Hàn Quốc: Từ cấm sang quản lý

- Chủ Nhật, 29/05/2022, 06:22 - Chia sẻ

Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp đặt các biện pháp hạn chế. Hàn Quốc đã ban hành "Luật Tắt máy" vào năm 2011 để ngăn chặn chứng nghiện game ở trẻ em. Tuy nhiên, điều luật này gần đây đã bị bãi bỏ do tỏ ra không còn thích hợp, cho thấy cách tiếp cận khác của các nhà lập pháp Hàn Quốc.

“Luật Tắt máy” (Game online Shutdown Law)

Đạo luật Bảo vệ thanh thiếu niên sửa đổi, còn được gọi là Luật Tắt máy hoặc Luật Cinderella, được Quốc hội Hàn Quốc thông qua ngày 19.5.2011 và có hiệu lực vào ngày 20.11.2011, nghiêm cấm trẻ em dưới 16 tuổi chơi trò chơi điện tử trực tuyến trong khoảng thời gian từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng.

Luật Tắt máy nhắm vào các trò chơi trực tuyến trên máy tính cá nhân, nhưng không điều chỉnh đối với các trò chơi trên bảng điều khiển và trò chơi trên thiết bị di động. Tuy nhiên, do khó thực hiện luật trong một số trường hợp, họ đã quyết định cấm hoàn toàn tất cả các trò chơi của một số công ty, chẳng hạn như Xbox Live hoặc PSN.

Quốc hội hôm thứ Năm đã tổ chức phiên họp toàn thể và bỏ phiếu ủng hộ việc sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Thanh niên, bãi bỏ cái được gọi là “luật tắt máy” cấm truy cập trò chơi PC trực tuyến đối với thanh thiếu niên dưới 16 tuổi từ nửa đêm đến 6 giờ sáng.

Luật Tắt máy do một nhóm các bậc cha mẹ phản đối game online và các quan chức Chính phủ đề xuất, và được quảng cáo là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ em chưa đủ tuổi nghiện chơi game có hại cũng như giúp bảo đảm thời gian ngủ tối thiểu 6 tiếng mỗi đêm cho trẻ.

Cũng như các quy định gây tranh cãi khác, Luật Tắt máy còn thiếu những cơ sở khoa học. Có rất ít, nếu có, bằng chứng khoa học cho thấy việc hạn chế truy cập vào các trò chơi PC trực tuyến quá nửa đêm có thể ngăn chặn thành công chứng nghiện game. Ngoài ra, lý do khiến học sinh Hàn Quốc có xu hướng thiếu ngủ là ngay từ những ngày còn học tiểu học, chủ yếu là do em thường bị ép học đến khuya hoặc ở trường luyện thi hoặc ở nhà dưới sự giám sát chặt chẽ của cha mẹ, trong bối cảnh Hàn Quốc là đất nước có văn hóa cạnh tranh khốc liệt để được nhận vào các trường đại học danh tiếng.

Vào năm 2014, một nhóm trẻ vị thành niên và cha mẹ của họ đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp, đặt ra câu hỏi về cơ sở pháp lý của Luật Tắt máy. Tòa án phán quyết rằng Luật Tắt máy không thể bị coi là "quy định quá mức" do tỷ lệ thanh niên Hàn Quốc chơi trò chơi trực tuyến cao và những trò chơi như vậy có tính gây nghiện cao. Tòa án Hiến pháp cũng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe thanh thiếu niên và ngăn chặn chứng nghiện trò chơi trực tuyến.

Hàn Quốc: Từ cấm sang quản lý -0
Nguồn: bloomberg

Những người ủng hộ Luật Tắt máy ca ngợi phán quyết của Tòa án, nhưng các nhà phê bình, đặc biệt là từ ngành công nghiệp trò chơi cho rằng đây là một trường hợp điển hình cho thấy luật đang can thiệp quá sâu vào lựa chọn của trẻ em, và cha mẹ, chứ không phải chính phủ, nên có quyền hướng dẫn trẻ em về thời điểm và cách họ tham gia vào các hoạt động giải trí.

Trong những năm gần đây, ngay cả các cơ quan nhà nước như Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc cũng đưa ra một số báo cáo cho thấy thời lượng chơi game của giới trẻ không có mối quan hệ nhân quả nào với thời gian ngủ của họ.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng các biện pháp hạn chế chơi game trên nền tảng máy tính không mang lại hiệu quả trong bối cảnh trẻ em có xu hướng chơi game trên thiết bị di động nhiều hơn hiện nay. Giờ đây, người ta thường thấy mọi thành viên trong gia đình, bao gồm cả trẻ em, mang theo điện thoại thông minh, xem video trực tuyến, nghe nhạc và chơi các trò chơi trên di động. Thanh niên hiểu biết về công nghệ ngày nay có thể tận hưởng các hình thức giải trí kỹ thuật số đa dạng như webtoon và tiểu thuyết trực tuyến mà không bị giới hạn thời gian do nhà nước áp đặt và say mê mạng xã hội như Instagram hàng giờ - trừ khi cha mẹ của họ tham gia.

Quan điểm của Chính phủ bắt đầu có sự thay đổi đáng kể vào tháng 8 chỉ sau khi trò chơi trực tuyến nổi tiếng Minecraft chạm vào làn sóng chỉ trích về Luật Tắt máy. Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các nhà phát triển trò chơi trong và ngoài nước thực hiện Luật Tắt máy, nhưng Microsoft, công ty điều hành Minecraft, chỉ đơn giản là thay đổi xếp hạng của trò chơi (sang xếp hạng R) để chỉ người lớn mới có thể chơi trò chơi.

Hành động của Microsoft đã đưa đến một làn sóng chế diễu và chỉ trích quy định của Luật Tắt máy, cả trong và ngoài Hàn Quốc. Điều đó buộc các nhà lập pháp và hoạch định chính sách của nước này phải nghiêm túc suy nghĩ lại về sự cần thiết của đạo luật.

Trao cho cha mẹ và trẻ em quyền tự quyết

Cuối cùng, vào tháng 8.2021, Luật Tắt máy đã được bãi bỏ sau khi Quốc hội nước này sửa đổi Đạo luật Bảo vệ thanh thiếu niên.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, cũng như Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, nói rằng họ muốn chấm dứt một đạo luật thiếu tôn trọng quyền trẻ em và khuyến khích giáo dục tại gia đình.

Tuy nhiên, tin tức này không có nghĩa là các game thủ chưa đủ tuổi hoàn toàn lạc quan. Thay vào đó, việc chơi game quá mức sẽ được quản lý bởi hệ thống "giấy phép lựa chọn" của đất nước, cho phép cha mẹ và người giám hộ trong đó các bậc phụ huynh hoặc người giám hộ sẽ lựa chọn giờ chơi của con mình và đăng ký, rồi những người con cứ thế mà làm theo.

“Trong môi trường truyền thông đang thay đổi, khả năng trẻ em tự quyết định và tự bảo vệ mình trở nên quan trọng hơn bất cứ điều gì”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Yoo Eun-hae cho biết. Theo The Korea Times, các bộ hỗ trợ một cách có hệ thống giáo dục sử dụng trò chơi và truyền thông tại trường học, gia đình và xã hội để những người trẻ tuổi có thể phát triển những khả năng này, đồng thời tiếp tục nỗ lực tạo ra một môi trường chơi game lành mạnh và các hoạt động giải trí khác nhau cho trẻ em.

Quỳnh Vũ