Mới đây, Sở Xây dựng Khánh Hòa cho hay, một số tổ chức, cá nhân tự phân lô rồi rao bán đất nền, tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh, người dân có nguy cơ “tiền mất tật mang”. UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản khẩn yêu cầu cơ quan chức năng kiểm soát tình trạng phân lô bán nền trái phép tại địa phương này. Hay ở TP Hồ Chí Minh sau một thời gian vắng bóng, dự án “ma” đã xuất hiện trở lại tại quận 12. Không chỉ đất quy hoạch cho giáo dục, công viên cây xanh, mà đất dành cho tái định cư cũng bị doanh nghiệp rao bán đất nền phân lô. Đầu năm 2019, UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 đã có văn bản cảnh báo về tình trạng rao bán, sang nhượng đất nền trái phép trên địa bàn.
Theo các chuyên gia, lợi dụng bất cập của Luật Kinh doanh bất động sản, các đầu nậu sử dụng nhiều phương thức như: Thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ; thỏa thuận góp vốn; thỏa thuận hợp tác đầu tư; thỏa thuận hợp tác kinh doanh... theo quy định của pháp luật dân sự, với giá trị đặt cọc lớn, gây rủi ro cho khách hàng. Hay Luật Đất đai không có quy định về tách thửa đất nông nghiệp và các loại đất khác. Nhưng bất cập trong thực thi Luật Đất đai là tại Khoản 31, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ, thì lại cho phép tách thửa đối với từng loại đất, trong đó có đất nông nghiệp, đất trồng cây công nghiệp, dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan.
Sử dụng phương thức kinh doanh “tay không bắt giặc”, doanh nghiệp “bất lương” lách luật, phân lô bán nền dưới nhiều chiêu thức tinh vi “nửa công khai, nửa bí mật”… rút vốn của người mua để thực hiện dự án khi không đủ tiềm lực tài chính… Rõ ràng, sự vi phạm không thể diễn ra nếu không có “bàn tay” của chính quyền. Bên cạnh đó là tâm lý đầu tư “chụp giật” hám lời hay mua rẻ khiến người dân bất chấp rủi ro dốc tiền thực hiện các thương vụ mua bán, tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm.
Ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền bùng phát trở lại, cần sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của chính quyền cơ sở và người dân. Theo đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là UBND quận, huyện, phường, xã, cần có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp đầu nậu, doanh nghiệp núp bóng người sử dụng đất để thực hiện tách thửa, phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật trên địa bàn. Người dân khi giao dịch mua bán cần tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật, không ham rẻ, chạy theo quảng cáo của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khắc phục ngay những bất cập của Luật Kinh doanh bất động sản như quy định về “nền nhà, đất nền” hay “thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ; thỏa thuận góp vốn” trong giai đoạn trước khi ký hợp đồng bán nhà, nền nhà, đất nền hình thành để thống nhất quản lý. Đặc biệt, bổ sung quy định trường hợp “đặt cọc” bảo đảm giao kết hợp đồng vừa tuân thủ quy định của pháp luật chuyên ngành, vừa tuân thủ pháp luật về dân sự. Những kiến nghị lập pháp như vậy phải được Chính phủ quan tâm thúc đẩy trình Quốc hội xử lý, không để kéo dài “lỗ hổng” trong quản lý thị trường bất động sản, và tình trạng phân lô bán nền có đất tái diễn.