Israel: Không cố định theo dương lịch
Quốc khánh Israel được tổ chức để kỷ niệm ngày David Ben-Gurion đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức thành lập Nhà nước Israel vào năm 1948. Hàng năm, Quốc khánh Israel được tổ chức vào ngày 5.8 theo lịch riêng của Israel là lịch Do Thái. Do lịch này không tương ứng với dương lịch nên Quốc khánh của Israel thay đổi mỗi năm. Năm 1948, ngày này rơi vào 14.5 dương lịch. Nếu lễ kỷ niệm rơi vào các ngày thứ 2, thứ 6 hoặc thứ 7, sẽ được chuyển dịch lên sớm hoặc muộn hơn.
Lễ mừng Quốc khánh được người dân Israel tổ chức tại núi Herzl ở Jerusalem vào buổi tối. Sau bài diễn văn của Chủ tịch Nghị viện là chương trình biểu diễn nghệ thuật, lễ thượng cờ Israel, một số nghi lễ truyền thống và lễ thắp 12 ngọn đuốc tượng trưng cho 12 tộc người Israel. Mỗi năm, 12 công dân Israel có những đóng góp quan trọng cho xã hội trong một số lĩnh vực sẽ được mời để thắp đuốc.
Mỹ: 4.7 có phải là Quốc khánh?
Như chúng ta vẫn biết, Quốc khánh của nước Mỹ là nhằm kỷ niệm ngày 4.7.1776, ngày 13 thuộc địa của Anh ở lục địa Bắc Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh bằng bản Tuyên ngôn Độc lập của Thomas Jefferson và trở thành Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo sử gia người Mỹ Kenneth C.Davis, trên thực tế, Quốc hội Lục địa đệ nhị đã thông qua Nghị quyết đòi độc lập vào ngày 2.7. Sau đó, Hội nghị mới xem xét, thảo luận bản Tuyên ngôn Độc lập. Do còn phải chỉnh sửa một số từ ngữ, Hội nghị đã thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập 2 ngày sau đó, tức 4.7. Như vậy thực chất, vấn đề độc lập đã được quyết định từ ngày 2.7. Theo ghi chép, ngày 3.7.1776, Tổng thống Mỹ John Adams từng viết thư cho vợ là bà Abigail, trong đó có đoạn: “Ngày 2.7.1976 sẽ trở thành mốc đáng nhớ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tôi tin chắc rằng, ngày này sẽ được các thế hệ tương lai của chúng ta kỷ niệm như một ngày hội lớn”.
Người Mỹ bắt đầu tổ chức lễ độc lập từ năm 1777, nhưng mãi đến năm 1870, Quốc hội Mỹ mới chính thức công nhận ngày 4.7 là Lễ Độc lập (Quốc khánh).
Australia: Ngày Quốc khánh gây tranh cãi
Quốc khánh Australia được tổ chức vào 26.1 hàng năm để kỷ niệm ngày Hạm đội tàu Anh đầu tiên đặt chân đến cảng Jackson, New South Wales và kéo cờ Anh ở Sydney năm 1788.
Tuy nhiên, nhiều người Australia bản địa cho rằng đây thực chất là ngày người châu Âu xâm chiếm vùng đất của họ và phản đối việc chọn ngày này làm ngày Quốc khánh. Họ cho rằng phải gọi đó là Ngày xâm chiếm hay Ngày sống sót, và yêu cầu chọn ngày khác làm ngày Quốc khánh.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến tranh cãi này, ngày 21.8 vừa qua, ba hội đồng tại Melbourne (gồm Hội đồng thành phố Moreland, Darebin và Hội đồng quận Hepburn) cho biết đang cân nhắc xem có ủng hộ cuộc chiến thay đổi ngày Quốc khánh mới được khơi mào hay không. Trước đó, ngày 15.8, Hội đồng thành phố Yarra đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ việc không tiếp tục công nhận 21.8 là ngày Quốc khánh Australia và sẽ không tổ chức lễ trao quyền công dân vào ngày này. Quyết định trên đã dẫn đến phản ứng gay gắt từ Thủ tướng Malcolm Turnbull. Ông Turnbull chỉ trích, quyết định của Hội đồng thành phố Yarra đã phủ nhận các giá trị của người Australia, đồng thời cảnh báo sẽ tước quyền tổ chức bất kỳ lễ trao quyền công dân nào của Hội đồng này.
Pháp: Gắn với Tour de France
Quốc khánh Pháp hay còn được gọi là Ngày Bastille được tổ chức vào 14.7 hàng năm để kỷ niệm ngày các binh sĩ xông vào ngục Bastille ở Paris để giải cứu các tù nhân chính trị. Diễn ra ngày 14.7.1789, đây được xem là sự kiện khơi mào cho Cách mạng Pháp.
Trong ngày Quốc khánh, nhiều hoạt động kỷ niệm được tổ chức trên khắp cả nước, trong đó được tổ chức lâu đời nhất và có quy mô lớn nhất là lễ diễu binh ở Điện Élysée tại Paris, với sự chứng kiến của Tổng thống, quan chức Pháp cùng khách mời.
Ngày Quốc khánh của Pháp cũng là dịp giải đua xe đạp danh tiếng Tour de France thường khởi tranh. Việc lựa chọn thời điểm này được nhiều người lý giải là để các tay đua của Pháp có tinh thần thi đấu mạnh mẽ hơn, giúp họ có khả năng giành chiến thắng ngay tại nước mình cao hơn.
Peru: Dành 2 ngày để kỷ niệm
Một ngày có vẻ không đủ để người Peru kỷ niệm Quốc khánh của mình. Thế nên, Peru đã dành ra 2 ngày liền nhau là 28.7 - ngày Hộ quốc công José de San Martín tuyên bố nền độc lập, xây dựng chính phủ mới tại Peru và 29.7 - ngày vinh danh các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia. Trong ngày 28.7 một cuộc diễu hành lớn trong vài giờ với hàng trăm người mặc những bộ trang phục đầy màu sắc kèm theo tiếng trống hào hùng sẽ diễn ra tại Miraflores, trung tâm thành phố Lima.