ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái bình): Chưa nên đưa người tiêu dùng là tổ chức… vào đối tượng bảo vệ của Luật
Liên quan đến khái niệm người tiêu dùng, Khoản 1, Điều 3, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: người tiêu dùng là tổ chức và cá nhân mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ không nhằm mục đích bán lại. Đề nghị QH nghiên cứu, xem xét chưa nên đưa người tiêu dùng là tổ chức vào đối tượng bảo vệ của Luật này vì thứ nhất, kết quả nghiên cứu cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết các nước trên thế giới định nghĩa người tiêu dùng là cá nhân. Chỉ có rất ít quốc gia như Ấn Độ hoặc vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc quy định người tiêu dùng là tổ chức.
Thứ hai, trong bản hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về bảo vệ người tiêu dùng ban hành năm 1985, đã được điều chỉnh năm 1999, tuy khái niệm người tiêu dùng không được giải thích rõ trong bản hướng dẫn này nhưng có nêu rõ 8 quyền người tiêu dùng được hưởng. Qua nghiên cứu, tôi thấy 8 quyền này chỉ có thể là quyền của các chủ thể cá nhân, không thể là quyền của các tổ chức; các quyền năng này không thể trao cho các tổ chức được. Điều này có nghĩa khái niệm về người tiêu dùng trong bản hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc thực chất chỉ là cá nhân của người tiêu dùng. Như vậy, có thể khẳng định xu hướng chung mang tính thông lệ trong pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia có trình độ phát triển cao cũng như các quốc gia khu vực ASEAN, khái niệm người tiêu dùng chỉ giới hạn cá nhân mua sắm hàng hóa dịch vụ không nhằm mục đích kinh doanh thương mại. Việc quan niệm người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức không phù hợp với thông lệ chung của thế giới.
Thứ ba, việc quy định người tiêu dùng chỉ là cá nhân sẽ góp phần khu biệt hóa đối tượng cần được bảo vệ để có thêm điều kiện tập trung nguồn lực có hạn của Nhà nước cho việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng yếu thế nhất và cần được bảo vệ nhất là cá nhân người tiêu dùng. Ở nước ta, với gần 90 triệu người tiêu dùng là những cá nhân cần được bảo vệ. Nhà nước khó có đủ nguồn lực để bảo vệ những người tiêu dùng là các tổ chức như cơ quan nhà nước, các cơ quan ở Trung ương, địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp cũng như hàng triệu hộ kinh doanh, hàng trăm ngàn các doanh nghiệp... Những tổ chức này, với vị thế của mình, họ có đủ điều kiện tự bảo vệ quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng có tổ chức, có điều kiện, có hiểu biết và có kinh nghiệm.
Quy định theo hướng giới hạn người tiêu dùng là cá nhân sẽ góp phần nâng cao ý thức tự bảo vệ của các chủ thể khác có hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa khi tham gia vào quan hệ thị trường, bảo đảm tốt hơn nguyên tắc tự do hợp đồng. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta trong giai đoạn hội nhập rất mạnh mẽ như hiện nay.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với những hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây tác hại đối với người tiêu dùng
Về nguyên tắc hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi đề nghị chỉ cần quy định ở Khoản 1 là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong dự thảo Luật không nên quy định Nhà nước có vai trò chủ đạo trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì cụm từ “vai trò chủ đạo” đã được sử dụng ở nhiều lĩnh vực như thực tế hiệu quả chưa như mong muốn. Mặt khác, bản thân các điều khoản trong dự thảo Luật đã quy định theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nếu chốt lại là “vai trò chủ đạo” của Nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì tôi thấy không phù hợp.
Tôi đề nghị cần bổ sung vào chính sách của Nhà nước trong bảo vệ người tiêu dùng và quy định rõ trong luật về việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với những hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây tác hại đối với người tiêu dùng. Thực tế, đây là hoạt động mà nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã và đang làm rất tốt, không chỉ tốt cho người tiêu dùng mà còn giúp người sản xuất kinh doanh nâng cao trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre): Có một số điểm chưa thống nhất
Việc giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Mục 4 Chương IV thực chất là các nội dung về trình tự thủ tục phải tuân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đối chiếu các quy định này với pháp luật tố tụng dân sự, tôi thấy có những điểm chưa thống nhất.
Ở Điều 41, tại khoản 2 có quy định vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 điều này (Khoản 3 quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án dân sự đơn giản). Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự đang trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp lần này có xu hướng bỏ quy định về thủ tục rút gọn. Nếu được thông qua, đương nhiên khoản 3, Điều 41 dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng phải bỏ. Tại điều 41 chỉ cần quy định đến khoản 2 là đủ. Theo đó, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tại Điều 43, về án phí, lệ phí Tòa án đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Luật quy định: trường hợp người tiêu dùng, tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nguyên đơn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được miễn, tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án. Đối với quy định của pháp luật tố tụng và quy định về án phí, lệ phí hiện hành thì chỉ có tạm ứng án phí, chứ không có tạm ứng lệ phí. Trong dự thảo Luật này, nếu quy định miễn thì chỉ miễn tạm ứng án phí, không có nêu thêm quy định miễn về lệ phí.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang): Cần điều khoản quy định về quảng cáo sản phẩm hàng hóa
Trong dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi thấy chưa có điều khoản nào quy định về quảng cáo sản phẩm hàng hóa. Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành có quy định về nội dung này. Thực tế, vấn đề quảng cáo sản phẩm, hàng hóa sai sự thật đang gây bức xúc trong nhân dân; nhiều người tiêu dùng tin vào hàng hóa qua các hình thức quảng cáo, cuối cùng tiền mất tật mang. Vậy, ai bảo vệ quyền lợi cho họ? Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật một số điều khoản quy định về quảng cáo sản phẩm hàng hóa để các tổ chức, cá nhân tham gia quảng cáo có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng.
ĐBQH Dương Kim Anh (Trà Vinh): Quy định như dự thảo Luật sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của đại đa số nhân dân nhưng…
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trình QH lần này đã được UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý tương đối cụ thể, rõ ràng và xác thực nhiều nội dung theo hướng tiếp cận phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển chung của thế giới nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần bảo vệ các hoạt động kinh doanh chân chính, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, ở Khoản 8, Điều 10, tôi đề nghị thêm cụm từ “dịch vụ” sau cụm từ “kinh doanh” và cụm từ “tài sản” trước cụm từ “sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng”. Bởi lẽ, thực tế có những tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong quá trình cung cấp đã không cung cấp đầy đủ hàng hóa, dịch vụ như thông báo với khách hàng. Ví dụ tình trạng điện lúc có, lúc không đã gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là các cơ sở sản xuất. Đối với một cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, chỉ cần điện bị cắt đột ngột khoảng 30 giây thì thiệt hại tính ra vào khoảng 5 – 6 triệu đồng. Trong trường hợp này, nhà cung cấp điện đã vi phạm Khoản 8, Điều 10 là gây thiệt hại đến tài sản của người tiêu dùng và phải bồi thường thiệt hại cho cơ sở sản xuất theo quy định ở Khoản 1, Điều 1 của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại Khoản 2, Điều 19, dự thảo Luật quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng có quyền tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hủy bỏ hoặc sửa bỏ hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp phát hiện quy định trong hợp đồng điều kiện giao dịch chung vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Tại Khoản 3, Điều 19, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Quy định như dự thảo Luật sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của đại đa số nhân dân nhưng trên thực tế sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn, vì hợp đồng theo mẫu chủ yếu ở những lĩnh vực còn mang tính độc quyền cao như điện, nước... Mặc khác có trường hợp người tiêu dùng không hiểu, không có khả năng đàm phán, thương lượng thì sẽ không còn cách nào khác là phải chấp hành hợp đồng mặc dù điều khoản hợp đồng đó gây bất lợi cho mình.
Ở Điều 16, dự thảo Luật có quy định một số điều khoản vô hiệu. Giả sử nếu một hợp đồng có những điều, khoản gây bất lợi đáng kể cho người tiêu dùng nhưng lại nằm ngoài những điều, khoản vô hiệu quy định tại Điều 16 thì giải quyết như thế nào? Đề nghị UBTVQH nghiên cứu quy định rõ hơn để người tiêu dùng - đối tượng yếu thế trong xã hội - được bảo vệ tốt hơn.
Khoản 1, Điều 12 quy định: nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Song, hiện nay, sự nhập nhằng trong việc quảng cáo ghi nhãn mác dẫn đến chất lượng hàng hóa không đúng với công bố thực tế đã gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng. Ví dụ như mặt hàng sữa, hiện nay có nhiều loại: sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa hoàn nguyên tiệt trùng... Nhưng, chất lượng sữa tươi so với chất lượng công bố theo tiêu chuẩn quy định thì đang còn rất nan giải. Theo số liệu của Cục Cạnh tranh, Bộ Công thương, năm 2009 sản lượng sữa tươi Việt Nam là 270 triệu lít nhưng tổng số lượng sữa nước của các doanh nghiệp là gần 453 triệu lít. Như vậy sẽ có ít nhất 40% sữa tươi tiệt trùng trên thị trường hiện nay không phải 100% sữa tươi nguyên chất. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã gian lận hoặc quảng cáo sản phẩm sai sự thật. Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tăng cường hơn nữa trong việc thường xuyên kiểm tra, hậu kiểm tra và công bố kết quả kiểm tra; đồng thời nên có hình thức xử phạt thật nghiêm đối với các doanh nghiệp có hành vi gian lận.