Tinh thần là "đã ưu đãi rồi phải ưu đãi hơn nữa", đặc biệt là với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối tượng được tiếp cận chính sách tín dụng đang bị giới hạn?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra giám sát các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” sáng 16.6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, ban hành Nghị định số 28/2022/ NĐ - CP ngày 26.4.2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Nghị định đã nâng mức cho vay cao hơn, quy định điều kiện vay vốn đơn giản, thuận lợi cho hộ dân…
Đến nay, theo ghi nhận, Ngân hàng Nhà nước chỉ nhận được 1 kiến nghị của tỉnh Yên Bái liên quan đến việc triển khai Nghị định 28/2022/NĐ - CP, và đã có văn bản trả lời tỉnh Yên Bái cũng như gửi cho tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước để các địa phương thống nhất thực hiện.
Dù rất nỗ lực, tích cực ban hành chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, thế nhưng, đánh giá về tính kịp thời, đầy đủ của Nghị định 28/2022/NĐ - CP, Tổ công tác của Đoàn giám sát nhận thấy, đối tượng, phạm vi thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định này còn hạn chế, bị giới hạn chủ yếu với hộ nghèo dân tộc thiểu số là chưa đúng tinh thần, quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 65 - KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành - Tổ trưởng Tổ công tác, nêu rõ, việc chỉ giới hạn đối tượng thụ hưởng như Nghị định sẽ dẫn đến một bộ phận lớn người dân sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách kịp thời để tham gia các dự án phát triển của vùng, miền. Vì thế, chưa tạo động lực, khuyến khích đồng bào mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến đột phá cho vùng. Ngoài ra, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là đối tượng có nhiều khó khăn cần được hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi, nhưng không được tiếp cận các chính sách này. Trong khi đó, Nghị quyết 88/2019/QH14 nêu rõ, phạm vi đối tượng điều chỉnh là hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số.
“Đã ưu đãi rồi phải ưu đãi hơn nữa”
Một trong những chính sách rất quan trọng cần thúc đẩy thông qua việc thực hiện Nghị định 28/2022/NĐ - CP, đó là hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư bằng chính sách tín dụng ưu đãi. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người nghèo thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Nêu vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ, vì sao Nghị định 28/2022/NĐ - CP lại tạo vướng mắc như thế? Trong khi đó, Kết luận 65 - KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội đều đã cho phép mở rộng đối tượng tiếp cận tín dụng - có nghĩa cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý đều đã có. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm kiến nghị Chính phủ khắc phục vướng mắc này, Chủ nhiệm UB Vũ Hồng Thanh thẳng thắn.
Cũng liên quan đến Nghị định 28/2022/NĐ - CP, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, theo Nghị định này, định mức cho vay đối với đất ở là 50 triệu đồng/hộ; nhà ở được vay tối đa 40 triệu/hộ, nhưng hầu như không giải ngân được do không phù hợp với diễn biến thực tế. Bởi, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo không có đất ở, không có đất sản xuất, không có nhà ở, thì càng khó tiếp cận nguồn vốn chính sách. Theo phản ánh của địa phương, nhu cầu vay vốn là có, nhưng không thỏa mãn tiêu chí bảo đảm an toàn cho vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ tháo gỡ khó khăn này như thế nào cho đồng bào dân tộc thiểu số - Phó Chủ tịch Trần Thị Hoa Ry nêu câu hỏi.
Giải trình những vấn đề thành viên Đoàn giám sát nêu ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, Nghị định 28/2022/NĐ - CP được ban hành trên cơ sở Tờ trình của Ủy ban Dân tộc, bám sát Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định số 1719/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025). Về hỗ trợ nguồn lực đầu vào (nguồn vốn), thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị đầu mối; đầu ra là đối tượng được thụ hưởng do các Bộ chủ quản của các Chương trình mục tiêu quốc gia phụ trách. Ngân hàng Nhà nước thực hiện hướng dẫn "khâu giữa" là chính sách về tín dụng, bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng. Vì những ý kiến của Đoàn giám sát liên quan đến chức năng của các Bộ chủ quản và cơ quan điều phối, nên Ngân hàng Nhà nước xin phép được tổng hợp đầy đủ để cùng cơ quan điều phối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo lại với Chính phủ về những vướng mắc của Nghị định 28/2022/NĐ - CP.
Đối với đối tượng, phạm vi thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định 28/2022/NĐ - CP còn hạn chế, chủ yếu là hộ nghèo dân tộc thiểu số, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, “đối tượng của Nghị định được căn cứ theo đề xuất của Ủy ban Dân tộc và chỉ phục vụ cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Những người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn được tiếp cận chính sách theo Nghị định số 155/2015/NĐ - CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; và vẫn được tiếp cận 26 chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thống đốc cũng nêu rõ lý do vì sao người dân ít tiếp cận chính sách tín dụng về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, bởi đây là chính sách cho vay, chứ không phải hỗ trợ cấp phát trực tiếp. Kể cả trong trường hợp hạn mức cho vay cao hơn, lãi suất cho vay bằng 0%, thì hộ nghèo vẫn phải trả nợ gốc, do đó, vấn đề này còn phụ thuộc vào nhu cầu của người dân. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và tiếp tục theo dõi.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, các thành viên Đoàn giám sát và Ngân hàng Nhà nước cần nhìn tổng quan hơn, làm rõ sự lồng ghép các chính sách tín dụng, công cụ tín dụng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Bởi thực tế còn hàng trăm chính sách tín dụng khác, chứ không riêng chính sách trong Nghị định 28/2022/NĐ - CP hướng đến các Chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, cho thấy rõ hơn sự đóng góp của Ngân hàng Nhà nước nói chung và Ngân hàng Chính sách xã hội nói riêng.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ sự cảm thông với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, bởi tính rủi ro cho vay của các Chương trình mục tiêu quốc gia đều rất cao khi khả năng thanh toán và trả nợ rất thấp. Tuy nhiên, cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu mở rộng đối tượng, mức vay, thời gian vay dài hơn, lãi suất thấp hơn nữa. Tinh thần là “đã ưu đãi rồi phải ưu đãi hơn nữa”, đặc biệt là với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Từ thực tế việc ban hành chính sách tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn, trong thực tiễn điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, và làm thế nào để người dân mặn mà hơn với các chính sách tín dụng”.