Đình làng miền Bắc Việt Nam là một trong những loại hình kiến trúc tiêu biểu, phát triển rực rỡ từ thế kỷ XVI - XVIII, mang nhiều ý nghĩa chính trị, xã hội và tín ngưỡng.
Trong đó, hệ thống cửa võng đóng vai trò quan trọng, không chỉ là vách ngăn thiêng liêng giữa đại đình và hậu cung mà còn là biểu tượng văn hóa phản ánh nghệ thuật điêu khắc truyền thống Việt Nam.

Cuốn sách Nghệ thuật trang trí cửa võng trong nội thất đình làng là công trình nghiên cứu chuyên sâu của PGS.TS Trần Thị Biển. Tác phẩm tổng hợp và phân loại các mẫu cửa võng tiêu biểu từ thế kỷ XVI - XX.
Thông qua khảo sát thực tế tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An…, tác giả phân tích sự đa dạng trong kết cấu, kỹ thuật chạm khắc và phong cách trang trí của cửa võng trong từng giai đoạn lịch sử.
Nội dung sách tập trung làm rõ vị trí và vai trò của cửa võng trong không gian đình làng; kỹ thuật chạm khắc truyền thống bao gồm chạm bong, chạm thủng, chạm lộng, chạm nông với các họa tiết đặc trưng như rồng, lân, phượng, hổ phù, trúc hóa long, hoa lá, mây, tiên nữ...; mối liên hệ giữa nghệ thuật chạm khắc cửa võng với tổng thể kiến trúc đình làng và tín ngưỡng dân gian; Những thay đổi, biến hóa của cửa võng qua các thời kỳ, từ vật liệu, kết cấu đến phong cách trang trí.
Cuốn sách là công trình nghiên cứu chuyên sâu, cung cấp tư liệu phong phú, hình ảnh minh họa chi tiết về hệ thống cửa võng tại các đình làng còn tồn tại, góp phần làm rõ giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật của loại hình trang trí đặc biệt này.
PGS.TS. Trần Thị Biển là chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật truyền thống, hiện là giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Bà đã tham gia nhiều triển lãm và đạt các giải thưởng nghiên cứu về mỹ thuật dân gian; có nhiều sách nghiên cứu về kiến trúc, văn hóa…
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, cuốn sách Nghệ thuật trang trí cửa võng trong nội thất đình làng của tác giả Trần Thị Biển đã tập hợp được những tư liệu quan trọng các công trình cửa võng từ những ngôi đình làng điển hình Bắc Bộ, trong ba thế kỷ XVI - XVIII.
"Cuốn sách với sáu chương viết nghiên cứu, từ lịch sử kiến trúc, lịch sử nghiên cứu cho đến sự bài trí, kỹ thuật, chất liệu và các mô típ cơ bản. Một công trình chuyên sâu, bên cạnh những nghiên cứu về điêu khắc đình làng đã được khai thác và công bố trong hơn 50 năm qua, nhưng tập hợp nghiên cứu về cửa võng có lẽ đây là lần đầu tiên...", nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định.
Bởi vậy, cuốn sách được coi là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, họa sĩ, kiến trúc sư và những ai quan tâm đến bảo tồn, phục dựng di sản văn hóa Việt Nam.