Ngày bầu cử
Theo quy định, tổng tuyển cử tại Singapore phải được diễn ra trong vòng 3 tháng kể từ khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của Quốc hội, tính từ ngày họp đầu tiên của khóa Quốc hội đó. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, các cuộc bầu cử Quốc hội sẽ được giải tán trước khi kết thúc nhiệm kỳ và một cuộc bầu cử mới sẽ được phát động theo yêu cầu của Thủ tướng.
Để mở đường cho cuộc bầu cử, Tổng thống Singapore tuyên bố giải tán Quốc hội và công bố quy định về những mốc ngày quan trọng của cuộc bầu cử, chẳng hạn Ngày đề cử danh sách ứng viên (Nomination Day); Ngày Yên tĩnh (Cooling-off Day - các đảng phải đình chỉ mọi hoạt động tranh cử nhằm để cử tri bình tâm cân nhắc nên bỏ phiếu cho ai); và Ngày Bầu cử (Polling Day).
Nhiệm kỳ hiện tại của Quốc hội Singapore sẽ kết thúc vào tháng 4.2021 và thời điểm muộn nhất để giải tán Quốc hội và chuẩn bị cho bầu cử là tháng 1.2021. Vì thế, vào ngày 23.6 vừa qua, Tổng thống Halimah Yacob đã giải tán Quốc hội theo đề xuất của Thủ tướng Lý Hiển Long, đồng thời thông báo Ngày đề cử ứng viên là ngày 30.6; Ngày Yên tĩnh là 9.7 và Ngày Bầu cử là 10.7.
Trong Ngày Đề cử, mỗi ứng cử viên phải ký quỹ 16.000 SGD. Nếu tỷ lệ phiếu bầu của ứng cử viên đó được dưới 12,5% thì số tiền này bị nhà nước thu, còn ngược lại sẽ được trả lại cho ứng cử viên.
Chi phí cho cuộc bầu cử Quốc hội lần này theo quy định là 3,5 SGD cho mỗi cử tri; như vậy tổng chi phí hết khoảng gần 9,22 triệu SGD (tương đương 147 tỷ đồng).
Thể thức bầu cử
Pháp luật về bầu cử của Singapore không ấn định số nghị sĩ cũng như lượng đơn vị bầu cử mà sẽ phụ thuộc vào tuyên bố của Thủ tướng trước mỗi kỳ bầu cử, phù hợp với quy định của Luật Bầu cử lập pháp, trên cơ sở khuyến nghị của Ủy ban Đánh giá Ranh giới bầu cử. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2015, Singapore được chia thành 27 khu vực bầu cử, trong đó có 12 khu vực bầu cử một thành viên (Single Member Constituency - SMC), tức chỉ bầu một nghị sĩ, mỗi đảng chỉ được cử một ứng viên tham gia tranh cử; và 15 khu vực bầu cử theo nhóm nghị sĩ (Group Representation Constituency - GMC), được bầu 4-6 nghị sĩ, mỗi chính đảng được cử một nhóm 4 - 6 ứng viên tham gia tranh cử, trong đó bắt buộc phải có một ứng viên là người sắc tộc thiểu số. Cụ thể có 2 khu vực bầu cử bầu 4 nghị sĩ, 11 khu vực bầu 5 nghị sĩ 2 hai khu vực bầu 6 nghị sĩ. Đặc biệt có 1 khu vực bầu cử chỉ có 5 ứng viên của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, không có ứng viên của đảng khác, có lẽ vì PAP chiếm ưu thế tuyệt đối ở khu này.
Khu vực bầu cử theo nhóm nghị sĩ là đặc điểm lớn nhất trong chế độ bầu cử của Singapore, nhằm tạo điều kiện cho các sắc tộc thiểu số như người Mã lai và người Ấn Độ có đại diện trong Quốc hội. Trong lần bầu cử năm 2015, người Hoa chiếm 78,3% tổng số cử tri; người Mã lai chiếm 13,6%; người Ấn Độ chiếm 7,0% và các sắc tộc khác chiếm 1,1%.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, Ủy ban Đánh giá Ranh giới bầu cử đã điều chỉnh lại ranh giới, theo đó, Singapore có tất cả 31 đơn vị bầu cử, với 17 GRC và 14 SMC. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1991, GRC bầu 6 nghị sĩ đã bị hủy bỏ và thay thế bằng GRC bầu 5 nghị sĩ. Những thay đổi về đơn vị bầu cử dẫn đến khoảng 13% cử tri được phân bổ cho một khu vực bầu cử mới và số lượng ghế của Quốc hội đã được tăng từ 89 lên 93 ghế.
Box: Tiêu chuẩn đối với ứng cử viên: Là công dân Singapore; từ đủ 21 tuổi trở lên vào ngày ứng cử; phải có tên trong sổ đăng ký cử tri; phải sinh sống tại Singapore vào ngày được đề cử và đã cư trú tại Singapore không dưới mười năm trước ngày đó; có khả năng nói, đọc (trừ khi bị khiếm thị) và viết ít nhất một trong các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Mã lai, tiếng Quan Thoại và tiếng Tamil; và đặc biệt không bị loại bỏ tư cách nghị sĩ theo Điều 45 của Hiến pháp.