Trump.
Tổng thống Israel Isaac Herzog nhấn mạnh rằng, thỏa thuận đạt được với Hamas là một “bước đi quan trọng” và cần thiết để đưa các con tin trở về. Ông Herzog đã cảm ơn những người hòa giải và cho biết Israel sẽ “tiếp tục hành động hết sức mình cho đến khi mọi giai đoạn của thỏa thuận được thực hiện và tù nhân cuối cùng được trả tự do”. Phía Hamas cho biết: “Thỏa thuận chấm dứt hành vi gây hấn ở Gaza, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù, trên con đường đạt được mục tiêu giải phóng và trở về của nhân dân chúng tôi”.
Con đường phía trước
Tuyên bố ngừng bắn và thỏa thuận con tin giữa Hamas và Israel là sự giải thoát cho hơn hai triệu thường dân Palestine bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tàn khốc kéo dài 15 tháng qua. Thoả thuận này có thể xoa dịu căng thẳng trên khắp Trung Đông, nơi cuộc xung đột Hamas-Israel đã gây ra xung đột ở Bờ Tây, Lebanon, Syria, Yemen, Iraq và làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Iran.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết sẽ sử dụng thỏa thuận ngừng bắn làm động lực để mở rộng Hiệp định Abraham, các thỏa thuận do Mỹ hậu thuẫn đã đạt được trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông vào năm 2017 - 2021, nhằm bình thường hóa quan hệ của Israel với một số quốc gia Ảrập. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, người Palestine, các quốc gia Ảrập và Israel vẫn phải nhất trí về tầm nhìn cho Gaza sau chiến tranh, một thách thức to lớn liên quan đến việc bảo đảm an ninh cho Israel và nhiều tỷ đô la đầu tư cho công cuộc tái thiết.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, con đường phía trước còn rất phức tạp, với nhiều bãi mìn chính trị có thể xảy ra, chưa kể đến sự bế tắc tiềm tàng sau khi giai đoạn đầu tiên kết thúc. Các gia đình con tin Israel bày tỏ lo ngại rằng, thỏa thuận có thể không được thực hiện đầy đủ và một số con tin có thể bị bỏ lại ở Gaza.
Khi thoả thuận được thực hiện, người dân Gaza sẽ được giải thoát khỏi nỗi ám ảnh của các cuộc ném bom và những cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Israel. Tuy nhiên, người dân Palestine ở Gaza lại phải đối mặt với những tổn thất lớn về mặt nhân đạo, chính trị và chiến lược. Rủi ro đáng kể nhất ở phía trước là sẽ có khả năng "đóng băng xung đột", trong đó Gaza vẫn phải chịu cảnh phá hủy và đổ nát, hoàn toàn phụ thuộc vào những chiếc xe cứu trợ mỗi ngày để duy trì cuộc sống của người dân.
Dư luận thế giới mong chờ một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột và việc thả những con tin còn lại. Vẫn chưa có bức tranh rõ ràng nào về sự quản lý và an ninh lâu dài ở Gaza để tạo điều kiện cho việc tái thiết sau khi xung đột kết thúc. Hamas muốn quân đội Israel rút hoàn toàn và toàn diện khỏi Dải Gaza và chấm dứt vĩnh viễn các cuộc giao tranh; trong khi Israel vẫn coi Gaza là vấn đề an ninh đòi hỏi phải có sự hiện diện của quân đội, và hiện tại không có đối tác nào vì hòa bình hay ổn định có thể tin cậy để quản lý Gaza. Nếu Hamas và người dân Palestine ở Gaza từ chối lực lượng an ninh và chính quyền quản lý, thì điều đó có thể dẫn đến một cuộc nổi loạn kéo dài ở Gaza.
Như các nhà quan sát đã lưu ý trước đó, Israel và Hamas đã đạt được một thỏa thuận an ninh tạm thời một năm trước nhưng không thể thúc đẩy một nền hòa bình rộng lớn hơn. Vì vậy, mặc dù thỏa thuận này đáng được ăn mừng, song vẫn còn rất nhiều công việc khó khăn phía trước để xác định tương lai của Gaza và an ninh của Israel.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế: vui mừng
Các tổ chức quốc tế và các nước như Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và Ảrập Xêút nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Israel và Hamas tuân thủ thỏa thuận. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhận định: “Lệnh ngừng bắn mang lại hy vọng cho toàn bộ khu vực, nơi người dân đã phải chịu đựng thống khổ trong thời gian quá dài. Hai bên phải thực hiện đầy đủ thỏa thuận, như bàn đạp hướng tới ổn định lâu dài trong khu vực và giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao”.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo bày tỏ hy vọng lệnh ngừng bắn này sẽ chấm dứt giao tranh và đánh dấu sự khởi đầu của nền hòa bình bền vững; đồng thời khẳng định Bỉ luôn sẵn sàng giúp đỡ. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng: “Thỏa thuận này đại diện cho bước đi không thể thiếu trên con đường hướng tới giải pháp hai nhà nước và nền hòa bình công bằng, tôn trọng luật pháp quốc tế”. Văn phòng Thủ tướng Italy Giorgia Meloni khẳng định, nước này sẵn sàng đóng góp cùng các đối tác châu Âu và quốc tế để ổn định và tái thiết Gaza, củng cố lâu dài lệnh ngừng bắn, đồng thời tái khởi động tiến trình chính trị hướng tới nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Trung Đông, dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Trong khi đó, Chính phủ Nam Phi hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn và kêu gọi thực thi nền hòa bình công bằng và lâu dài, bảo đảm quyền con người của cả người Palestine và người Israel được bảo vệ và thúc đẩy.