Góp lịch sử của Cộng hòa La Mã
Phủ quyết (veto) được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là quyền ngăn cản cái gì đó xảy ra. Trong tiếng Latin, từ “phủ quyết (veto)” nghĩa là “I forbid” (Tôi cấm). Khi quyền phủ quyết được trao cho người đứng đầu nhánh hành pháp (chính phủ) thì đó là quyền ngăn cản các dự luật của nhánh lập pháp có hiệu lực.
Người La Mã thời trước kiên quyết kìm hãm tham vọng của những người mê quyền lực bằng cách cho phép diễn đàn của viện dân cử có quyền bác bỏ dự luật của Thượng viện, và họ cho hai viên chức cao cấp nhất trong chính quyền (consuls) có quyền bác bỏ quyết định lẫn nhau. Phủ quyết giúp kiềm chế các nhà lập pháp quá khích và gìn giữ nền Công hòa trong gần 500 năm.
Lấy cảm hứng từ những người La Mã, ngay từ những ngày đầu lập quốc, những nhà khai quốc công thần của Mỹ đã đưa quyền phủ quyết của Tổng thống vào trong quyền quy định bởi Hiến pháp - trong Điều 1, Đoạn 7. Tổng thống có thể ngăn chặn một biện pháp không cho trở thành luật bằng cách gửi lại cho Quốc hội dự luật không ký nội trong 10 ngày sau khi Quốc hội đã thông qua (“regular veto” - phủ quyết bình thường) hoặc chỉ không ký dự luật sau khi Quốc hội hoãn họp (“pocket veto”). Phủ quyết bình thường có thể bị vô hiệu hóa, nhưng chỉ khi nào cả hai viện có được đa số 2/3 số phiếu. Từ thời Tổng thống George Washington, chỉ có 7% trong số 2.572 lần phủ quyết thật sự bị vô hiệu hóa.
![]() Tổng thống Donald Trump sử dụng quyền phủ quyết lần đầu tiên hôm 15.3 |
Công cụ kiềm chế quyền lực
Trong Tạp chí National Interest, số ngày 8.6.2014, tác giả Robert W. Perry nhận xét, quyền phủ quyết của tổng thống là một trong những điều khoản hàng đầu trong Hiến pháp để ngăn ngừa Quốc hội đi quá giới hạn quy định trong văn bản lập quốc. Thêm vào lập luận trên căn bản hiến pháp, vào các năm 1830, Tổng thống Andrew Jackson còn thêm một biện minh khác cho việc dùng phủ quyết, đó là duy trì quyền của tổng thống để giữ sự cân bằng thích hợp giữa ngành hành pháp và lập pháp trong chính quyền.
Có thể nói rằng việc người đứng đầu cơ quan hành pháp được trao quyền phủ quyết sẽ làm cho nhánh này có thêm sức mạnh như là vũ khí quan trọng để kiềm chế quyền lực nhánh lập pháp. Bởi theo Hiến pháp Mỹ, ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau, không có nhánh nào có quyền lực tuyệt đối. Với lý do, quyền lực tuyệt đối, tối cao sẽ sinh ra lạm quyền.
Động lực giúp thúc đẩy chất lượng lập pháp
Ngoài ra, đó là cơ hội thương lượng của chính phủ và quốc hội cũng như là cơ hội để bày tỏ ý chí của nhánh hành pháp thông qua sự đồng ý hay phản đối của cơ quan này. Mặc dù đôi khi vì lý do chính trị mà quyền phủ quyết bị lạm dụng, tuy nhiên điều này giúp cơ quan hành pháp (thực thi pháp luật) có thể ngăn cản các dự luật không thể được thực thi bởi những lý do như trái với Hiến pháp, xâm phạm quyền hành pháp hay không được soạn thảo một cách kỹ lưỡng,
Do đó, Quốc hội cũng sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trước khi thông qua các dự luật. Nhờ vậy, các đạo luật của cơ quan lập pháp sẽ có chất lượng hơn khi thể hiện cả ý chí của Chính phủ. Cũng như, trong trường hợp cần thiết, Quốc hội phải tổ chức trưng cầu dân ý để xem lợi ích, mong muốn của nhân dân là gì… Như vậy quyền thực sự mới thuộc về người chủ là nhân dân, chứ không phải là người được ủy quyền.