
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Cần tạo bứt phá trong quản lý doanh nghiệp nhà nước
Các ý kiến tại phiên họp đều đánh giá cao Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tám.

Toàn cảnh phiên họp
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý là đã cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục, giúp giảm chi phí, thời gian tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, các thủ tục quan trọng được cắt giảm như: phê duyệt chiến lược kinh doanh 5 năm, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm; phê duyệt phương án huy động vốn lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính, ban hành Điều lệ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ), phê duyệt Báo cáo tài chính…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu
Ghi nhận bước tiến nêu trên của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nếu việc gì doanh nghiệp cũng phải hỏi cơ quan cấp trên, chiến lược, kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm cũng phải trên phê duyệt, làm từng dự án lại phải hỏi nữa thì sẽ mất thời cơ kinh doanh. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, dự thảo Luật lần này đã được khắc phục một bước vướng mắc nêu trên cho doanh nghiệp nhà nước.
Nhấn mạnh quan điểm “doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo của nền kinh tế của chúng ta, kinh tế tư nhân là động lực”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, xây dựng đạo luật để thay thế Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành phải bảo đảm tạo ra sự bứt phá trong quản lý doanh nghiệp nhà nước để phục vụ cho phát triển kinh tế.
Trên tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần quan tâm hoàn thiện các quy định về quản lý đầu tư tại dự thảo Luật, làm sao tách bạch chức năng quản lý Nhà nước, đại diện chủ sở hữu vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nêu cao trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và lãnh đạo doanh nghiệp; có chính sách tiền lương phù hợp để bảo đảm chất lượng đời sống cho người lao động trong doanh nghiệp nhà nước cũng như có thể thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, cạnh tranh với mọi thành phần kinh tế…
Về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo Luật cần quy định về nội dung này rõ hơn để quá trình thoái vốn, cổ phần hóa không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Doanh nghiệp có vốn nhà nước thì cần có những quy định, nguyên tắc để làm sao nhà nước nắm cổ phần trên 50%. Quỹ đầu tư phát triển phải tăng tính chủ động và chú ý vấn đề kiểm tra giám sát để doanh nghiệp nhà nước thực sự mạnh, đóng vai trò chủ đạo nền kinh tế.
Nhà nước sẽ can thiệp đến đâu ở những doanh nghiệp F2?
Qua chỉnh lý, quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2 của dự thảo Luật đã có một số thay đổi so với dự thảo Luật trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám. Cụ thể, đối tượng áp dụng gồm doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng trừ Ngân hàng chính sách; người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên…
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu rõ, quy định như vậy tại dự thảo Luật sẽ góp phần bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống theo đúng Kết luận số 4348/TB-TTKQH ngày 9.10.2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt "ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của nhà nước với biện pháp, mức độ phù hợp, kể cả ở các doanh nghiệp vốn nhà nước chiếm tỷ lệ dưới 50% hoặc các doanh nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư, góp vốn”.
Ghi nhận quy định của dự thảo Luật đã bảo đảm Nhà nước chỉ quản lý doanh nghiệp F1, các doanh nghiệp F2 sẽ được quản lý thông qua người đại diện phần vốn của nhà nước, không quản lý xuống công ty cấp 2. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần tiếp tục rà soát các quy định tại dự thảo Luật để bảo đảm loại bỏ quy định khiến kế hoạch kinh doanh hay dòng tiền luân chuyển từ cấp 1 xuống cấp 2 sẽ bị quản lý. “Có như vậy mới tháo gỡ, tạo được năng động cho doanh nghiệp, vì trên thực tế nhà nước quản lý quá nhiều”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần giải trình làm rõ thêm đến doanh nghiệp F2 thì vốn góp của nhà nước ở những doanh nghiệp này chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng vốn điều lệ; Nhà nước có can thiệp thì sẽ can thiệp ở mức độ nào với doanh nghiệp F2…
Giải trình, làm rõ các vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thay đổi căn bản nhất so với Luật hiện hành là về đối tượng quản lý. Thay vì quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước, quản lý doanh nghiệp, dự thảo Luật quy định theo hướng chỉ quản phần vốn góp của Nhà nước trong doanh nghiệp. Chủ thể hoàn toàn thay đổi nên các điều khoản tại dự thảo Luật được thiết kế bảo đảm sự thông thoáng cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu
Đối với những doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước dưới 50% vốn điều lệ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sẽ quản lý thông qua người đại diện vốn, "không hề có bất cứ tác động, can thiệp nào vào những doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ quyền chi phối". Dự thảo Luật cũng quy định mang tính bao quát, bảo đảm ngoài thực hiện chức năng, nhiệm vụ cơ bản, người đại diện vốn tại doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm theo dõi, đánh giá trong quá trình tham gia để có định hướng, đề xuất cụ thể với doanh nghiệp. Cụ thể, nếu doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả sẽ đề xuất với Nhà nước để tăng vốn, tham gia thêm. Trong quá trình tham gia, nếu người đại diện vốn thấy doanh nghiệp không có điều kiện để có thể phát triển hoặc có thể có những rủi ro như phá sản hoặc gặp khó khăn thì có thể đề xuất với Nhà nước giảm phần vốn tham gia.

Trong phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; nghiên cứu kỹ các bài học về việc giải quyết các vấn đề về xử lý các dự án lớn tồn đọng, vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn để quản lý chặt chẽ, không xảy ra thất thoát, lãng phí. Tiếp tục rà soát, kế thừa các quy định của luật hiện hành; đánh giá kỹ tác động, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo ra khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước; bảo đảm các quy định của luật giải quyết, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc hiện nay; bao quát những vấn đề mới, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong mối quan hệ với đầu tư vốn của nhà nước và các yêu cầu trong tình hình mới.