Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Thái Nguyên nhận được nhiều đánh giá tích cực của doanh nghiệp về các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Năm 2017, Thái Nguyên xếp thứ 15 trên bảng tổng sắp. Tuy bị tụt tới 8 bậc so với năm 2016, nhưng tỉnh vẫn đứng ở nhóm xếp hạng khá. Đặc biệt, tổng điểm của tỉnh vẫn đạt cao, vượt gần 3 điểm so với năm trước. Điều đáng nói là, trong 5 năm qua dù thứ hạng có lúc ở vị trí thứ 7 nhưng chưa bao giờ Thái Nguyên đạt số điểm cao như vậy. Xét số điểm trong 10 chỉ số thành phần của PCI, năm 2017 có 6 chỉ số tăng điểm (tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và anh ninh trật tự) và 4 chỉ số giảm điểm (gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng).
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 130 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 7.288,1 triệu USD, tổng vốn thực hiện 6.883,7 triệu USD. Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư và cấp chứng nhận đầu tư mới cho 17 dự án với tổng số vốn là 2.000 tỷ đồng; cấp thành lập mới cho trên 380 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 2.405 tỷ đồng; cấp thay đổi, điều chỉnh cho trên 460 doanh nghiệp; số doanh nghiệp giải thể, thu hồi là 44 doanh nghiệp; số tạm ngừng hoạt động là 125 doanh nghiệp. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có gần 6.320 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là trên 79.575 tỷ đồng. Đây là kết quả của nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu tối đa thời gian thực hiện các thủ tục; chủ động tổ chức các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền và ngân hàng để tháo gỡ các khó khăn; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thị trường, giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy thị trường bất động sản, dự án khu đô thị, khu dân cư… Với nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân, tỉnh Thái Nguyên dần trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước, trong đó nổi bật là việc thu hút đầu tư, hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, uy tín cả trong và ngoài nước. Tỉnh đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Đức… đến tìm hiểu đầu tư.
Phát triển công nghiệp luôn gắn với hệ luỵ tới môi trường, bởi vậy bảo vệ môi trường - một trong những nội dung cơ bản để phát triển bền vững, phải được thể hiện trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các KCN thường xuyên đôn đốc công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu đến 2020, giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại các KCN và CCN, khu đô thị, khu du lịch, khu khai khoáng, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở chăn nuôi. Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và phát triển một số khu bảo tồn, vườn quốc gia. Đặc biệt, vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu trong quy hoạch và phát triển đô thị, các KCN và CCN và chú trọng có trọng điểm trong quy hoạch và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện phân vùng quản lý môi trường để quản lý phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, kiểm soát ô nhiễm của các cơ sở sản xuất - kinh doanh, bệnh viện, khu dân cư, KCN và CCN bằng áp dụng rộng rãi, có hiệu quả cao các biện pháp phòng ngừa và xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vốn và ưu đãi thuế đối với các cơ sở áp dụng công nghệ sản xuất sạch, ít chất thải, phân loại, tái chế, tái sử dụng, thu gom, xử lý chất thải và xã hội hóa các thành phần kinh tế tham gia quản lý bảo vệ môi trường.
Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, sự đồng lòng của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục là điểm đến, địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.