Hệ thống hưu trí của Mỹ gồm nhiều thành phần, bao gồm: An sinh xã hội, Kế hoạch hưu trí do người sử dụng lao động tài trợ (hay còn được gọi là quỹ hưu trí 401(k) hay quỹ hưu trí tư nhân - là một kế hoạch tiết kiệm hưu trí do nhà tuyển dụng cho nhân viên lựa chọn các hình thức đầu tư), Tài khoản hưu trí cá nhân (IRA), Quỹ đầu tư hưu trí (kế hoạch phúc lợi xác định), và tài khoản tiết kiệm cá nhân.
Những trở ngại lớn nhất khiến Mỹ không đạt được thứ hạng A của MCGPI xoay quanh một số vấn đề: thứ nhất, an sinh xã hội, tài khoản 401(k), và tiết kiệm cá nhân, là những nguồn thu nhập hưu trí lớn nhất của công dân Mỹ. Theo MCGPI, dự trữ của an sinh xã hội dự kiến sẽ cạn kiệt vào năm 2033, khi đó chương trình sẽ chỉ có thể chi trả 77% phúc lợi cho người cao tuổi (dự kiến gồm gần 66 triệu người), trừ khi những thay đổi lớn được thực hiện trước năm 2034 để củng cố quỹ tín thác.
Thứ hai, những người lao động tự do bị loại khỏi hệ thống sử dụng lao động và một nửa số công nhân Mỹ - khoảng 57 triệu người - không thể tiếp cận các kế hoạch hưu trí do người sử dụng lao động tài trợ, chẳng hạn như kế hoạch 401(k). Việc đăng ký tự động người lao động vào các kế hoạch 401(k) sẽ giúp cải thiện sự tham gia và tăng tổng số tiền tiết kiệm khi nghỉ hưu, nhưng hiện tại, chỉ có 1 trong 4 nhà tuyển dụng cung cấp dịch vụ đăng ký tự động này. Theo báo cáo, phần lớn người lao động không thực sự chủ động trong việc tham gia vào kế hoạch hưu trí. Chỉ 5% người lao động thực hiện các bước cần thiết để mở tài khoản tiết kiệm hưu trí nếu tài khoản đó không được chủ lao động của họ cung cấp.
Yếu tố thứ ba là dân số già hóa nhanh chóng khiến hệ thống quỹ hưu trí đang dần cạn kiệt. Người trên 65 tuổi chiếm 17,3% dân số vào năm 2022 và dự kiến sẽ chiếm 20,6% vào năm 2030; dân số của Mỹ hiện xấp xỉ 332 triệu người. Tỷ lệ sinh ở Mỹ giảm trong 20 năm qua cho thấy sẽ không có nhiều người trẻ thay thế những người rời bỏ lực lượng lao động. Trong khi đó, số người nghỉ hưu hàng ngày đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2000, với 10.000 người bước sang tuổi 65 mỗi ngày. Đến năm 2030, tất cả những người thuộc thế hệ baby boomer sẽ trên 65 tuổi. Hiện khoảng 1/4 tổng số người Mỹ dựa vào an sinh xã hội để đáp ứng nhu cầu chi tiêu hàng tháng. Những yếu tố này càng khiến hệ thống quỹ hưu trí dần cạn kiệt nhanh hơn, bởi số người tham gia đóng góp giảm dần trong khi số người nghỉ hưu tăng nhanh.
Một vấn đề khác là, xu hướng người Mỹ rút tiền tiết kiệm hưu trí sớm thông qua các khoản vay đang gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm tài chính trong tương lai của họ.
Những yếu tố khác ảnh hưởng tới an ninh hưu trí gồm, lạm phát cao, nợ Chính phủ ngày càng tăng, tuổi thọ giảm do Covid-19, và số ca tử vong liên quan đến súng và dùng thuốc quá liều ngày càng gia tăng.
Có thể thấy, các vấn đề như dự trữ của an sinh xã hội trước nguy cơ cạn kiệt, người lao động không chủ động trong việc lập kế hoạch tài chính nghỉ hưu, dân số già hóa nhanh chóng, và xu hướng rút tiền hưu trí sớm đều khá tương đồng với những vấn đề hưu trí hiện tại ở Việt Nam.