Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) được phát hiện tại cơ sở y tế này đang có xu hướng gia tăng giai đoạn gần đây và diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ, có bệnh lý nền.
Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến ngày 5.3, tổng số ca nhiễm RSV ghi nhận trong toàn bệnh viện là 1.025 trường hợp. Chỉ tính riêng 5 ngày từ ngày 1.3 đến ngày 5.3, số ca phát hiện mới là 157 ca.
Các bác sĩ cho biết, RSV là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa Thu - Đông hoặc Xuân - Hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).
Triệu chứng điển hình của bệnh gồm: ho, hắt hơi, sổ mũi (giai đoạn khởi phát); khò khè, ho, thở nhanh (giai đoạn toàn phát). Trẻ sơ sinh mắc virus hợp bào hô hấp có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở. Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, bệnh hen suyễn, suy phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi,…
Có một số yếu tố nguy cơ có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh và khiến bệnh trở nặng, gồm: Đẻ non, cân nặng khi sinh thấp; Bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi; Trẻ dưới 3 tháng tuổi; Bệnh phổi mãn tính: loạn sản phế quản phổi, suy dinh dưỡng nặng,…
Virus hợp bào hô hấp lây truyền qua 2 con đường: giọt bắn, dịch tiết hô hấp nhiễm virus và tiếp xúc dịch tiết hô hấp nhiễm virus trên các bề mặt.
Do đó, để phòng tránh nhiễm RSV cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay cho trẻ thường xuyên. Khi trẻ ra ngoài, cần cho đeo khẩu trang, giữ ấm, tránh tiếp xúc với người bị ốm.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cho bé tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch; cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kéo dài đến 2 tuổi và ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng.
Ngay khi phát hiện con có các biểu hiện như sốt cao, co giật, tím tái, bỏ bú, kém ăn, thở nhanh rút lõm lồng ngực, cha mẹ cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.