Dồn toàn lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - con đường duy nhất để bứt phá
____________
Lời Tòa soạn: Sáng nay, 13.1, tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chủ trì và có bài phát biểu quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu:
Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm!
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!
Thưa tất cả các đồng chí!
Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành ngày 22.12.2024, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị quyết 03-NQ/CP ngày 9.1.2025 để thực hiện Chương trình hành động.
Tại Hội nghị hôm nay, tôi tập trung trình bày 4 nội dung chủ yếu: (1) Bối cảnh tình hình hiện nay; (2) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; (3) Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình hành động; (4) Tổ chức thực hiện.
Bối cảnh tình hình
~~~~~~~~
1. Tình hình trong nước nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, năm 2024 chúng ta thu được thành quả rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chỉ tiêu Quốc hội giao, Trung ương chỉ đạo đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu.
Trong đó, 12/12 chỉ tiêu vượt so với mục tiêu đề ra, đáng chú ý là chỉ tiêu tăng trưởng được Trung ương, Quốc hội giao là 6-6,5% nhưng chúng ta đạt 7,09%. Chỉ tiêu này rất quan trọng, vừa nâng tầm quy mô, thứ hạng của đất nước ta, của nền kinh tế vừa tăng thu nhập của người dân, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động. Các chỉ số khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Chính phủ điện tử, an ninh mạng... trong năm 2024 Việt Nam đều được nâng hạng, có những lĩnh vực được nâng 10 bậc.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vốn đã gắn bó, thúc đẩy lẫn nhau. Trong kỷ nguyên số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn chặt chẽ với chuyển đổi số. Đây là sự gắn bó khách quan, yêu cầu tất yếu và mối quan hệ này có thể khái quát: “Khoa học, công nghệ là nền tảng, đổi mới sáng tạo là động lực, chuyển đổi số là kết nối, con người là trung tâm, là chủ thể”. Những tư tưởng này thể hiện rất rõ trong Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, có 3 việc rất quan trọng phải thực hiện nhanh, hiệu quả, đó là: thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người thông minh, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.
2. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước, định hình về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết số 57-NQ/TW là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững: (1) Giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu về kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ; (2) Là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; (3) Tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, phù hợp với xu thế chung của thế giới; (4) Góp phần bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
Theo Báo cáo mới nhất của World Bank năm 2024 với chủ đề “Bẫy thu nhập trung bình”, từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 nền kinh tế đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, có tới 108 quốc gia chưa vượt qua. Việt Nam hiện có GDP bình quân đầu người năm 2024 là 4.700 USD và nếu tăng trưởng trung bình 7%/năm thì đến năm 2040, Việt Nam mới gia nhập được nước có thu nhập cao (khoảng 13.800 USD/người).
Khát vọng về một Việt Nam phát triển giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đã và đang cháy bỏng hơn bao giờ hết. Khát vọng này là có cơ sở, trên nền tảng những thành tựu, to lớn có ý nghĩa lịch sử mà các thế hệ đã xây dựng, phát triển, giúp đất nước ta có cơ đồ, vị thế như ngày nay.
Để hiện thực hóa khát vọng ấy, chúng ta không có con đường nào khác ngoài việc dồn toàn lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành
~~~~~~~~
1. Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã bắt tay vào xây dựng Chương trình hành động với tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt; làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”. Trong phân công thì theo tinh thần “5 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
2. Đây là Chương trình hành động tổng thể, toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp mang tính khả thi cao, nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng thành những hành động thiết thực, sát thực tiễn của mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương.
3. Chính phủ xác định rõ việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian tới, không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, mà còn phải được thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, thống nhất với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng số hiện đại, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã được đưa vào Chương trình hành động với lộ trình cụ thể và trách nhiệm rõ ràng.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình hành động
~~~~~~~~
Bám sát nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhất là 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, Nhóm 1: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (gồm 13 nhiệm vụ cụ thể).
Việc quán triệt và triển khai hiệu quả nhóm nội dung này là nhiệm vụ rất quan trọng; đòi hỏi chúng ta phải thực sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động trong toàn xã hội, đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chỉ khi từng tổ chức, mỗi cá nhân đều nhận thức rõ vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đạt được những nhận thức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ thì khi đó mới thực sự chuyển từ tư duy sang hành động và có kết quả.
Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là:
(1) Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đánh giá; định kỳ đo lường, công bố công khai kết quả; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ dựa trên kết quả thực hiện. Lưu ý yêu cầu đặt ra là Kế hoạch thực hiện phải thực chất, không hình thức, chiếu lệ và phù hợp với điều kiện, gắn với bố trí nguồn lực phù hợp. Các nhiệm vụ trong Kế hoạch phải cụ thể, lượng hóa để dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ đo lường, dễ kiểm tra, giám sát.
(2) Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Xây dựng phong trào học tập số và nâng cao kiến thức khoa học công nghệ trong toàn xã hội. Trong đó lưu ý: đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trên đa nền tảng, đa đối tượng; cụ thể hóa nội dung cho từng nhóm đối tượng (người dân, doanh nghiệp, chính quyền, lãnh đạo các cấp…).
(3) Phát động phong trào thi đua toàn quốc để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị (phát động các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả tương tự như các phong trào thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc; xây dựng Đường dây 500 KV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên; chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025…
Nhóm 2: Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (28 nhiệm vụ cụ thể). Đây là nhóm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới”, tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung xây dựng dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số; sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan.
Xây dựng cơ chế thử nghiệm, đặc thù như: Cơ chế thí điểm thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của nhà nước (sandbox); Triển khai thực hiện theo phương thức “vừa thiết kế, vừa thi công”…
Ban hành quy định Quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Nhóm 3: Tăng cường đầu tư hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (34 nhiệm vụ cụ thể).
Phải đầu tư cho hạ tầng đồng bộ, liên kết mạnh mẽ giữa các ngành, các lĩnh vực, hạ tầng từ Trung ương cho đến cơ sở, "hạ tầng số phải luôn đi trước một bước" để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như: công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ..., góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là: Ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược (ưu tiên các lĩnh vực quốc phòng an ninh, không gian, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hoá, y sinh học… và cả hạ tầng cho công nghiệp văn hóa và công nghiệp giải trí). Bảo đảm ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Rà soát, đầu tư phát triển Trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
Xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu quốc gia; kết nối, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, các hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương.
Phát triển hạ tầng số hiện đại, hạ tầng viễn thông, Internet, hạ tầng vật lý số, hạ tầng tiện ích số, các nền tảng số quốc gia, nền tảng số dùng chung các ngành, lĩnh vực.
Nhóm 4: Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (12 nhiệm vụ cụ thể)
Phát triển và trọng dụng nhân tài chính là yếu tố then chốt, là "chìa khóa vạn năng", do đó, phải đầu tư cho con người, cho nguồn nhân lực.
Mục tiêu là xây dựng một đội ngũ nhân lực hùng hậu, vừa đủ về số lượng, vừa đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của kỷ nguyên số. Đặc biệt, nguồn nhân lực này cần được đào tạo bài bản, chuyên sâu, phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng Đề án phát triển và trọng dụng nhân tài, triển khai các chương trình đào tạo. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổ chức khoa học và công nghệ công lập, trong đó tổ chức nào hoạt động không hiệu quả sẽ được sáp nhập hoặc giải thể để tập trung nguồn lực cho các tổ chức nghiên cứu mạnh. Phát triển các trường đại học; xây dựng, đầu tư, nâng cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm quốc gia trở thành trung tâm hàng đầu về nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ.
Có chính sách thu hút nhà khoa học và chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.
Nhóm 5: Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh (27 nhiệm vụ)
Đặc biệt, trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp, việc ứng dụng khoa học công nghệ để bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao càng trở nên cấp thiết. Đây chính là nền tảng để xây dựng một xã hội số an toàn, văn minh, hiệu quả, hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên không gian mạng.
Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng Chương trình phát triển Chính phủ số, tạo ra một hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch và hiệu quả (Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193. Thời gian tới, chúng ta phải phấn đấu xếp hạng cao hơn). Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đẩy mạnh số hóa dữ liệu, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu.
Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước. Ví dụ như về văn hóa: đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí. Xây dựng và phát triển các sản phẩm văn hóa số chất lượng cao. Thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa, di sản văn hóa số...
Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong bảo đảm quốc phòng và an ninh; hiện đại hóa lực lượng quân đội và công an; làm chủ các công nghệ chiến lược.
Nhóm 6: Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp Doanh nghiệp chính là "đầu tàu", là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng Đề án hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số vươn ra toàn cầu; xây dựng Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước, thúc đẩy phát triển một số khu công nghiệp công nghệ số và công nghiệp công nghệ thông tin tập trung; đẩy mạnh thu hút các dự án FDI cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với tinh thần “lấy doanh nghiệp làm trung tâm; các viện, trường, trung tâm nghiên cứu là trụ cột”. Phát triển hệ sinh thái cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên. Xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Nhóm 7: Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (9 nhiệm vụ).
Hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng các chiến lược hợp tác quốc tế toàn diện, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế.
Trong đó, một số nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai ngoại giao kinh tế gắn với thu hút đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (gọi tắt là “ngoại giao công nghệ”). Xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, đóng góp vào việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử, vũ trụ và các công nghệ khác.
Tổ chức thực hiện
~~~~~~~~
Với tư tưởng chỉ đạo phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”, tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” và phương châm “Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
1. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ, bám sát nội dung Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải chủ động, tích cực, căn cứ vào chức năng, quyền hạn của mình xây dựng Chương trình hành động.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các địa phương tập trung chỉ đạo quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện; định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; kịp thời báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền các biện pháp cần thiết hoặc các vấn đề nảy sinh để giải quyết.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện hằng năm theo Nghị quyết số 57-NQ/TW. Nguồn vốn Nhà nước đóng vai trò "vốn mồi", dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
4. Các bộ, ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo phong trào, xu thế, phát triển một cách toàn diện và bao trùm ở tất cả các cấp, các ngành.
5. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền.
Kính thưa Hội nghị!
Trên đây là một số nội dung chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nhân dịp năm mới 2025 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, thay mặt Chính phủ, tôi xin kính chúc đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí dự Hội nghị dồi dào sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc và thắng lợi nhiều hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn toàn thể các đồng chí!
* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt