Theo đại biểu Lý Thị Lan, việc sửa đổi luật này là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu thời đại chuyển đổi số và xây dựng một xã hội hiện đại, xã hội công nghệ điện tử.
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), để tránh các hành vi khác (ngoài 5 hành vi bị nghiêm cấm trong dự án luật quy định) có thể xảy ra mà dự án luật chưa quy định được cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định thành 1 khoản trong điều 8, cụ thể: “6. Các hành vi khác gây thiệt hại, ảnh hưởng đến tài liệu lưu trữ” cho đầy đủ.
Liên quan đến nội dung hủy tài liệu lưu trữ,tạiĐiểm b, Khoản 3, Điều 16 dự thảo luật quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thuộc trường hợp nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử quyết định hủy tài liệu hết giá trị theo quy định”, đại biểu đề nghị bổ sung và sửa thành: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không thuộc trường hợp nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử quyết định hủy tài liệu hết giá trị sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp”. Lý giải về đề xuất này là do các cơ quan, tổ chức không thuộc trường hợp nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử thường không có người làm lưu trữ chuyên trách nên trước khi hủy tài liệu cần có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý cấp trên để tránh việc hủy tài liệu khi tài liệu vẫn còn giá trị.
Đối với nội dung cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước tại Điểm d, Khoản 2, Điều 18 dự thảo luật, đại biểu cho biết, hiện nay, trên địa bàn các địa phương đang có các doanh nghiệp như viễn thông, bưu điện, công ty điện lực tỉnh… Vậy những doanh nghiệp này có phải là cơ quan, tổ chức của Trung ương được tổ chức, hoạt động theo ngành dọc ở cấp tỉnh hay không? Nếu không thì dự thảo luật cần sửa lại để quy định những đơn vị nêu trên thuộc trường hợp nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử cấp tỉnh. Bởi, các doanh nghiệp này không phải là doanh nghiệp Nhà nước do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập.
Tại Khoản 3, Điều 5 dự thảo luật quy định: xây dựng và phát triển nguồn nhân lực lưu trữ chuyên nghiệp, phục vụ; đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lưu trữ; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện hoạt động lưu trữ”. Đại biểu đề nghị xem xét, làm rõ thêm việc quy định cụm từ “phục vụ”. Bởi, quy định như dự thảo luật chưa cụ thể, trong thực tiễn sẽ có nhiều cách hiểu và khó khăn trong việc áp dụng. Đồng thời, bổ sung thêm vào Khoản 5, Điều 5 trường hợp tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân nước ngoài góp vốn đầu tư với các tổ chức, cá nhân trong nước trong hoạt động kinh doanh lưu trữ cho đầy đủ.
Tại Điều 28, đại biểu đề nghị sửa cụm từ: “ghi số bút lục” tại Điểm c, Khoản 2 thành “đánh số tờ”. Bởi lẽ, sử dụng cụm từ “đánh số tờ” tạo được sự thống nhất với quy định về lập hồ sơ giấy tại Khoản 4, Điều 29 Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư. Mặt khác, sử dụng cụm từ “đánh số tờ” sẽ dễ hiểu và đã quen thuộc trong lĩnh vực văn thư, lưu trữ.