Ngành công nghiệp bạc tỷ
Trò chơi điện tử, theo nghĩa chung nhất, là trò chơi sử dụng thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác với người chơi nhằm mục đích chính là giải trí. Trò chơi điện tử bao gồm nhiều hình thức khác nhau như máy chơi game cầm tay (Electronic handhelds), máy bắn bi và các thiết bị tương tự (Pinball machines and similar devices), Trò chơi âm thanh (Audio games) và Trò chơi video (Video games) nhưng phổ biến nhất là trò chơi video.
Trò chơi điện tử ra đời gắn liền với sự ra đời và phát triển của lĩnh vực máy tính, công nghệ thông tin, mạng internet, kỹ thuật số… Không thể phủ nhận những lợi ích mà trò chơi điện tử mang lại. Đối với người chơi, nó giúp con người giải trí, nâng cao khả năng phản xạ, cải thiện trí thông minh, kết nối những người có cùng sở thích. Đặc biệt, đối với các bạn trẻ, trò chơi điện tử giúp kích thích trí tò mò, sáng tạo, sự yêu thích đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, máy tính… giúp các bạn có định hướng và niềm đam mê để theo đuổi, định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực này trong tương lai.
Trong khi đó, đối với nền kinh tế của một quốc gia, trò chơi điện tử trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh, đem lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng như cho nền kinh tế quốc gia. Chẳng hạn như theo một số số liệu thống kê, tại Đức, Hiệp hội công nghiệp trò chơi nước này cho biết năm 2021 doanh thu bán hàng trên thị trường trò chơi điện tử (game) nước này đã tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức kỷ lục 9,8 tỷ euro (10,7 tỷ USD). Còn ngay trong năm 2020 - năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu từ phần mềm chơi game, dịch vụ trực tuyến và phần cứng tại Đức đã tăng hơn 32% so với năm 2019. Tại Trung Quốc, năm 2021, với dân số đông nhất thế giới lên đến 1,4 tỷ người, thị trường game của Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất trên toàn thế giới, với doanh thu 296,5 tỷ NDT (46,6 tỷ USD). Tại Thái Lan, đại diện Cơ quan Xúc tiến Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) nước này cho biết ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Thái Lan được định giá 29 tỷ baht (gần 1 tỷ USD) vào năm 2020, với mức tăng trưởng trung bình 14% mỗi năm. Như vậy, có thể thấy, lĩnh vực trò chơi điện tử đã trở thành một lĩnh vực công nghiệp thu lợi nhuận lớn.

Chứng “nghiện” game và những hệ lụy
Tuy nhiên, trò chơi điện tử cũng có những mặt trái, những tác động tiêu cực đối với người chơi và xã hội đã được nhắc đến nhiều lần. Đối với người chơi, nhất là đối với trẻ em, chơi trò chơi điện tử nhiều dẫn đến tình trạng “nghiện” trò chơi điện tử, từ đó mất quá nhiều thời gian cho trò chơi, không còn để ý đến việc học hành, giúp đỡ cha mẹ, hoặc tham gia các hình thức giải trí, vui chơi lành mạnh hơn như chơi thể thao, đi dã ngoại, thăm quan các di tích, danh lam thắng cảnh… Đáng nói hơn là những tác hại ghê gớm của việc nghiện trò chơi điện tử tới sức khỏe của người chơi. Chơi điện tử hằng giờ mỗi ngày gây ra mệt mỏi mắt, hao mòn thần kinh và sức khỏe giảm sút. Việc chơi 'quên ăn, quên uống' làm cho cơ thể không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất; tư thế ngồi ít thay đổi hằng giờ liền... là những lý do làm cơ thể rã rời, đau nhức. Nghiện trò chơi điện tử không chỉ dẫn tới những chấn thương nói trên mà còn bị kích thích gây rối loạn giấc ngủ và rối loạn hành vi như ăn cắp, nói dối, trầm cảm hoặc manh động... Một số em hình thành kiểu hành xử nhầm lẫn giữa đời sống thực và ảo, gây nên những lệch lạc về tâm lý tính cách…Một số công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực này theo đuổi lợi nhuận, cho ra đời những sản phẩm thiếu tính giáo dục, cổ vũ bạo lực, thậm chí trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật khác, gây ra những tác hại tiêu cực rất lớn đối với người chơi và xã hội.