Lâm Đồng không phải là địa phương duy nhất chậm trễ trong việc ban hành văn bản QPPL thi hành Luật Đất đai. Với việc Luật Đất đai có hiệu lực thi hành sớm hơn 5 tháng, trong khi đây lại là đạo luật có rất nhiều chính sách, quy định mới, đột phá, phân cấp, phân quyền rất mạnh, thì áp lực với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các văn bản QPPL thi hành Luật Đất đai là vô cùng lớn. Trong đó, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao 59 nội dung tại Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai. Do vậy, chỉ trong 12 ngày (ngày 10 - 22.10.2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tiếp có 2 công điện thúc giục Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về vấn đề này. Cụ thể, tại Công điện ngày 10.10, thời hạn hoàn thành được Thủ tướng yêu cầu là trước ngày 15.10.2024. Tiếp đó, tại Công điện ngày 22.10, cùng với việc phê bình nghiêm khắc Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND một số địa phương chậm trễ trong ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra việc chậm ban hành các văn bản này, Thủ tướng cũng đã phải “nới” thời hạn hoàn thành thêm 15 ngày, tức là trước ngày 31.10.2024.
Thực tế thì chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thực thi Luật không chỉ xảy ra với Luật Đất đai mà còn với nhiều luật khác. Ngày 12.11.2024, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ vẫn phải yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương trình ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực từ ngày 1.7.2024 và ngày 1.8.2024. Khi luật đã có hiệu lực mà văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được ban hành thì “khoảng trống pháp lý” ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp cũng như sự phát triển của địa phương là khó tránh khỏi.
Tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, Quốc hội đã thông qua 18 luật và 4 nghị quyết quy phạm pháp luật. Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng luật, Quốc hội đã kiên quyết lược bỏ khỏi các luật, nghị quyết những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Do vậy, số lượng các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết này cũng rất lớn. Thống kê sơ bộ có khoảng 130 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết này, chưa kể các văn bản thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Như vậy, nếu không có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thì e rằng, “khoảng trống pháp lý” sẽ có nguy cơ gia tăng, khiến cho “điểm nghẽn” thể chế dù được tháo gỡ hết sức khẩn trương ở Quốc hội, Chính phủ nhưng có thể sẽ lại vẫn ách tắc ở địa phương, trong thực tiễn cuộc sống.
Rõ ràng, cần phải có những giải pháp căn cơ hơn để khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật. Tại Công điện ngày 22.10, Thủ tướng đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, hay ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở Nội vụ tỉnh xem xét nội dung đã phê bình 4 Giám đốc sở trong đánh giá, xếp loại chất lượng năm 2024 đối với người đứng đầu các sở ngành... Đây đều là những biện pháp hết sức cần thiết nhưng vẫn chưa đủ.
Để thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhất là cho địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" thì cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương cả về số lượng, năng lực, trình độ và phẩm chất. Đội ngũ này phải theo sát được tiến trình xây dựng luật, nghị định, nắm bắt được các chính sách mới, quy định mới, các nội dung sẽ được giao cho các bộ, ngành, địa phương ngay từ khi còn đang được Quốc hội, Chính phủ thảo luận để từ đó chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng các văn bản quy định thuộc thẩm quyền, như tinh thần yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm là Trung ương và địa phương phải "vừa chạy vừa xếp hàng" - chứ không phải là cứ chờ luật, chờ nghị định ban hành xong rồi mới tính đến việc của bộ, ngành, địa phương. Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hiện nay, các bộ, ngành, địa phương càng phải có chính sách đủ hấp dẫn để "giữ chân" người tài đảm đương được những nhiệm vụ hệ trọng này, góp phần rút ngắn nhất "đường đi" của luật vào cuộc sống. Có như vậy, khi thông qua các luật, các đại biểu Quốc hội cũng mới thực sự yên tâm, không còn canh cánh nỗi lo các văn bản quy định chi tiết có được ban hành kịp thời, bảo đảm chất lượng, đúng với quy định, tinh thần của luật hay không.