Sinh viên học cùng lúc 2 chương trình đào tạo chính quy
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa có ký Quyết định số 3626/QĐ -ĐHQGHN về việc ban hành Quy chế đào tạo bậc đại học tại ĐHQGHN. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Tổ trưởng Tổ biên soạn Quy chế của ĐHQGHN cho biết, quy chế có điểm mới đáng chú ý là cho phép sinh viên có thể được chuyển ngành học.
Cụ thể, sinh viên hoàn thành năm học thứ nhất được xem xét chuyển sang học một ngành học khác nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành muốn chuyển sang học; có số tín chỉ tích lũy tối thiểu bằng khối lượng thiết kế theo kế hoạch học tập chuẩn của chương trình đào tạo; điểm trung bình chung các học phần tính đến thời điểm xét đạt từ 2,50 trở lên; Không bị cảnh báo học tập hoặc bị xét thi hành kỷ luật…
Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho hay, quy chế mới ban hành không xem xét chuyển ngành học đối với sinh viên đã học từ năm thứ hai. Kết quả học tập của các học phần đã tích lũy của sinh viên chuyển ngành hoặc chuyển hình thức đào tạo sẽ được xem xét để bảo lưu và công nhận tương đương theo các học phần trong ngành mới.
Quy chế mới cũng tiếp tục tạo điều kiện và cho phép sinh viên học cùng lúc 2 chương trình đào tạo theo hình thức đào tạo chính quy – và đây cũng là thế mạnh hấp dẫn thí sinh của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực như Đại học Quốc gia Hà Nội.
Điều kiện để sinh viên được học ngành thứ 2 được bổ sung với quy định chặt chẽ hơn như: Sinh viên phải đã học ít nhất hai học kỳ của chương trình đào tạo thứ nhất, và nếu điểm trung bình chung tất cả các học phần tính từ đầu khóa học đến thời điểm đăng ký học chương trình đào tạo thứ hai đạt từ 2,0 trở lên thì sinh viên phải đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh; còn nếu đạt từ 2,5 trở lên thì sinh viên chỉ phải đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.
Sinh viên phải học 120 – 205 tín chỉ
Về tổ chức tuyển sinh, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, hàng năm, căn cứ quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành văn bản hướng dẫn về công tác tuyển sinh riêng, áp dụng tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về chương trình đào tạo chuẩn được thiết kế tối thiểu 120 tín chỉ tích lũy đối với đào tạo cử nhân, 150 tín chỉ tích lũy đối với đào tạo kĩ sư, 155 tín chỉ đối với đào tạo dược sĩ và tối thiểu 205 tín chỉ đối với đào tạo bác sĩ.
Chương trình đào tạo chất lượng cao được thiết kế nhiều hơn chương trình đào tạo chuẩn tương ứng ít nhất là 15 tín chỉ, trên cơ sở nâng cao, bổ sung một số học phần, có tham khảo chương trình đào tạo nước ngoài hoặc trên cơ sở chương trình đào tạo của một trường đại học tiên tiến có uy tín trên thế giới đã được điều chỉnh phù hợp với các quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chương trình đào tạo tài năng được thiết kế nhiều hơn chương trình đào tạo chuẩn tương ứng ít nhất là 30 tín chỉ, trên cơ sở nâng cao, bổ sung một số học phần với yêu cầu trình độ cao hơn và nội dung rộng hơn, sâu hơn, có tham khảo chương trình đào tạo nước ngoài có uy tín.
Các chương trình song ngành, liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài do ĐHQGHN cấp bằng được thiết kế theo quy định của ĐHQGHN.
Đặc biệt, đối với chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ, ĐHQGHN áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, với chuẩn đầu ra trình độ tương đương bậc 3, hoặc bậc 4 tùy vào chương trình đào tạo.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, khác với Quy chế trước, Quy chế này quy định học phần ngoại ngữ trong chương trình đào tạo là học phần sinh viên bắt buộc phải học và lấy điểm tích lũy, và do đó được tính vào điểm trung bình chung trong kết quả học tập của toàn khóa.
Ngoài ra về khóa học, ĐHQGHN có điều chỉnh khung thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với hình thức đào tạo hệ vừa học vừa làm dài hơn tối thiểu 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo; thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khoá học không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá đối với mỗi hình thức đào tạo.