Lợi ích cho doanh nghiệp FDI?
Đẩy mạnh phát triển kinh tế và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Thời gian qua, Chính phủ đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, trong đó đáng kể là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay, chúng ta đang đàm phán những FTA thế hệ mới với một loạt các đối tác thương mại hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU… Những hiệp định này được kỳ vọng mở cánh cửa thị trường rộng lớn cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước.
Tuy nhiên, dường như những lợi ích tiềm tàng to lớn từ những Hiệp định, thỏa thuận thương mại này đã chưa được hiện thực hóa bao nhiêu trên thực tế. Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, ở thị trường xuất khẩu, chỉ mới khoảng 30% hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Trong khi đó thị trường nội địa lại chứng kiến sự đổ bộ nhanh chóng của hàng hóa, dịch vụ nước ngoài. Dễ thấy nhất, trong lĩnh vực bán lẻ chứng kiến sự hiện diện của các tập đoàn lớn của Thái Lan tại Việt Nam, theo sau đó là hàng hóa được sản xuất từ quốc gia này. Dường như doanh nghiệp Việt Nam sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm gia nhập ASEAN đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại có sự lớn mạnh không ngừng. Trong 5 năm trở lại đây, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng ngày càng tăng, cụ thể năm 2010 đạt 54,1%, năm 2012 đạt 64% và 8 tháng của năm nay ước đạt 70,2%. Dễ thấy rằng, với những con số này, và với đà tăng trưởng của khu vực FDI thì ai sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, khi đàm phán hội nhập, dường như chúng ta thường chú trọng đến việc mở cửa thị trường bên ngoài cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu. Nhưng vấn đề sau đó, hàng hóa sản xuất tại thị trường Việt Nam là của ai thì không quan tâm. Như tình hình hiện nay, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được nhiều, thì quá trình hội nhập sẽ mang lại lợi ích cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.
Để không còn cảnh doanh nghiệp đi qua “cầu khỉ” để hội nhập
Rõ ràng, để được hưởng lợi ích từ quá trình hội nhập, tham gia các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng doanh nghiệp trong nước phải lớn mạnh, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu do Ủy ban Kinh tế chủ trì tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, chính thể chế, bộ máy nhà nước đang là rào cản quá trình hội nhập. Viện trưởng Nguyễn Đình Cung ví von, doanh nghiệp Việt Nam hội nhập như đi trên cầu khỉ, chênh vênh. Trên vai thì mang gánh nặng của khối đá chi phí. Doanh nghiệp cố gắng cúi đầu dò dẫm từng bước một để đi, tránh rơi trượt, rơi xuống sông. Vậy thì làm sao có thể nhìn xa với các chiến lược lâu dài, làm sao có thể hội nhập bền vững được. Nhà nước cần thể hiện vai trò kiến tạo, đồng hành với doanh nghiệp, bổ sung cho thị trường, để thị trường vận hành nhiều hơn.
Trong khi bản thân doanh nghiệp phải vận động, tìm biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập, thì rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để các doanh nghiệp Việt Nam, vốn còn nhỏ bé và yếu ớt trong cuộc chơi với các đối thủ sừng sỏ, dày dạn kinh nghiệm, có thể tồn tại, lớn lên kiên cường và cạnh tranh sòng phẳng trong nền kinh tế toàn cầu. Theo Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, chúng ta đang hội nhập vào sân chơi toàn cầu với đẳng cấp cao, trình độ công nghệ cao, do đó, chúng ta cần chủ động chính sách theo hướng nhanh chóng tuân thủ các luật chơi. Về lực lượng hội nhập, cần chú ý đến cấu trúc của doanh nghiệp tư nhân, trong đó lưu ý hỗ trợ cho một số tập đoàn lớn để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ về cơ chế để có các tổ chức đại diện mạnh và hiệu quả. Trong đó, cần tạo ra môi trường, cơ chế để các hiệp hội doanh nghiệp có không gian phát triển thông qua việc sớm hoàn thiện pháp luật về Hội; tăng cường chuyển giao dần các dịch vụ công trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho các hiệp hội doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả thực thi các quy định về sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật nội địa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần Nhà nước thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập. Một số chuyên gia thì bày tỏ lo ngại, trong quá trình hội nhập, trong khi hàng rào thuế quan được rỡ bỏ thì lại thiếu các hàng rào kỹ thuật, hàng rào tỷ giá để bảo vệ nền kinh tế trong nước một cách chính đáng.