Có chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng - an ninh
Thảo luận tại tổ vềdự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các đại biểu khẳng định: việc xây dựng Dự án Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
Các đại biểu đề nghị đánh giá tính khả thi và cân nhắc quy định việc hình thành quỹ chuyên biệt cho công nghiệp quốc phòng - an ninh, quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao; rà soát các chính sách liên quan đến tài chính, thành lập quỹ; nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia; quy định cơ sở công nghiệp quốc phòng - an ninh nòng cốt được tự chủ xây dựng quy trình từ nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất và thương mại hóa sản phẩm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng - an ninh.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thống nhất việc ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp để xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng - an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, phù hợp với thế trận phòng thủ chiến lược; thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống.
ĐBQH Hà Thọ Bình, Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị quy định cụ thể hơn về vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng - an ninh và động viên công nghiệp; ban hành các quy định riêng về đấu thầu đối với mặt hàng công nghiệp quốc phòng - an ninh; có chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc thù, đột phá để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng - an ninh; tập trung ưu tiên đối với doanh nghiệp an ninh nòng cốt; tạo đột phá trong giao nhiệm vụ cho từng địa phương, quân khu trong việc xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp; hình thành cơ quan quản lý nhà nước để điều phối hoạt động công nghiệp quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng - an ninh…
Ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây nhiễu loạn thị trường
Đối với dự án Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật; quy định tài sản đấu giá theo hướng không liệt kê cụ thể, tránh trùng lặp, chồng chéo, khó dự liệu hết tài sản mới phát sinh; quy định trách nhiệm xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá thuộc cơ quan đủ thẩm quyền, năng lực chuyên môn; quy định hồ sơ đánh giá năng lực bảo đảm lựa chọn người tham gia đấu giá tài sản đủ điều kiện về tài chính, chuyên môn, kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia; trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong đấu giá tài sản; xã hội hóa về Cổng Đấu giá tài sản quốc gia với sự tham gia của doanh nghiệp, tăng cường tính cạnh tranh, minh bạch và chất lượng dịch vụ; thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản đáp ứng điều kiện kinh doanh; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây nhiễu loạn thị trường; việc xử lý vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản; việc chuyển nhượng quyền trúng đấu giá.
Trưởng Đoàn ĐBQH Hoàng Trung Dũng và các thành viên trong Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị: quy định rõ cơ sở xác định trường hợp áp dụng hình thức bỏ phiếu đấu giá trực tiếp, gián tiếp hoặc kết hợp hình thức đấu giá trực tiếp và gián tiếp; trình tự, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, khả thi; nghĩa vụ của doanh nghiệp đấu giá tài sản đối với cơ quan thuế; quy định rõ trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm; điều chỉnh hợp lý biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa…