Chú trọng hơn những chính sách thực sự đột phá
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XI và 5 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54/2017/QH14), Thành phố tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy mô kinh tế tăng gấp 2,7 lần so năm 2010, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt hơn 6.200 USD/người; số thu ngân sách của Thành phố chiếm 27% tổng thu ngân sách cả nước. Công tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thành phố từng bước được cải thiện và nâng cao.
Nhấn mạnh vai trò đầu tàu kinh tế và tác động lan toả tích cực trong sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển cho Thành phố. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết, đã nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu công phu để đề xuất các chính sách rất dày dặn và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, tại Dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá như đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), cơ chế này sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách song cũng chỉ ở quy mô hẹp. Do đó, cần nghiên cứu để có bước thực sự đột phá, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, tránh "nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo"; tránh một số quy định mang tính dập khuôn như các địa phương khác (như về chuyển đổi đất trồng lúa, quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược…), trong khi đó có thể nghiên cứu trên nền các chính sách này để vận dụng theo hướng đột phá hơn, mạnh mẽ tương xứng với quy mô, vị thế của Thành phố.
Mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư PPP
Điểm a, b khoản 5 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết quy định mở rộng lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa. Tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực trên không thấp hơn 100 tỷ đồng, trừ loại hợp đồng O&M.
Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay, tại Thành phố nhiều công trình do Nhà nước quản lý trong các lĩnh vực thể thao (sân vận động, nhà thi đấu đa năng, hồ bơi…), bảo tàng, di tích, di sản văn hóa đã xuống cấp, cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Nhiều dự án công trình thể thao chuyên nghiệp như Khu liên hiệp thể dục thể thao chưa được đầu tư mới trong khi Luật Đầu tư theo phương thức PPP không quy định áp dụng thực hiện trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa. Do đó, để có căn cứ huy động nguồn lực xã hội hóa theo phương thức đầu tư PPP, dự thảo Nghị quyết bổ sung các lĩnh vực nêu trên là đối tượng được áp dụng theo Luật PPP.
Việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng để áp dụng phương thức đầu tư PPP là cần thiết, nhằm ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quan trọng, khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân thuộc các lĩnh vực được xác định, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro do các dự án PPP còn liên quan đến các nghĩa vụ từ phía khu vực công, như bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu...
Tán thành với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, nên mở rộng phạm vi hơn so với đề xuất ở dự thảo Nghị quyết. "Những cái gì mà Luật không quy định nhưng thành phố thấy cần thiết thì có thể mở rộng ra". Ủng hộ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị, mở rộng lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP ra cả lĩnh vực khác, thay vì chỉ trong lĩnh vực văn hóa - thể thao như đề xuất trong dự thảo Nghị quyết. Cùng với đó, nên bỏ quy định về định mức 100 tỷ đồng mà nên trao thẩm quyền cho HĐND Thành phố quyết định phù hợp tình hình thực tiễn, nhằm đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá.
Ở góc nhìn khác, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy,dự thảo Nghị quyết đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho HĐND TP. Hồ Chí Minh và HĐND TP. Thủ Đức. Đối với HĐND TP. Hồ Chí Minh thì phân cấp nhiều thẩm quyền của Thủ tướng cho HĐND thành phố; đối với thành phố Thủ Đức thì lại phân cấp nhiều thẩm quyền của HĐND và UBND TP. Hồ Chí Minh cho HĐND thành phố Thủ Đức. “Chúng tôi thấy rằng tăng thẩm quyền rất lớn, tuy nhiên chưa rõ về phần tổ chức bộ máy liên quan đến tổ chức bộ máy của HĐND TP. Hồ Chí Minh và HĐND thành phố Thủ Đức. Ngoài việc thành lập thêm Ban Đô thị, thì các ban khác cũng như số lượng cán bộ, đại biểu chuyên trách hoặc tăng thêm các cơ chế, chính sách cho tổ chức bộ máy để đảm đương được nhiệm vụ mà đã phân cấp, phân quyền lớn như vậy”. Nêu vấn đề này, Trưởng Ban công tác đại biểu đề nghị, cần quan tâm hơn tới tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành nhằm bảo đảm tương thích, phù hợp với chức năng, thẩm quyền của HĐND thành phố.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt Nghị quyết 31- NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Rà soát tổng thể từng chính sách để bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thực sự cần thiết, khả thi, không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại mà cần có đột phá vượt trội, khơi thông nguồn lực, kiến tạo để phát triển, có tính lan tỏa, tác dụng sâu không chỉ đối với thành phố mà còn cho cả vùng, cả nước. “Từng chính sách phải có điều kiện để thực hiện, gắn trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, hài hòa lợi ích của nhà nước và của nhà đầu tư”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, đánh giá kỹ tác động để thuyết minh tính thuyết phục của các chính sách trong dự thảo nghị quyết. Đánh giá thêm ảnh hưởng của chính sách, đặc biệt đối với các nhóm chính sách ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố khác và của cả nước. Đề xuất hợp lý, cân đối lợi ích mang lại không chỉ riêng cho thành phố mà đặt trong tổng thể lợi ích quốc gia, nhất là các chính sách miễn, giảm phí, ưu đãi đầu tư đối với việc cho phép thành phố quyết định nguồn vay trong nước và ngoài nước trong tổng số vay.