Ông NGUYỄN HỮU THÔNG, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận:
Tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW
TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ lớn nhất của cả nước; là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Để xây dựng TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2014/QH14 (Nghị quyết số 54) với các cơ chế đặc thù.
Kết quả tổng kết cho thấy, thực hiện Nghị quyết đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành vẫn chưa tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ cho thành phố phát triển xứng với vị thế, tiềm năng và vai trò của mình. Vì vậy, việc Quốc hội có chính sách vượt trội thay cho Nghị quyết số 54 là tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 31), nhằm tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, tương xứng với đầu tàu kinh tế - xã hội không chỉ cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà cả đất nước. Qua đó, cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 sẽ là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á.
Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội có 2 nhóm chính sách cho 7 lĩnh vực với 44 nội dung cụ thể, tôi thấy những nội dung này là cần thiết và phù hợp với vị thế, xu hướng phát triển của thành phố trong thời gian tới. Các quy định cơ bản đã tháo gỡ kịp thời vướng mắc về mặt thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ỳ trong thực hiện các định hướng của thành phố thời gian qua.
Tuy nhiên, đi đôi với tăng cường phân cấp, phân quyền cho thành phố, cần đề cao trách nhiệm tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng chính sách gây thất thoát lãng phí. Song song với đó, cũng rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Với cơ chế mới và quyết tâm chính trị cao của cán bộ và nhân dân TP. Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tin tưởng mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới mà thành phố đặt ra sẽ được hoàn thành.
ĐBQH PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp):
Phải có thể chế tương thích
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54 nhận định: tiềm năng và lợi thế của TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa thực sự được phát huy hiệu quả, nhất là đối với một đô thị đặc biệt, có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, quy mô dân số nằm trong top 20 của thế giới, có số lượng doanh nghiệp lớn nhất nước. Không những thế, thành phố còn có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, cửa ngõ giao thương quốc tế.
Thời gian qua, thành phố có sự “chùn bước” trong phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới các tỉnh phía Nam cũng như cả nước. Điều này đòi hỏi phải có một thể chế phù hợp, tương thích với tính đặc biệt và vượt trội để giúp TP. Hồ Chí Minh phát huy được các tiềm năng và thế mạnh, tiếp tục là "đầu tàu" dẫn dắt lan tỏa cho cả vùng. Do đó, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 là rất cấp thiết!
Với ý nghĩa đó, cần có sự ủng hộ, đồng tình cao của các đại biểu Quốc hội về các chính sách đặc thù mà Chính phủ trình. Khi được thông qua, các quy định trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần sớm được áp dụng, nhất là các chính sách trong lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; chính sách về đất đai, cơ chế về nhân sự và con người.
Cá nhân tôi rất mong Quốc hội sớm ban hành nghị quyết này. Tôi tin tưởng rằng, qua các cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong dự thảo nghị quyết mới cùng với sự giúp sức của Chính phủ và các bộ ngành, nghị quyết mới sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh đạt được hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, thực sự trở thành đầu tàu của cả nước.
TS. VÕ KIM CƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP. Hồ Chí Minh:
Ba lưu ý để phát huy vai trò "đầu tàu"
Đây là lần thứ ba chúng ta làm cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh. Trước đó có Nghị định số 93/2001/NĐ-CP về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố và Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Tuy nhiên, do vẫn còn nhiều cơ chế mang tính ràng buộc nên thành phố vẫn chưa phát huy được vai trò, vị thế của một thành phố lớn nhất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, để cụ thể hóa mục tiêu trở thành thành phố văn minh, hiện đại, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á; trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực, đi đầu về công nghệ cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW và Nghị quyết số 81/2023/QH15, việc ban hành cơ chế đặc thù là hết sức cần thiết.
Nhìn chung, nội dung dự thảo Nghị quyết đã đưa ra được các cơ chế mang tính đặc thù. Song, tôi cho rằng, muốn tạo sự đột phá, vượt trội thì yếu tố quan trọng nhất là thẩm quyền dành riêng cho thành phố, với tư cách là thành phố lớn nhất cả nước. Theo đó, cần trao thẩm quyền nhiều hơn trong quyết định thủ tục đầu tư, xây dựng và đất đai (như quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giá đất…), tổ chức cán bộ, đặc biệt là ở TP. Thủ Đức. Khi thẩm quyền lớn hơn sẽ giúp thành phố thực hiện tốt hơn vị thế, vai trò của mình. Nhưng cùng với thẩm quyền lớn thì cũng phải có cơ chế trách nhiệm tương đương.
Chẳng hạn, theo quy định, các dự án ở quy mô nhất định phải trình lên Thủ tướng, Quốc hội, nhưng với TP. Hồ Chí Minh chỉ phải báo cáo cấp trên với những dự án ở quy mô lớn hơn. Đó chính là cơ chế đặc thù giúp thành phố rút ngắn thời gian, thủ tục, qua đó thu hút đầu tư hơn.
Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra định hướng các ngành ưu tiên thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch… Đây là những định hướng rất quan trọng. Tuy nhiên, nên chăng, Nghị quyết chỉ nêu định hướng ưu tiên đầu tư thay vì chi tiết dự án. Nhất là với dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cần hết sức cân nhắc đưa vào Nghị quyết, phải có đánh giá thật kỹ lưỡng về tác động, hiệu quả của dự án này.
Tôi cũng như rất nhiều người dân TP. Hồ Chí Minh đang rất trông chờ và đặt rất nhiều niềm tin, kỳ vọng vào Nghị quyết cơ chế đặc thù lần này. Tựu trung, có 3 điểm cần lưu ý để Thành phố thực sự phát huy vai trò đầu tàu, đột phá trong phát triển. Một là, cần xác định những cơ chế nào phù hợp với cả nước nhưng với TP. Hồ Chí Minh thì cần làm khác? Hai là, phải đánh giá vị thế, vai trò của thành phố để có định hướng tập trung cho mũi nhọn phát triển này. Ba là, có cơ chế phối hợp từ Trung ương, các bộ, ngành, địa phương với Thành phố. Nếu không thống nhất, tập trung sẽ không thể phát huy vai trò của TP. Hồ Chí Minh đối với vùng cũng như cả nước.