Chia sẻ tại Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 22.12, đề cập đến vấn đề xử lý rác thải trên địa bàn Thủ đô, ông Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, cần có những định hướng quy hoạch cụ thể để đảm bảo xử lý chất thải rắn, coi đây là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Theo ông Đàm Văn Huân, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể là quy hoạch 17 khu xử lý chất thải với công nghệ lúc đó được đánh giá là tiến bộ - đốt thu hồi năng lượng, vi sinh...
Căn cứ vào quy hoạch trên, Hà Nội đã rất tích cực trong việc triển khai hầu hết 17 vị trí, các chủ đầu tư nghiên cứu và hiện đã có hai khu vực có nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng phát điện là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Công suất của nhà máy Nam Sơn hiện là 4 nghìn tấn rác khô/ngày đêm, tương đương 5,5 nghìn tấn rác tươi.
Nhà máy rác Xuân Sơn có công suất giai đoạn 1 là 1,5 nghìn tấn rác khô, tương ứng với 1800 tấn rác tươi và thành phố đang đề nghị triển khai giai đoạn 2 để tăng công suất. Cả hai nhà máy trên sẽ đều hoạt động đầy đủ trong năm 2024, với tổng công suất xử lý rác thải khô dự kiến vào khoảng 5500 tấn, tương đương 7800 tấn rác tươi. Như vậy, với lượng rác trên địa bàn thành phố bình quân khoảng 7000 tấn rác tươi/ngày đêm thì hai nhà máy cơ bản đáp ứng đủ cho toàn thành phố.
Ông Đàm Văn Huân cho rằng, câu chuyện của thành phố đang nằm ở vị trí của hai nhà máy đang hoạt động này so với phân vùng. Một nằm hoàn toàn ở phía Bắc và một nhà máy phía Tây Bắc. Hiện nay, phía Nam và Đông Nam thành phố còn bỏ trống nhà máy xử lý rác thải, gồm Ứng Hòa, Phú Xuyên và bên này là Long Biên, Thanh Trì. Sự chưa hợp lý trên dẫn đến tình trạng rác phải vận chuyển rất xa địa điểm xử lý, và thậm chí phải đi qua khu vực đô thị, làm ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt có thể phát sinh dịch bệnh và làm chi phí ngân sách tăng cao. Về vị trí đặt nhà máy xử lý rác thải, với công suất lớn như vậy cũng ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đôi khi gây nên bức xức trong dư luận.
"Hai nhà máy hiện nay của Hà Nội đều sử dụng công nghệ đốt cả rác hữu cơ lẫn vô cơ. Cho nên, nếu phân loại được rác từ đầu nguồn thì sẽ tiết kiệm được cho nhân dân và cho xã hội.
Hà Nội quyết tâm đưa vào trong quy hoạch là sẽ phân loại và tái chế là 25%, 15% tái chế tại hộ gia đình, 10% tái chế tại điểm trung chuyển. Khi rà soát lại quy hoạch thì thành phố mạnh dạn đề xuất, riêng rác thải xây dựng phải tái chế là 60%" - ông Đàm Văn Huân nhấn mạnh.